Quân sự thế giới hôm nay (3-1): Hamas tấn công trực thăng Apache của Israel bằng tên lửa SA-7
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:29, 03/01/2024
* Hamas tấn công trực thăng Apache của Israel bằng tên lửa SA-7
Ngày 2-1, “Thời báo Israel” (The Times of Israel) đưa tin lần đầu tiên các tay súng Hamas sử dụng tên lửa vác vai SA-7 tấn công trực thăng AH-64 Apache của Israel. Cụ thể, The Times of Israel trích nguồn tin từ Palestine cho biết, trong khi Israel tiến hành các cuộc không kích ở phía Tây thành phố Gaza, các tay súng Hamas đã phóng 2 quả tên lửa SA-7 nhằm vào các trực thăng tấn công AH-64 Apache.
Phía Israel cũng thừa nhận việc trực thăng của mình bị tấn công bằng tên lửa phòng không vác vai SA-7, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về số lượng tên lửa của Hamas. Quân đội Israel xác nhận thêm rằng tên lửa SA-7 của Hamas đã bắn trượt mục tiêu và không gây ra thương vong hay thiệt hại nào.
Hamas tấn công trực thăng Apache của Israel bằng tên lửa SA-7. Ảnh: Army Recognition |
AH-64 Apache do Boeing phát triển là trực thăng tấn công đa năng tiên tiến chủ yếu được Lục quân Mỹ sử dụng. Trực thăng này là một khí tài rất linh hoạt, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như tấn công, trinh sát và phòng thủ. Apache còn nổi tiếng về khả năng sống sót và tính cơ động cao với nhiều vũ khí tối tân. Vũ khí trang bị cho AH-64 Apache gồm một khẩu súng tự động 30mm M230, tên lửa AGM-114 Hellfire và tên lửa Hydra 70.
Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không vác vai SA-7, còn gọi là 9K32 Strela-2, được thiết kế để tấn công máy bay tầm thấp. Được phát triển bởi Liên Xô từ những năm 1960, đây là hệ thống tên lửa dẫn đường hồng ngoại vác vai, hiệu quả phần lớn là do tính đơn giản và tính cơ động cao của nó. Tên lửa chỉ cần một người vận hành, tấn công mục tiêu máy bay bằng cách xác định lượng phát xạ hồng ngoại, phần lớn là từ động cơ. SA-7 có tầm bắn hiệu quả khoảng 4.200m, độ cao hiệu dụng khoảng 1.500m, phù hợp để tấn công máy bay trực thăng và máy bay tầm thấp. Mặc dù đã cũ, SA-7 vẫn được sử dụng rộng rãi ở nhiều cuộc xung đột trên toàn cầu do sản phẩm có nhiều và dễ sử dụng.
* Ấn Độ và UAE bắt đầu cuộc tập trận chung “Desert Cyclone”
Theo Tin nhanh Ấn Độ mới (The New Indian Express), ngày 2-1 Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bắt đầu cuộc tập trận chung đầu tiên mang tên “Desert Cyclone” (Lốc xoáy sa mạc).
Thông cáo của Lục quân Ấn Độ cho biết: “Cuộc tập trận sẽ diễn ra ở khu vực Mahajan, bang Rajasthan từ ngày 2 đến 15-1. UAE đưa lực lượng thuộc Lữ đoàn số 1 Zayed và phía Ấn Độ điều động lực lượng thuộc một tiểu đoàn bộ binh cơ giới tham gia cuộc tập trận”.
Ấn Độ và UAE bắt đầu cuộc tập trận chung “Desert Cyclone”. Ảnh: The New Indian Express |
Mục đích của cuộc tập trận là tăng cường khả năng tương tác trong các hoạt động dưới mức chiến tranh quy ước, bao gồm tác chiến trong đô thị, trên địa hình sa mạc và bán sa mạc theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc về các hoạt động gìn giữ hòa bình. Cuộc tập trận sẽ tăng cường hợp tác và khả năng tương tác giữa hai bên trong các hoạt động gìn giữ hòa bình. “Desert Cyclone” cũng sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên. Các nội dung trong cuộc tập trận bao gồm: Thành lập Trung tâm Giám sát chung, Tìm kiếm và phong tỏa, Chiến dịch Kiểm soát đô thị và vận hành trực thăng.
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên UAE ký kết Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện vào năm 2022. Một thỏa thuận cũng được ký kết vào tháng 7-2023 cung cấp 1,2 triệu tấn khí hóa lỏng cho Ấn Độ mỗi năm trong thời gian 14 năm kể từ 2026. Hiện có khoảng 3,5 triệu người Ấn Độ đang làm việc tại UAE và Ấn Độ đặc biệt coi trọng mối quan hệ với quốc gia này.
* Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt bán đạn pháo 155mm cho Israel
Theo Military Leak, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt đề xuất khả thi bán đạn pháo 155mm M107 và các thiết bị liên quan cho Chính phủ Israel với chi phí ước tính 147,5 triệu USD.
Chính phủ Israel đã yêu cầu bổ sung thêm các thiết bị phụ trợ cho đạn pháo 155mm như ngòi và thuốc phóng. Những thiết bị bổ sung này sẽ làm chi phí tổng thể gia tăng. Ban đầu, đề xuất mua sắm của Israel trị giá 96,51 triệu USD, bao gồm 4.792 quả đạn pháo 155mm M107, 52.229 quả đạn pháo 155mm M795, và 30.000 mồi phóng M4, cùng tài liệu kỹ thuật liên quan và dịch vụ hỗ trợ hậu cần hậu mãi.
Mỹ sẽ bán bổ sung đạn pháo 155mm cho Israel. Ảnh: Military Leak |
Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận nội dung này và giải trình chi tiết trước Quốc hội về tình trạng khẩn cấp đòi hỏi phải bán ngay cho Chính phủ Israel các mặt hàng quốc phòng nêu trên vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Đạn pháo 155mm sẽ được cung cấp từ kho dự trữ của Lục quân Mỹ.
M107 là loại đạn nổ uy lực mạnh 155mm được nhiều nước sử dụng và trước đây từng là đạn tiêu chuẩn cho pháo binh Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay M107 đang được dần thay bằng đạn M795. M107 có thể bắn xa 16km và khi phát nổ thì tạo ra khoảng 1.950 mảnh vỡ. Đạn M795 155mm là loại đạn nổ uy lực mạnh tiêu chuẩn của pháo binh Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. M795 có khả năng sát thương cao và tầm bắn xa hơn so với đạn M107. Cụ thể, M795 có tầm bắn hơn 22,5km và khi phát nổ thì tạo ra khoảng 1.950 mảnh vỡ.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.