Nghĩ từ chuyện 'ồn ào xá lợi': Phật tại tâm
Nhịp sống - Ngày đăng : 19:02, 05/01/2024
Tôi biết đến đạo Phật từ nhỏ. Ngôi chùa làng ở quê là điểm sinh hoạt tôn giáo đầu tiên tôi lui tới. Gần 30 năm trước, chùa nghèo, kinh sách, băng đĩa giảng pháp của các sư rất ít. Phật tử quê đến chùa không chỉ thực hành tín ngưỡng mà còn làm công quả, quét dọn khuôn viên, giúp sư thầy làm ruộng, gặt lúa. Những ngày lễ lớn bà con về chùa phụ đám, nấu thức ăn dâng Phật và mời khách gần xa cơm chay.
Mọi người đến chùa vì lẽ đơn giản: làm lành, lánh ác. Nhiều người dân quê tôi ăn chay vào ngày rằm, mùng một hàng tháng hay trọn tháng tư, tháng bảy, tháng giêng cũng vì lẽ đó.
Tất nhiên, số đông người đi chùa trong đó có tôi đều giữ tâm niệm, cầu mong đức Phật, Bồ-tát hộ trì cho khỏe mạnh, bình an, phát đạt.
Sau này lớn lên, tìm hiểu giáo lý của đạo Phật và trở thành một cư sĩ - người tại gia đã quy y Tam bảo và có pháp danh, tôi hiểu rằng một trong những giáo lý cốt lõi là nhân quả. Rằng, khi mình làm một việc lành, thậm chí nói hoặc nghĩ điều thiện, mình cũng đã gieo một hạt giống tốt vào vườn tâm của mình. Đó chính là nhân thiện cho kết quả tốt đẹp mai sau. Ngay lúc nghĩ, nói, làm việc thiện, ta cũng đã có quả lành, đó là niềm vui lan tỏa suốt ngày hôm ấy.
Ai đã từng đi làm từ thiện, mở hầu bao chia sẻ với người khó hơn sẽ cảm nhận rõ điều này. Ai đã từng ngồi lắng nghe, không phán xét, giúp người khác vượt qua khó khăn trong cuộc sống sẽ hiểu giá trị của sự hiến tặng bình an.
Nếu không tin nhân quả, con người ta có thể làm rất nhiều điều xấu xí. Do vậy, giáo lý nhân quả giúp ngăn ác, khuyến thiện.
Từ nhận thức trên, tôi nghĩ rằng ước mong những điều lành đến với mình không xấu. Nhưng nếu chỉ có xin Phật, cầu Bồ-tát, thánh thần ban cho mình may mắn mà bản thân không thực hành điều thiện thì sẽ là tham lam, không đúng quy luật có gieo, có gặt. Hay nói cách khác là muốn có phước đức thì phải tự gieo trồng, không thể nào chỉ trông cậy vào cầu xin.
Sống tử tế sẽ thấy việc thiện quanh ta. Nhiều vị thầy giải thích thêm với tôi, việc thiện là việc lợi mình, lợi người ở hiện tại và cả tương lai. Và hãy luôn nhớ rằng "Phật tại tâm", hãy lắng nghe sự từ bi, trí tuệ vốn có sẵn trong mỗi người và chú tâm thực hành lời dạy của đức Phật thay vì chạy theo những nghi lễ mê tín, mù quáng.
Năm 2005, tôi tham gia khóa tu tập dành cho cư sĩ ở một tu viện tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Thiền sư Thích Nhất Hạnh đăng tòa thuyết pháp, ngài không nói chuyện huyền bí của đức Phật và các vị thánh tăng mà tập trung vào giải quyết câu hỏi: Làm sao để có bình an, hạnh phúc ngay thực tại.
Phật dạy ta trở về bên trong, quan sát chính mình. Sửa mình để bản thân là một ngôi chùa, một thánh địa của bản thân. Tôi càng ngộ ra, cầu xin không phải là cách để có bình an, hạnh phúc mà phải hành động, tự xây ngôi chùa bên trong mình. Tôi bắt đầu tập nghĩ việc lành, nói điều dễ thương, làm những việc tốt (trong khả năng) và thấy mình dần thay đổi.
Đời thay đổi khi ta thay đổi. Câu nói này phù hợp với giáo lý "nhất thiết duy tâm tạo" (mọi thứ từ tâm sinh) của nhà Phật. Chỉ có thay đổi suy nghĩ, lối sống thì ta mới cải tạo được cuộc sống của mình.
Trước đây, tôi từng trách móc ông trời, người này, người nọ vì nghĩ rằng họ đã làm điều không tốt với mình, khiến mình khổ đau, gặp điều không như ý. Nhưng khi "lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương", tôi nhận ra, người ta còn xấu với mình (có thể) do mình chưa tốt, hoặc (có thể) họ cũng có nỗi khổ niềm đau nào đó. Một người có khổ đau, chưa tìm thấy được giá trị, niềm vui từ chính bản thân thì họ sẽ còn gieo rắc khổ đau cho người khác, gây bất an cho cuộc đời. Và họ cũng sẽ còn lao ra bên ngoài để tìm điều huyền hoặc, nhiệm mầu không có thật…
Với tôi, Phật giáo nằm ở lối sống hàng ngày, là thương yêu có hiểu biết. Phật giáo cũng không cổ súy người ta tin vào thần quyền, không dùng những hình tượng siêu phàm để câu dẫn người khác.
Sáng sớm mỗi ngày, tôi đọc bản kinh Phước Đức, Phật dạy về gieo trồng phước đức tự thân khá đơn giản như yêu thương gia đình, cung phụng mẹ cha, làm nghề thích hợp, không say sưa nghiện ngập, kiên trì phục thiện, khiêm cung lễ độ, nói lời ái ngữ…
Phật giáo du nhập vào Việt Nam hơn 2.000 năm, đã đồng hành cùng dân tộc và có ảnh hưởng rộng khắp trong xã hội. Ngày nay tất cả chúng ta tôn trọng việc mọi người theo hoặc không theo một tôn giáo, tín ngưỡng nào đó, và chúng ta không đồng tình khi ở nơi này nơi khác vẫn có người nặng về hình thức cầu cúng hơn là thực hành nguyên bản lời Phật dạy.
Những ồn ào về "xá lợi tóc Đức Phật" gần đây cho thấy điều đó. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đã vào cuộc. Thiết nghĩ người mộ đạo cũng cần có tinh thần "trạch pháp", nghĩa là biết phân biệt đúng sai, sống tỉnh thức để trở về với Phật ở bên trong, kiến tạo bình an căn bản nhất.
Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.