Vụ đấu giá đất hơn 4 tỷ/m2 tại huyện Mê Linh: Có sai sót từ đơn vị tổ chức đấu giá?
Bất động sản - Ngày đăng : 09:38, 03/01/2024
Liên quan việc một người trúng đấu giá thửa đất 102m² với giá 4,28 tỷ đồng/m², gấp 142 lần giá khởi điểm nhưng sau đó lại xin rút cọc vì ghi nhầm, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng: Đã có sai sót nghiêm trọng trên phiếu trả giá, đây là sai sót rất căn bản không đáng có khiến cho người tham gia đấu giá bị nhầm lẫn.
Cụ thể, người tham gia đấu giá có thể đã nhầm giữa đơn giá đất (tính theo VND/m2) với giá trọn gói của thửa đất (tính theo đơn vị VND), tức là có thể về mặt ý chí, ông Nguyễn Thanh Tùng đã trả giá 4,28 tỷ đồng/toàn bộ thửa đất nhưng thông tin trên phiếu trả giá yêu cầu người tham gia trả giá theo m2. "Lẽ ra ông Tùng phải chia 4,28 tỷ đồng/102m2=41,96 triệu đồng/m2 để điền vào phiếu. Tuy nhiên, thay vì điền 41,96 triệu đồng/m2, ông Tùng lại điền 4,28 tỷ đồng/m2", chuyên gia nhận định.
Qua nghiên cứu hồ sơ Mời tham gia đấu giá được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử huyện Mê Linh, ông Đỉnh phân tích lý do dẫn đến sự nhầm lẫn của người tham gia đấu giá là mẫu phiếu trả giá ghi: “Tôi xin trả giá cho thửa đất có ký hiệu… đã đăng ký đấu giá là: Số tiền: … (bằng số) đồng/m2; Bằng chữ: … đồng.”, ông Đỉnh chia sẻ.
Mẫu phiếu trả giá sai sót. Ảnh: Chuyên gia cung cấp |
Như vậy ở đây đã có sai sót trên phiếu trả giá, có sự không thống nhất về đơn vị: Số tiền bằng số là đồng/m2; bằng chữ là đồng (lẽ ra số tiền bằng chữ cũng phải là đồng/m2). Từ sai sót này có thể đặt dấu hỏi về năng lực của tổ chức đấu giá tài sản, làm sao có thể để 1 sai sót rất căn bản và không đáng có như vậy xảy ra? Từ đây, có thể thấy có căn cứ về việc ông Tùng bị nhầm lẫn do phiếu trả giá có sai sót.
Về hướng giải quyết vụ việc, tránh thiệt hại cho người tham gia đấu giá, vị chuyên gia dẫn chứng: Theo Điều 126 Bộ Luật dân sự 2015: “Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu…” Như vậy, ông Tùng nếu cho rằng bản thân mình bị nhầm lẫn, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có thể đề nghị Tòa án giải quyết. Trường hợp này, phiếu trả giá (có sai sót nghiêm trọng) chính là chứng cứ quan trọng nhất bảo vệ ông Tùng.
Một khu đất đấu giá tại huyện Mê Linh |
Điều 72 Luật Đấu giá tài sản 2016 đã quy định về các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản, tuy nhiên không có trường hợp nào áp dụng trực tiếp cho trường hợp của ông Tùng.
Tại khoản 2 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản có trường hợp “Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật này”. Tuy nhiên, theo ông Đỉnh trường hợp Tòa tuyên vô hiệu này dẫn chiếu đến điểm b khoản 5 Điều 9 (trường hợp người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá… có hành vi “Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản”), không phù hợp với trường hợp của ông Tùng.
Theo ông Đỉnh, trường hợp này ông Tùng có thể bám theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản về việc kết quả đấu giá tài sản bị hủy “Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản…”. Ông Tùng có thể căn cứ vào sai sót trên phiếu trả giá, căn cứ phán quyết của tòa án tuyên vô hiệu giao dịch do nhầm lẫn (nếu có) để yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá phải đàm phán, thương thảo về việc hủy kết quả đấu giá tài sản.
Trường hợp này, tổ chức đấu giá tài sản (Công ty đấu giá) có thể phải bồi thường cho người có tài sản đấu giá (UBND huyện Mê Linh) theo điểm đ khoản 2 Điều 24 Luật Đấu giá tài sản và hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đã ký.