Hàn Quốc: Xem xét tăng khung hình phạt đối với tội phạm vị thành niên

Xã hội - Ngày đăng : 14:05, 05/01/2024

Lợi dụng khe hở của luật pháp, trẻ vị thành niên uống rượu rồi tự trình báo hoặc đe dọa sẽ báo cáo chủ doanh nghiệp. Các nhà lập pháp Hàn Quốc đang xem xét sửa đổi luật nhằm bảo vệ những người bị đánh lừa bán rượu cho trẻ em.
20231226000626_0-1-(1).jpg
Luật pháp Hàn Quốc chưa có quy định về việc trừng phạt đối vợi trẻ vị thành niên tham gia uống rượu. (Ảnh: The Korea Herald).

Đầu tháng 12/2023, cộng đồng mạng Hàn Quốc xôn xao câu chuyện về một nhóm học sinh trung học trốn khỏi quán ăn địa phương mà không trả tiền.

Ở mặt sau của hóa đơn, nhóm người này viết: "Tôi xin lỗi nhưng bạn đã không kiểm tra giấy tờ tùy thân của chúng tôi. Nếu chúng tôi báo cáo bạn, bạn sẽ phải đóng cửa. Giờ thì chúng tôi đi đây. Chúng tôi sẽ quay lại khi đã trưởng thành”.

Trẻ vị thành niên tự trình báo sau khi uống rượu hoặc đe dọa chủ quán (những người bán rượu) rằng sẽ báo cáo cho các cơ quan chức năng nhanh chóng trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong xã hội Hàn Quốc.

Luật pháp nước này chỉ đưa ra quy định trừng phạt đối với những người bán rượu cho trẻ vị thành niên, nhưng không có quy định trừng phạt nào đối với những người chưa đủ tuổi sử dụng chất có cồn.

Lỗ hổng trong luật pháp này tạo điều kiện cho những người chưa đủ tuổi cố ý tham gia uống rượu, sau đó đe dọa những chủ quán bar vô tình bán đồ uống cho họ.

Đã có nhiều trường hợp thanh thiếu niên mua đồ uống bằng giấy tờ tùy thân bị đánh cắp hoặc giả và tự trình báo, khiến chủ cửa hàng bị đình chỉ kinh doanh hoặc phạt tiền”, Hạ nghị sĩ Yu Eui-dong của Đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền cho biết trong cuộc họp Đảng của ông tại Quốc hội.

ruou.jpg
Ảnh minh hoạ

Ông nói thêm rằng, các nhà lập pháp Đảng cầm quyền đang thúc đẩy sửa đổi luật để các chủ doanh nghiệp này được ân xá trong trường hợp vô tình bán rượu cho trẻ vị thành niên.

Nội dung của đạo luật bảo vệ vị thành niên có quy định, bất kỳ ai cung cấp rượu cho trẻ vị thành niên sẽ bị phạt tới hai năm tù hoặc bị phạt tới 20 triệu won (tương đương với 15.400 USD).

Ngay cả khi thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, việc bị đình chỉ hoạt động cũng giáng một đòn nặng nề đối với các chủ doanh nghiệp. Đạo luật Vệ sinh Thực phẩm cũng quy định rằng, các cơ sở bị phát hiện bán rượu cho trẻ vị thành niên sẽ bị đình chỉ hoạt động trong hai tháng lần đầu tiên, ba tháng từ lần thứ hai và bị thu hồi giấy phép ở lần thứ ba.

Theo Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm, năm 2023, Hàn Quốc có 1.943 vụ bán rượu cho trẻ vị thành niên, tăng so với 1.648 vụ vào năm 2022. Không rõ có bao nhiêu trường hợp trong số này được báo cáo bởi chính trẻ vị thành viên, nhưng các chủ doanh nghiệp địa phương cho rằng con số này là đáng kể.

Vài năm trước, Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Thực phẩm Hàn Quốc đã công bố một báo cáo cho biết trong số 3.339 trường hợp bán rượu cho khách hàng chưa đủ tuổi vị thành niên, có 2.619 trường hợp (78,4%) bị phát hiện do chính trẻ vị thành niên trình báo vụ việc với chính quyền.

Pháp luật quy định trong những trường hợp này, người bị lừa bằng CMND giả hoặc CMND mượn sẽ không bị xử phạt. Nhưng theo Hạ nghị sĩ In Jae-keun của Đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc, chỉ có 2,8% được ân xá theo điều khoản này trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2022.

Trong nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng ID của người khác để vi phạm pháp luật, chính phủ Hàn Quốc gần đây đã thực hiện chính sách sẽ trừng phạt những người sử dụng ID của người khác với mức án lên tới ba năm tù hoặc phạt tiền lên tới 30 triệu won.

An Thanh