Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024: đủ hàng hóa cho thị trường

Kinh doanh - Ngày đăng : 19:14, 01/01/2024

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Triển khai nhiều giải pháp chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Thực hiện Chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay một số địa phương như Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024, trong đó giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.

a82.jpg

Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.

Sở Công Thương các địa phương như thành phố Hà Nội, TP. HCM cũng đã nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng - phối hợp các tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết: Cần chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh...) chủ động triển khai các chương trình bình ổn thị trường, tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai.

TP. HCM: Triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Sở Công thương TPHCM vừa có chỉ đạo về việc triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

hangtet20231217220150.jpg

Theo đó, Sở Công thương đề nghị UBND TP Thủ Đức và quận - huyện tổ chức lực lượng trực ban, theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, có kế hoạch đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn; kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa trên địa bàn; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc duy trì ổn định kinh doanh xăng dầu, kiểm tra chất lượng, đo lường, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường đảm bảo cho việc lưu thông hàng hóa.

Đơn vị quản lý các chợ đầu mối: Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ. Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá; hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, vận động, triển khai các giải pháp khuyến khích thương nhân thực hiện sơ chế tại nguồn các mặt hàng nông sản trước khi vào chợ.

Doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng hàng Lương thực, thực phẩm thiết yếu chủ động có kế hoạch sản xuất cung ứng sản lượng đủ, vượt số lượng đã đăng ký. Giữ cố định, không tăng giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường từ ngày 1/1 đến 10/3/2024.

Tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá trước và sau Tết, đặc biệt các ngày cận Tết để người dân có điều kiện vui xuân, mua sắm Tết ưu tiên tập trung khuyến mại các mặt hàng thiết yếu chuẩn bị Tết. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán bình ổn thị trường thực hiện và chấp hành đầy đủ các quy định của Chương trình về công tác trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, bán đúng giá quy định.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch dự trữ, cung ứng nguồn hàng phong phú, dồi dào phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Phối hợp doanh nghiệp sản xuất, các nhà cung cấp tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu trong những ngày cận Tết và sau Tết. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh, không tồn trữ, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tăng công suất hoạt động, tăng thời gian phục vụ trong thời điểm cận Tết khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng đột biến; khuyến khích các đơn vị mở cửa bán hàng từ sáng mùng 2 Tết hoặc sớm hơn.

Việt Báo (Tổng hợp)