Gặp giữa đường, test thử lại ra người nhiễm HIV
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 07:51, 05/01/2024
Tháng 12/2000, bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên ở huyện Quế Phong (Nghệ An) được phát hiện. 23 năm sau, con số này đã lên tới 2.185 người (số liệu tháng 12/2023).
Nếu năm 2015, Quế Phong đứng thứ 2, sau thành phố Vinh về số người nhiễm HIV tại Nghệ An thì nay, địa phương này đang "dẫn đầu" tỉnh, chiếm hơn 1/5 số ca bệnh của toàn tỉnh Nghệ An (10.912 trường hợp). Hơn một nửa số người nhiễm HIV của huyện biên giới này đã chuyển sang giai đoạn AIDS, trong đó hơn 650 người tử vong.
Số người nhiễm HIV có mặt tại 13/13 xã, thị trấn trên toàn huyện. Đại dịch này trở thành nỗi ám ảnh của huyện nghèo Quế Phong trong suốt thời gian dài...
Nếu như Quế Phong "dẫn đầu" toàn tỉnh Nghệ An về số người nhiễm HIV/AIDS thì xã Tiền Phong có số người nhiễm lớn nhất huyện. Theo số liệu của Trạm Y tế xã Tiền Phong, tính đến hết tháng 11/2023, toàn xã có 599 người nhiễm HIV, trong đó 130 người tử vong.
Có gia đình 2 vợ chồng nhiễm HIV, có gia đình cả bố mẹ lẫn 2 con đều mắc bệnh, có gia đình cả bố, mẹ và con đều tử vong vì căn bệnh thế kỷ này...
Con đường độc đạo đến bản Na Sành đang được mở rộng để thu hẹp khoảng cách địa lý giữa bản xa nhất và nghèo nhất xã với trung tâm xã Tiền Phong. Toàn bản có 149 hộ dân thì có tới 100 hộ nghèo, 47 hộ nghèo và 2 hộ dân có mức sống trung bình.
Giữa trưa, bản Na Sành khá yên ắng. Những mái nhà sàn màu đỏ tươi ẩn hiện giữa núi rừng. Nếu không được giới thiệu từ trước, khó có thể tưởng tượng đây đã từng là "điểm nóng" HIV của xã Tiền Phong.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về số liệu người nhiễm HIV trong bản, anh Lương Minh Nguyệt - cán bộ y tế bản Na Sành - lắc đầu: "Nhiều lắm, không nhớ hết đâu". Anh Nguyệt tìm trong chiếc cặp của mình một bản danh sách, dùng bút rà từng dòng rồi ngẩng lên: "Cả bản có hơn 10 người chết vì HIV/AIDS rồi. Có 51 trường hợp nhiễm HIV, đang điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng HIV - PV)".
Phụ trách công tác y tế thôn bản từ năm 2001, anh Nguyệt chứng kiến thời điểm "cơn bão" HIV quét qua bản làng mình. Những năm đầu thế kỷ 21, Na Sành rộ lên cơn sốt vào rừng cưa gỗ bán cho các đầu nậu.
Làm gỗ có lẽ là công việc nặng nhọc nhất của đời sơn tràng. Họ được đầu nậu đưa cho thứ bột màu trắng, bảo đốt lên ngửi là khỏe, thế là bập vào heroin mà chẳng hề hay biết.
Dần dần, hít không đủ liều, thợ gỗ chuyển sang chích mới đủ "độ phê". Biền biệt trong rừng sâu cả tháng trời, có khi cả đám dùng chung một kim tiêm, đến nỗi mũi kim mòn cả đi. Chẳng ai biết, đằng sau mũi kim tiêm ấy là tai họa...
"Người đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV là năm 2007, trong một lần tình cờ đi viện. Giai đoạn 2010-2011, số người nhiễm HIV được phát hiện liên tục, nhưng họ giấu, khi danh sách từ Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã chuyển về tôi mới biết. Có nhà 2 anh em ruột bị, có nhà 2 vợ chồng bị.
Thời điểm đó, người bị nhiễm HIV còn bị kỳ thị lắm, nên tâm lý chung là giấu bệnh. Có ngày bản có 2 người chết vì "ết", dân bản sợ con "ma ết", không dám đi đám ma...", ông Nguyệt kể.
Với địa hình đặc thù, những năm cuối thế kỷ 20, huyện biên giới Quế Phong là điểm nóng của tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Anh Ngân Văn Un (xã Châu Kim, Quế Phong) bị cuốn vào "cơn lốc ma túy" dù thời điểm đó anh đang phụ trách y tế thôn bản.
"Thời đó ma túy sẵn lắm. Đi đám cưới, đánh bài, người ta vứt cả cục heroin ra bàn mời nhau. Lúc đầu thì hút cho vui, sau thì nghiện, lâu dần hít không đủ "đô", chuyển sang chích. Làm gì có sẵn kim tiêm đâu, cứ "chích tập thể" như thế, đến mòn kim, không đâm được vào ven thì vứt", anh Un kể về con đường lây nhiễm HIV phổ biến nhất ở huyện miền núi này.
Sau nhiều năm với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, "điểm nóng" HIV ở huyện Quế Phong đang từng bước được "hạ nhiệt". Tuy nhiên, số ca nhiễm mới vẫn được phát hiện, dù rải rác ở các địa bàn khác nhau. Trong đó, số ca nhiễm mới chủ yếu qua 2 con đường chính là tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục thiếu an toàn.
Anh Lô Văn Nhất - một tình nguyện viên phòng chống HIV/AIDS - kể về câu chuyện tình cờ phát hiện ca nhiễm HIV mới nhất như chứng minh con "ma ết" vẫn đang âm ỉ ở huyện vùng cao này.
"Hôm đó, tôi và anh Lộc Văn Hai trên đường vào bản để tuyên truyền, qua cầu xã Tiền Phong một đoạn, hai anh em thấy một thanh niên đang dặt dẹo bên đường. "Cùng dòng" nên dễ nhận ra nhau, 2 anh em dừng xe để tuyên truyền sử dụng Methadol cai nghiện ma túy.
"Hay là test thử xem có nhiễm HIV không, nếu không thì tốt, mà nhiễm thì biết cách mà bảo vệ cho người thân" - tôi thuyết phục. Lúc đầu bạn ấy còn lưỡng lự nhưng sau cũng đồng ý test. Kết quả test thử lên 2 vạch đỏ chói", anh Nhất kể.
Tính đến hết tháng 10/2023, tại huyện Quế Phong phát hiện 32 trường hợp nhiễm HIV mới, Lương Văn T. (30 tuổi, trú xã Đồng Văn) là một trong những trường hợp đó.
Hồi tháng 9/2023, T. đang đi làm ở miền Nam, bỗng bị tiêu chảy. Căn bệnh ngày càng trầm trọng, T. đi phòng khám kiểm tra, mua thuốc uống không đỡ. Sau gần 1 tháng tiêu chảy liên tục, T. kiệt quệ, nằm thoi thóp ở phòng trọ, buộc phải gọi điện cho người nhà vào đưa về. Về nhà, với thể trạng đó, T. đã gần như xác định cầm chắc cái chết rồi.
Anh Lộc Văn Hai - thành viên nhóm Sao Va, trong một lần đi tuyên truyền, tình cờ hay biết tình trạng của T. và test thử cho nam thanh niên này.
Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy T. nhiễm HIV. Tình trạng tiêu chảy, suy kiệt cơ thể là do suy giảm miễn dịch gây nên. Tuy nhiên, để chắc chắn, anh Hai đưa T. ra Trung tâm Y tế huyện xét nghiệm khẳng định. Không chỉ nhiễm HIV, T. còn mắc bệnh lao!.
Sau gần 4 tháng điều trị bằng ARV và thuốc chống lao, sức khỏe của T. đã cải thiện hơn trước. T cũng bình tâm hơn khi đối mặt với sự thật nghiệt ngã.
"Em có dùng heroin, nhưng đó là chuyện của 5 năm trước, sau này vào miền Nam làm thuê, em không đụng đến ma túy nữa. Có lẽ, em lây bệnh này từ mấy lần "đi gái". Thanh niên mà, làm dăm ba chén rượu vào, phê phê là rủ nhau đi, có lần tỉnh táo thì biết dùng bao cao su, có lần say quá thì chẳng nhớ ra mà bảo vệ mình", T. chua chát kể về sai lầm trong lối sống của mình.