Nghe podcast: hành trình chữa lành tâm hồn của người trẻ

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 21:00, 04/01/2024

Giữa nhịp sống hối hả, bộn bề toàn những lo toan, nhiều người trẻ tìm đến podcast để “băng bó” lại vết thương trong tâm hồn, tìm lại sự bình yên và xoa dịu đi trái tim đang lạc lõng giữa dòng đời vội vã.

Podcast từ trào lưu

Những chiếc podcast với giọng đọc ấm áp cùng lời chia sẻ chân thành đã và đang trở thành "điểm dừng chân" tạm trong cuộc hành trình tìm kiếm bình yên của nhiều bạn trẻ ở thời hiện đại.

Không đơn thuần là thưởng thức một tác phẩm nhỏ, nghe podcast còn là một cách để người nghe và tác giả trở thành bạn tâm giao, kết nối với nhau thông qua cảm xúc, ký ức và những câu chuyện đằng sau từng lời nói.

Không giống như kênh radio thông thường, muốn “thụ hưởng” hết nội dung và giá trị tinh thần của podcast, thính giả cần phải chọn nơi yên tĩnh để có thể tập trung vào nội dung, thả mình trôi theo nhịp cảm xúc, vỗ về bản thân, vừa chiêm nghiệm những giá trị cuộc sống thông qua các câu chuyện bình dị.

Việc nghe podcast không chỉ đơn thuần là việc lắng nghe chia sẻ của người khác, mà còn là cơ hội để mỗi người nhìn nhận lại chính mình thông qua việc đánh giá, so sánh và xem xét những gì bản thân đã nghe.

Đôi khi, trong sự im lặng, cộng hưởng với những âm thanh êm dịu, chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của trái tim - điều khó để tìm thấy trong sự ồn ào của cuộc sống hàng ngày.

Podcast không chỉ là một chương trình phát thanh thông thường. Đó là một hành trình dịu dàng, dẫn dắt thính giả đến những góc kỷ niệm, những câu chuyện tinh thần đậm chất nhân văn. Đây là nơi mà người trẻ không chỉ đơn thuần “nghe”, mà còn là nơi họ "cảm nhận" một cách sâu sắc nhất...

z5039767965849_810768a9a5e981005a337c9cf3696d7f.jpg
Những câu chuyện ngắn, những tạp âm nhỏ nhắn với tiếng đàn guitar nhẹ nhàng, những âm thanh tự nhiên của biển, của gió giúp người trẻ chữa lành và tìm lại được chính mình giữa cuộc sống ồn ào.

đến hành trình chữa lành tâm hồn người trẻ

Sau khi hoàn thành xong bài tập, sắp xếp ổn thoả các công việc cho ngày hôm sau, Nguyễn Thị Quế Chi (sinh viên năm 4, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM) chọn cho mình cách cân bằng cảm xúc bằng những tập podcast trên kênh yêu thích.

Khi mà xã hội có quá nhiều thứ khiến chúng ta phải xoay vòng trong lo toan, ai cũng phải gánh vác trên vai áp lực nặng trĩu của cuộc sống, ai rồi cũng phải đi qua cơn giông của riêng mình và ai rồi cũng phải mang trên mình tổn thương thì mình nghĩ một chiếc podcast, một câu chuyện nhỏ, một lời nhắn nhủ chân thành sẽ đủ để làm cho cuộc sống của mình và của mọi người trở nên đẹp đẽ hơn, tâm hồn bình yên hơn và trái tim ấm áp hơn”, đó là lý do mà tôi tìm đến podcast, Chi bộc bạch.

Cùng một podcast, cũng ngần ấy diễn biến, nhưng mỗi lần nghe mình lại có một trải nghiệm cảm xúc khác nhau. Có thể là vì lúc đầu, mình chưa gặp phải trường hợp như trong câu chuyện mà người ta kể nên mình chỉ đơn thuần cảm thấy thương cảm với tác giả thôi. Nhưng một thời gian sau, khi bản thân đã trải qua việc tương tự, ngồi nghe lại, mình lại thấu hiểu nhiều hơn. Hóa ra là, cuộc đời không cho ai hạnh phúc tuyệt đối, cũng không tàn nhẫn với riêng mình”, cô sinh viên năm cuối trường KHXH&NV nói tiếp.

Hoàng Thùy Linh (sinh viên năm 2, trường ĐH Khoa học Tự Nhiên - ĐHQG TP.HCM) xem podcast là cách để bản thân trải nghiệm chuyến hành trình đầy ắp những cảm xúc khác nhau.

Mình thường nghe podcast vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Đây là thời điểm mọi người đều dành cho mình sự riêng tư, không có ồn ào, không có làm phiền, cũng không sự xáo trộn để mình có thể cảm nhận được hết tất cả những điều mà tác giả muốn gửi gắm”, Linh cho biết.

z5039646560263_375ddadfbd5bd1483329c857edae516c.jpg
Nghe podcast là cách mà Thùy Linh cảm nhận về thế giới xung quanh mình.

Cô bạn cũng nói rằng, nghe podcast là một phương thức để cảm nhận rằng, có một thế giới rộng lớn đang chờ đợi mình, không chỉ bên ngoài cửa sổ, mà còn trong từng nốt nhạc, từng âm điệu của lời kể.

Thùy Linh tâm sự: “Mỗi câu chuyện, mỗi thông điệp mà tác giả muốn truyền tải, không chỉ đưa mình đến những nơi mình chưa từng đặt chân, mà còn đưa mình đến với những tâm hồn, những trạng thái tinh thần khác nhau. Đôi khi, đó là tiếng cười phảng phất từ những câu chuyện hài hước; cũng có khi là nỗi buồn thầm lặng từ những chia sẻ về những khoảnh khắc khó khăn. Mình sẽ có những góc nhìn đa dạng hơn, khám phá được ngóc ngách tâm hồn của chính mình và tìm kiếm được sự đồng điệu với người khác”.

Mình đi tìm chính mình qua mỗi câu chuyện trên podcast”. Đây là câu trả lời của Nguyễn Thảo Thy (sinh viên năm 4, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM) khi được hỏi về lý do tìm đến những tập podcast chữa lành. Thy nói rằng, cô bạn có thể tìm thấy những điểm chung, những mảnh ghép giống nhau trong câu chuyện của mình và của tác giả.

z5039653535795_2280abde56477910bf8fc34583b0fc8b.jpg
Một tập podcast gần đây Thảo Thy nghe. (Ảnh: NVCC)

"Có đôi khi, mình tìm thấy phần nào đó của chính mình trong từng giọng đọc, từng câu chuyện, giúp mình biết và hiểu rõ hơn về bản thân. Những thông điệp về sự mạnh mẽ, lòng kiên nhẫn hoặc thậm chí là sự yếu đuối từ những người không quen biết có thể khơi gợi những suy nghĩ, những trăn trở trong lòng. Thì ra, mình cũng đã từng trải qua những cảm xúc tương tự”, cô bạn trải lòng.

Podcast chữa lành vì vậy đã dần trở thành "món ăn tinh thần", nguồn động lực tích cực cho giới trẻ; là nơi họ tìm thấy sự đồng điệu, niềm an ủi vỗ về và sự thấu hiểu, khích lệ từ những người không quen biết.

Điều ấy giúp cho người trẻ tự tin, mạnh mẽ hơn cũng như tìm thấy mình với bản ngã thiện lương sau những ngày chạy đua trong thế giới hiện đại xô bồ...