Bỏ quy định đèn ô tô phải đúng chủng loại nguyên bản mới được đăng kiểm
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:27, 04/01/2024
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 43/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư 43 có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.
Thông tư 85 quy định, ô tô và xe cơ giới nói chung nếu có sự thay đổi thuộc diện cải tạo xe thì phải lập hồ sơ thiết kế cải tạo, được cơ quan thẩm quyền cấp thẩm định và nghiệm thu mới được cấp chứng nhận cải tạo để chủ xe làm thủ tục kiểm định, đăng ký biển số.
Trường hợp chủ xe tự thay đổi đèn, lưới tản nhiệt hoặc lắp thêm phụ kiện không đúng kiểu loại của xe đã được cấp chứng nhận, làm thay đổi kết cấu, hình dáng, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành của xe sẽ bị từ chối kiểm định. Bởi vì đây được xem thuộc diện cải tạo xe.
Đây cũng chính là lý do khiến thời gian vừa qua nhiều chủ phương tiện không thể đăng kiểm được phương tiện chỉ vì… lỗi đèn. Theo đó, với những xe không dùng đúng chủng loại đèn như hồ sơ kỹ thuật ban đầu sẽ được coi là một khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng.
Thông tư 43 đã có nhiều quy định sửa đổi. Cụ thể, trường hợp xe cơ giới thay đổi chỉ liên quan đến nội thất và tính tiện nghi, không liên quan đến an toàn thì không coi là cải tạo. Những trường hợp này gồm:
Thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách (không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa).
Thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng như: Bịt kín hoặc thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng; thay thế tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại.
Xe bọc thêm tôn phần khung mui của xe mui phủ không làm tăng chiều cao thành thùng hàng; lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ.
Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô PICKUP (xe bán tải) nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng và kích thước bao của xe.
Những ô tô lắp thêm đèn sương mù dạng rời.
Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam lưu ý, việc thay đèn chiếu sáng phía trước phải đảm bảo các nguyên tắc: Đèn thay thế phải là loại đèn đã được chứng nhận phù hợp quy chuẩn hiện hành; lắp đèn không phải cắt, khoét, hàn... thân vỏ xe.
Ngoài ra, với những xe thay đổi kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: Lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió; lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe cũng không được coi là cải tạo xe cơ giới.
Đáng lưu ý, tất cả các trường hợp trên vẫn được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.
Lý do Bộ GTVT "cởi trói" một số quy định trên vì Thông tư 85 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được ban hành từ năm 2014 đã có một số bất cập, không còn phù hợp với thực tế.
Do đó, Bộ này sửa đổi thông tư để làm rõ hơn quy định thế nào là cải tạo xe cơ giới; cho phép mở rộng các trường hợp cải tạo không cần lập hồ sơ thiết kế để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; quy định nhiều trường hợp thay đổi chỉ liên quan đến nội thất và tính tiện nghi, không liên quan đến an toàn thì không coi là cải tạo xe. * Đồng tình với sự sửa đổi tại Thông tư 43, TS. Khương Kim Tạo (nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia) cho rằng, việc thay đổi này kịp thời, phù hợp với xu hướng chung của các nước cũng như thực tế. Bởi vì các nhà sản xuất đều tìm cách cải tiến sản phẩm theo năm tháng. Một số xe đời cũ, sản xuất cách đây 5-10 năm đôi khi không thể tìm được các thiết bị thay thế, trong đó có đèn chiếu sáng đúng chủng loại, thông số kỹ thuật ban đầu. * Sử dụng ô tô bán tải Hilux từ 5 năm trước, anh Nguyễn Văn Mạnh (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, mỗi lần đi đăng kiểm anh thường phải ra salon thuê nắp để che kín khoang hàng phía sau. "Tôi biết đấy chỉ là cách đối phó nhằm qua đăng kiểm nhưng đành làm vậy. Lúc tôi mua xe đã không có nắp thùng hàng rồi. Vì thế, tôi rất mừng vì từ giờ có thể yên tâm đi đăng kiểm", anh Mạnh nói.