NSND Xuân Bắc: 'Ai cũng có thể là nạn nhân bị tấn công trên mạng'

Dòng chảy - Ngày đăng : 20:55, 03/01/2024

Theo NSND Xuân Bắc, nhiều cư dân mạng bộc lộ quan điểm vội vàng. Anh lo ngại, điều này sẽ hình thành nên nét văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới là văn hóa phán xét, chụp mũ, a dua.

Sáng 3/1, NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam đã tham gia phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).

Theo NSND Xuân Bắc, cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều thành tựu khoa học và sự hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu đời sống con người, song cũng tạo ra những mặt trái, tác động tiêu cực tới văn hóa.

NSND Xuân Bắc nêu thực trạng, có nhiều trang nặc danh, trang giả mạo, cố tình gây hiểu nhầm tạo dự luận, đánh tráo khái niệm nhằm định hướng và kích động những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết.

NSND Xuân Bắc: Ai cũng có thể là nạn nhân bị tấn công trên mạng - 1

NSND Xuân Bắc lo ngại về thực trạng a dua, bày tỏ quan điểm một cách vội vàng, thiếu kiểm chứng của người dùng mạng xã hội (Ảnh: Trần Huấn).

Trước những vấn đề nóng của xã hội, nhiều cư dân mạng sẵn sàng bộc lộ quan điểm, nhận thức của mình một cách vội vàng, thiếu kiểm chứng, sẵn sàng phán xét hay chụp mũ.

"Nếu chúng ta cứ để tình hình này diễn ra thì không khéo sẽ tạo ra một nét văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới là văn hóa phán xét, chụp mũ, a dua. Điều này thực sự quá nguy hiểm. Bất kỳ ai trong xã hội, nghệ sĩ hay ngay cả thứ trưởng, bộ trưởng cũng có thể trở thành nạn nhân bị tấn công trên mạng xã hội", NSND Xuân Bắc nói.

Theo NSND Xuân Bắc, khi mạng xã hội phát triển bùng nổ, thông tin được lan truyền theo cấp số mũ, những thông tin xấu độc hại, thiếu chính xác cần phải được đính chính, chỉnh lý, giải thích kịp thời để tránh nghi ngờ lây lan.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, NSND Xuân Bắc cho hay, Nhà hát kịch Việt Nam thường xuyên phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động chia sẻ về xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

Nhà hát kịch Việt Nam cũng xây dựng các tiểu phẩm nói về những thói hư tật xấu nói chung. Những tiểu phẩm này được truyền thông, giới thiệu tới đông đảo công chúng.

"Nội dung tác phẩm không phê phán một ai cụ thể mà chỉ phê phán hành vi tiêu cực như ném đá trên mạng, tung tin sai sự thực… Những hành vi đó nếu ai mắc phải thì họ tự soi, tự điều chỉnh lại mình.

Một cá nhân mỗi khi hành động thường tự cho rằng bản thân mình đúng (trừ những người biết sai mà vẫn cố tình). Nếu khẳng định rằng, họ đang sai thì sẽ đụng đến chuyện tranh cãi về quan điểm, nhận thức và ý hiểu.

Vậy nên, chúng tôi chỉ nêu ra tình huống để người xem trở thành người ngoài cuộc. Khi trở thành người ngoài cuộc họ mới phân tích được hành vi của những người trong cuộc (trong tiểu phẩm) để tự điều chỉnh", NSND Xuân Bắc chia sẻ thêm.

Cũng theo Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, có rất nhiều cư dân mạng không có ý xấu, họ chỉ đang muốn đấu tranh chống lại tiêu cực, chống lại cái xấu nhưng đôi khi cách bộc lộ quan điểm, sử dụng ngôn ngữ chưa phù hợp.

"Việc phê phán không sai. Chúng ta vẫn khuyến khích mọi người đấu tranh cho những điều tốt đẹp nhưng thông tin, cách thức, ngôn ngữ phải phù hợp.

Điều này sẽ giúp người dùng mạng xã hội tận dụng được ưu thế của công nghệ bày tỏ tiếng nói với Đảng, Nhà nước và các cơ quan ban ngành, đấu tranh bài trừ cái xấu để cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, chứ không khiến thông tin hỗn loạn", Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam nói.

Trong công tác điều hành đơn vị của mình, NSND Xuân Bắc cho biết, anh luôn chú ý đến việc đính chính, chỉnh lý, giải thích kịp thời để tránh nghi ngờ lây lan.

Anh cùng các nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam ý thức rất rõ vai trò và vị trí của mình trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới.

"Đối với công tác tuyên truyền trong thời kì mới, chúng tôi thực sự thấy được giá trị của việc đi tắt, đón đầu trong thông tin.

Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Nhà hát Kịch Việt Nam là dàn dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình, tiết mục kịch nói tiêu biểu mang bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại theo định hướng nghệ thuật của Bộ VH-TT&DL, phục vụ khán giả trong nước và ngoài nước góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ người xem.

Thông qua những đêm biểu diễn, các nghệ sĩ truyền đến khán giả những cái hay, cái đẹp, cái xuất sắc của truyền thống ông cha để lại. Các tác phẩm của Nhà hát kịch Việt Nam cũng tuyên truyền về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Qua những buổi giao lưu, các nghệ sĩ đã góp phần hỗ trợ khán giả nhận thức, nhận diện đầy đủ hơn về cách thức, mánh khóe của những thế lực thù địch chống đối Đảng và Nhà nước, đi ngược lại lợi ích phát triển của quốc gia của dân tộc.

Phạm Hồng Hạnh