Quân sự thế giới hôm nay (1-1): Ukraine phát triển tổ hợp vô tuyến Gekata, Mỹ triển khai 6 hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Guam
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:56, 01/01/2024
* Ukraine phát triển tổ hợp vô tuyến Gekata
Việc phát triển Gekata, tổ hợp tình báo kỹ thuật vô tuyến của Ukraine, đang tiến triển tích cực tại Trung tâm nghiên cứu và sản xuất Infozakhist của Ukraine, Bulgarian Military dẫn thông báo của giám đốc trung tâm Yaroslav Kalinin.
Gekata được lắp đặt trên máy bay không người lái PD-2. Ảnh: UBN |
Khi được hỏi khi nào Gekata có khả năng xác định các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga gần biên giới Ukraine, vị giám đốc này cho biết những thành công bước đầu đã đạt được nhưng chỉ giới hạn ở một bộ máy riêng biệt chứ chưa phải toàn bộ hệ thống.
Bulgarian Military cho biết, hệ thống tình báo kỹ thuật vô tuyến Gekata lần đầu tiên được ra mắt tại Triển lãm Vũ khí và An ninh năm 2021. Hệ thống này được chế tạo để lắp đặt trên máy bay không người lái PD-2, một sản phẩm của công ty Ukrspecsystems của Ukraine và các chuyến bay thử nghiệm đã bắt đầu trong tháng 12-2021.
Các chức năng của tổ hợp này rất đa dạng. Tổ hợp được thiết kể để phát hiện radar của đối phương, cơ chế bảo vệ vô tuyến điện tử, hệ thống phòng không và máy bay. Dự án này dự kiến sẽ hỗ trợ đáng kể cho lực lượng quân sự của Ukraine.
Tổ hợp Gekata có phạm vi phát hiện đáng gờm, lên tới 450km, cho phép máy bay không người lái vượt qua tầm bắn của phòng không Nga. Phạm vi ấn tượng này cho phép máy bay không người lái có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên toàn bộ Ukraine, bao gồm cả các khu vực tạm thời bị chiếm đóng.
Phạm vi phát hiện mục tiêu của Gekata lên tới 450km. Ảnh: Infozakhist |
Tổ hợp Gekata được thiết kế với mục đích tàng hình. Nó không phát ra tín hiệu trong quá trình hoạt động khi máy bay không người lái PD-2 di chuyển cách tiền tuyến 200km. Điều đáng chú ý là PD-2 vẫn có thể cung cấp bức tranh rõ ràng về những gì đang diễn ra trong phạm vi 250km sâu trong lãnh thổ đối phương.
Đáng chú ý là công suất của tổ hợp Gekata. Nó có khả năng giám sát 200 mục tiêu cùng một lúc, lưu trữ hoặc truyền trực tiếp dữ liệu thu thập được, tùy thuộc vào yêu cầu. Tất cả những điều này có thể được thực hiện ngay cả khi ở chế độ “im lặng” tối đa hoặc đang bay tự động. Tổ hợp chỉ cần 1 người vận hành, thời gian thiết lập ngắn và có tính di động cao.
Gekata hoạt động trong dải tần từ 2-18 GHz, cung cấp băng thông thời gian thực ở tần số 800 MHz, băng thông thời gian thực 1 kênh ở tần số 400 MHz, băng thông góc phương vị là 360 độ và dùng phương pháp xác định tọa độ TDOA+AOA.
* Trung Quốc ra mắt hệ thống phòng không tầm ngắn Type 625E
Theo Military Leak, hệ thống phòng không tầm ngắn Type 625E được triển khai tại một cuộc diễn tập bắn đạn thật. Những hình ảnh về cuộc diễn tập do Bộ tư lệnh Chiến khu miền Tây thực hiện đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc ngày 28-12-2023.
Hệ thống phòng không tầm ngắn Type 625E kết hợp súng phòng không Gatling 25mm với bệ phóng tên lửa đất đối không. Hệ thống được thiết kế chủ yếu để chống lại các mối đe dọa ở độ cao thấp, bao gồm máy bay trực thăng, chiến đấu cơ Su-25, tên lửa hành trình, và máy bay không người lái (UAV) chiến đấu.
Trung Quốc ra mắt hệ thống phòng không tầm ngắn Type 625E tại cuộc diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: Jesus Roman |
Súng Gatling 25mm 6 nòng có khả năng nhắm vào các mối đe dọa trong phạm vi 2,5km, trần bay 2km. Súng có hiệu quả chống lại các phương tiện bọc thép hạng nhẹ. Được đặt trên khung gầm cơ động cao 8×8 và được trang bị radar, máy dò quang điện tử tiên tiến và nhiều biến thể radar có độ nhạy cao, hệ thống phòng không tầm ngắn Type 625 có khả năng thích ứng, phát hiện chính xác các vật thể nhỏ với bề mặt phản xạ tối thiểu, đây là bước tiến của Trung Quốc nhằm phát triển một mạng lưới phòng không toàn diện và linh hoạt.
Hệ thống phòng không tầm ngắn Type 625 còn được trang bị 4 tên lửa phòng không FB-10 dạng hộp ở mỗi bên tháp pháo. FB-10 là hệ thống tên lửa phòng không hạng nhẹ di động do Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc phát triển cho thị trường xuất khẩu. Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ở phạm vi 10km và ở độ cao từ 15 đến 5.000m. Giống như tên lửa HQ-10, tên lửa FB-10 có hệ thống dẫn đường 2 chế độ hồng ngoại/radar mặc dù tính năng này được thiết kế để phù hợp hơn với việc phòng thủ trước tên lửa chống hạm có bộ phát radar.
* Mỹ triển khai 6 hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Guam
6 hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD được triển khai tại Site Excalibur, gần căn cứ mới nhất của thủy quân lục chiến Mỹ ở Guam.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: Cơ quan phòng thủ tên lửa |
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD thuộc chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ. Hệ thống này được thiết kế đặc biệt để chống lại nhiều mối đe dọa, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Nó có thể đánh chặn tên lửa ở giai đoạn bay cuối, đánh chặn và tiêu diệt hiệu quả các mối đe dọa đang tới ở tầm bay cao, do đó giảm thiểu tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) bao gồm 5 bộ phận chính: Bệ phóng, vũ khí đánh chặn, radar, bộ phận điều khiển hỏa lực và các thiết bị hỗ trợ cần thiết. Hệ thống này áp dụng phương pháp tấn công - tiêu diệt, sử dụng động năng để vô hiệu hóa tên lửa, loại bỏ nhu cầu sử dụng đầu đạn nổ. Phương pháp này là một tiến bộ đáng kể trong công nghệ phòng thủ tên lửa.
THAAD có thể ngăn chặn các mối đe dọa trong phạm vi 200km, ở độ cao lên tới 150km. Radar của hệ thống, AN/TPY-2, có khả năng đặc biệt, phạm vi phát hiện tối đa lên tới 1.000km, cho phép nó xác định tên lửa đang bay tới ở khoảng cách rất xa. Thông thường, một khẩu đội THAAD gồm 6 bệ phóng, mỗi bệ có khả năng bắn 8 tên lửa đánh chặn. Hệ thống này đặc biệt hiệu quả trước các mối đe dọa tên lửa đạn đạo. Khả năng tương tác của THAAD với các hệ thống phòng thủ tên lửa khác như Aegis và Patriot giúp nâng cao hiệu quả của nó, tạo ra một hệ thống phòng thủ toàn diện, nhiều lớp. THAAD có tính cơ động cao, khả năng triển khai nhanh chóng nên quan trọng trong việc chống lại các mối đe dọa tên lửa ở những khu vực có tầm quan trọng chiến lược.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)