Quy tắc an toàn 'viết bằng máu' đã cứu sống hành khách trong vụ tai nạn máy bay ở Nhật Bản

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:56, 03/01/2024

Các hành khách đã tuân theo các quy trình khẩn cấp và không cố gắng lấy đồ đạc của mình, trong khi các lối thoát hiểm của máy bay cũng hoạt động và triển khai hết công suất, các chuyên gia cho biết.
240102-japan-plane-fire-mn-0600-f44829-124914-1704273159403-1704273159602897314436.jpg

Chiều ngày 2/1, một máy bay chở khách của hãng hàng không Japan Airlines trên chuyến bay JAL516 đã bất ngờ va chạm với một máy bay của Cảnh sát biển Nhật Bản trên đường băng của Sân bay Haneda tại Tokyo, khiến cả hai chiếc máy bay đều gặp tai nạn nghiêm trọng.

5 trong số 6 người trên máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bị máy bay thương mại đâm đã thiệt mạng. Trong khi đó, tất cả 379 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Airbus A350 đều sống sót sau vụ tai nạn, ngay cả khi nó đã bị nổ tung và vỡ vụn. Toàn bộ 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đã thoát ra ngoài chỉ sau 90 giây mà không ai bị thương nặng. Việc tất cả đều thoát nạn dù gặp tình huống nghiêm trọng đã khiến dư luận phải kinh ngạc.

Trong khi các cuộc điều tra về vụ tai nạn vẫn đang được tiến hành, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định và phân tích trước vụ thoát thân thần kỳ này. Họ cho rằng việc Japan Airlines sơ tán thành công hành khách trong chớp mắt là chìa khóa cho tất cả. Để có được khoảnh khắc thần kỳ này là nhờ sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn an toàn hiện đại và văn hóa an toàn nghiêm ngặt của hãng nói riêng, cũng như của người Nhật nói chung.

japan-airlines-bursts-flames-runway.jpg

Đoạn phim quay lại tình huống ở sân bay Haneda cho thấy máy bay Airbus đã va chạm với máy bay nhỏ khác ngay sau khi hạ cánh trong trời tối, sau đó trượt đi tạo thành một vệt lửa và nổ tung.

Các hành khách trên chuyến bay JAL516 đã sơ tán khẩn cấp rất nhanh chóng mà không mang theo hành lý xách tay. Mika Yamake, người có chồng trên chuyến bay, nói với CNN: “Anh ấy chỉ chạy ra với chiếc điện thoại di động của mình. Anh ấy phải bỏ lại mọi thứ khác phía sau”.

Một phi công của một hãng hàng không lớn ở châu Âu nói với CNN rằng để làm được như vậy không phải dễ dàng và ông bất ngờ vì Japan Airlines làm được: “Chắc chắn đây sẽ là một thách thức đối với các hãng hàng không và các nền văn hóa khác, vì sẽ có một số người ưu tiên hành lý xách tay hoặc đồ đạc của họ hơn sự an toàn của chính mình và những hành khách đồng hành”. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc sơ tán đều có thể gây ra thảm họa. Sự cố này có thể còn tồi tệ hơn nhiều nếu hành khách không chịu tuân theo lời khuyên phải bỏ lại đồ đạc của mình.

Graham Braithwaite, giáo sư điều tra an toàn và tai nạn tại Đại học Cranfield của Vương quốc Anh, cho biết: “Từ những gì tôi thấy trên đoạn phim, tôi rất ngạc nhiên và nhẹ nhõm khi mọi người đều thoát ra ngoài an toàn. Đó là một tai nạn nghiêm trọng mà bất kỳ chiếc máy bay nào cũng khó có thể vượt qua được. Nhưng với những gì tôi biết về hãng hàng không đó thì việc họ đã làm tốt công việc như vậy không có gì đáng ngạc nhiên”.

Trợ lý Giáo sư về kỹ thuật hệ thống tích hợp và hàng không Shawn Pruchnicki tại Đại học bang Ohio cho biết, tốc độ sơ tán trong vụ tai nạn này là “đáng kinh ngạc”. “Tôi đoán thực tế là nếu họ thực sự thoát xuống trong 90 giây, có vẻ như mọi người đã không cố lấy hành lý của họ, vì đó là thời gian khá nhanh”, ông nói.

Japan Airlines đã tạo ra phép màu nhờ khả năng tuân thủ quy định về an toàn quá hoàn hảo.

maybaynhat.jpg

Trên thực tế, chính một vụ tai nạn thảm khốc cách đây gần 40 năm đã giúp Japan Airlines trở thành một hãng hàng không an toàn như vậy.

Vào ngày 12 tháng 8 năm 1985, chuyến bay 123 của Japan Airlines từ Tokyo đến Osaka bị rơi, khiến 520 trong số 524 người trên máy bay thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn là do trục trặc trên máy bay sau khi các kỹ thuật viên của Boeing - không phải của hãng hàng không - sửa chữa lỗi phần đuôi sau một sự cố trước đó.

Cho đến ngày nay, đây là vụ tai nạn máy bay đơn lẻ nguy hiểm nhất trong lịch sử hàng không.

Braithwaite nói: “Rõ ràng vụ việc đã ảnh hưởng rất sâu sắc đối với Japan Airlines. Trong một nền văn hóa như Nhật Bản, họ nhận trách nhiệm đó với tư cách là một nhóm và muốn đảm bảo rằng sẽ không có chuyện tương tự xảy ra nữa”. Kể từ đó, hãng đã thắt chặt các quy định an toàn và chú trọng việc đào tạo nhân viên một cách vô cùng khắc nghiệt.

Các nhân viên của JAL biết rất rõ, hồ sơ an toàn của hàng không hiện đại “được viết bằng máu của những người không may mắn”.  Tai nạn trở thành bài học được “chia sẻ trong toàn ngành để tất cả các phi hành đoàn có thể hoàn thành công việc tốt hơn”.

Các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu quốc tế do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO, một phần của Liên Hợp Quốc) đặt ra, yêu cầu phi hành đoàn phải tập thực hành sơ tán khẩn cấp hàng năm. Các nhà sản xuất máy bay cũng phải chứng minh rằng bất kỳ máy bay mới nào cũng có thể được sơ tán hoàn toàn trong 90 giây. Các hãng hàng không riêng lẻ cũng có thể có những yêu cầu bổ sung để bảo vệ chính mình.

Xem thêm:

Cách gần 400 người sơ tán an toàn khỏi máy bay đang bốc cháy ngùn ngụt ở Nhật

Vụ máy bay bốc cháy ở sân bay Nhật Bản: ‘Đó là phép màu’ để có thể sống sót

Việt Báo (Tổng hợp)