Tai nạn do pháo nổ dịp cuối năm: Một chút tò mò, hậu quả cả đời
Tin Y tế - Ngày đăng : 16:24, 01/01/2024
Tiềm ẩn tai nạn do tự chế pháo
Chỉ tính riêng năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000kg pháo.
Nhiều vụ tai nạn do pháo tự chế liên tiếp xảy ra trong những tháng cuối năm. Mới đây, một thiếu niên lên mạng xã hội mua tiền chất về chế tạo pháo nổ rồi mang đi tiêu thụ, một thanh niên ở Hà Tĩnh bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, vừa bắt quả tang N.Đ.M.C (SN 2008, trú xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ) vận chuyển 103 quả pháo tự chế loại lớn (tổng trọng lượng khoảng 8kg).
Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhi N.H.C (14 tuổi) bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều, giập nát bàn tay phải và tổn thương nông nhiều vùng cơ thể. Bàn tay phải bị gãy nền đốt bàn tay 1, gãy nền đốt ngón tay 5, gãy đốt 2 và ngón 3.
Người nhà C cho biết em tham gia các hội nhóm làm pháo tự chế trên mạng xã hội. Sau đó, C mua pháo trên hội nhóm và không may gặp tai nạn.
Ngày 26.12, Công an xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) kịp thời phát hiện, xử lý 6 học sinh mua hóa chất về tự chế pháo nổ, bán kiếm lời vào dịp Tết Nguyên đán. Những em này đang là học sinh từ lớp 5 đến lớp 7 của các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn xã Ea Uy.
Theo cơ quan công an, các em lên mạng xem các video hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ. Sau đó, cả nhóm góp tiền đặt mua hóa chất trên các sàn thương mại điện tử. Dựa theo video hướng dẫn, nhóm học sinh cùng nhau chế tạo pháo nổ, chia nhỏ bán lại cho các bạn cùng trường với giá từ 5.000 đồng đến 30.000 đồng (tùy loại to, nhỏ). Rất may, Công an xã Ea Uy đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Kiểm tra nơi ở của các em, công an thu giữ 3,5kg hóa chất và 56 viên pháo tự chế cao từ 5-20cm.
Theo các bác sĩ, tai nạn vì pháo nổ tự chế ngoài vết thương do sức công phá nổ còn gây bị bỏng. Đối tượng thường là trẻ em, do tính tò mò, học theo bạn bè và mạng xã hội. Để giảm nguy cơ tai nạn do pháo nổ gây ra, mỗi gia đình, nhà trường và bản thân mỗi học sinh cần nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế pháo nổ, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
Ngăn chặn từ nhiều phía
Trước tình hình mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm cuối năm, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa có văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường phòng, chống, ngăn chặn hành vi này qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển.
Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an và Nhà máy Z121, Bộ Quốc phòng cũng đã có buổi làm việc bàn về giải pháp tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Ngoài nạn pháo giả thì những hành vi sản xuất, chế tạo pháo đang gây ra những hệ lụy khôn lường.
Hầu hết, các đối tượng và cũng chính là nạn nhân trong các vụ chế tạo pháo đều trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Do thiếu hiểu biết, không lường hết hiểm họa do pháo nổ gây ra nên các em đã làm thực hiện theo những hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng để rồi… người mất mạng, kẻ mang thương tật suốt đời.
Các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ con em mình. Về phía nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em về những hành vi vi phạm liên quan đến pháo và những mối hiểm họa do pháo gây ra.