Kinh tế 2024: Sau khó khăn, sắp đến lúc hồi phục mạnh mẽ?
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 06:36, 01/01/2024
Ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của quỹ đầu tư AFC Vietnam Fund, có những chia sẻ với PV. VietNamNet về triển vọng kinh tế trong năm 2024, những điểm sáng và các khó khăn vướng mắc.
Những điểm sáng
- Kinh tế thế giới và Việt Nam vừa trải qua một năm đầy biến động, lên xuống khó lường, từ sản xuất, thương mại, cho đến đầu tư tiêu dùng và dòng tiền cũng như tỷ giá. Ông có đánh giá như nào về kinh tế Việt Nam trong năm 2023?
Ông Vicente Nguyen: Năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn và nhiều biến động trên toàn thế giới. Trong nửa đầu năm 2023, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất liên tục làm cho tiêu dùng bị bóp chặt. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam giảm hơn 10% so với cùng kỳ.
Kinh tế chạm đáy vào quý I/2023 và dần hồi phục nhẹ trong nửa sau của năm 2023.
Chúng ta thấy xuất khẩu bắt đầu tăng dần từ tháng 9/2023. Tôi tin rằng, xuất khẩu sẽ tiếp tục gia tăng trong 2024 và kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ.
- Theo ông, đâu là điểm sáng của nền kinh tế và chỗ còn khó khăn vướng mắc?
Du lịch chính là điểm sáng nổi bật nhất trong 2023. Trong bối cảnh tiêu dùng ảm đạm, xuất khẩu èo uột, đầu tư bị bóp chặt, thì du lịch tăng mạnh với hơn 11 triệu du khách đã đem lại cho Việt Nam hơn 11 tỷ USD.
Nhờ vào du lịch mà doanh thu bán lẻ vẫn gia tăng trong tình hình nội tiêu gặp nhiều khó khăn. Ngoài du lịch thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một điểm sáng khi dòng vốn đổ vào Việt Nam tiếp tục giữ ở mức cao và tăng trưởng ổn định.
- Với vị trí quản lý quỹ đầu tư, theo ông, chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm vừa qua có phù hợp với tình hình sức khỏe nền kinh tế Việt Nam và bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động hay không?
Có thể nói, trong khó khăn thì Chính phủ đã thực hiện các chính sách cực kỳ hiệu quả và linh hoạt. Đó là kết luận của bản thân tôi. Nếu chúng ta không phản ứng kịp với những thay đổi này thì có lẽ nền kinh tế đã còn xấu hơn rất rất nhiều. Cụ thể các chính sách nổi bật đã cứu vãn một năm khó khăn đó là:
Cắt giảm lãi suất hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư. Sau khi lãi suất huy động đạt đỉnh vào 12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế. Tới thời điểm hiện tại, lãi suất huy động đã xuống thấp kỷ lục. Có ngân hàng đã đưa lãi suất xuống dưới 2%/năm. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn.
Bên cạnh đó là cắt giảm thuế, phí. Các biện pháp cắt giảm thuế phí đã giúp nền kinh tế chống chọi lại với khó khăn.
Đặc biệt là gia tăng đầu tư công. Đầu tư công đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ, dù vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Chúng ta cần phải kịch liệt đẩy mạnh giải ngân trong các năm tiếp theo để kích thích kinh tế.
- Điều gì khiến tăng trưởng tín dụng và đầu tư công vẫn chậm, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, không đạt mục tiêu cho dù lãi suất giảm mạnh?
Có rất nhiều lý do dẫn đến các yếu tố trên tăng chậm. Tín dụng thì chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh, trong đó nhu cầu mua bất động sản giảm cực kỳ nhiều, riêng mảng này đã làm tín dụng trong bất động sản (chiếm 21%) khó tăng mạnh.
Còn về đầu tư công thì còn do nhiều thủ tục, cơ chế còn vướng mắc dẫn tới việc giải ngân còn chậm. Với bất động sản, cá nhân tôi nghĩ phải mất nhiều năm mới có thể tăng trưởng trở lại nên dù lãi suất có giảm, cũng khó mà kích thích trở lại được.
"Chắc chắn sẽ tốt hơn"
- Gần đây, có nhiều dự báo cho rằng Việt Nam là tâm điểm tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á với nhiều cơ sở như độ mở kinh tế cao, kinh tế vĩ mô ổn định, vị trí địa chiến lược, có nhiều hiệp định thương mại tự do FTAs, đặc biệt đã nâng cấp quan hệ với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật... Ông đánh giá như nào về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và các năm tới? Triển vọng dòng vốn FDI và FII vào Việt Nam trong năm mới?
Trong năm 2024, tôi chắc chắn một điều là kinh tế sẽ tốt hơn 2023, GDP có thể đạt 5,5-6%. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong mảng bất động sản làm tắc dòng tiền trên nền kinh tế. Vốn FDI sẽ tiếp tục đạt mức cao và ổn định. Trong khi đó, vốn đầu tư gián tiếp (FII) thì biến động khó lường.
- Theo ông, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 là gì? Điểm sáng nhất và những vướng mắc lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm mới ở đâu?
Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2024 tiếp tục là sự cải thiện của công nghiệp khi xuất khẩu hồi phục và tăng trưởng dương trở lại. Tiếp theo đó là đầu tư công, du lịch và tiêu dùng nội địa hồi phục. Điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ là du lịch, FDI và đầu tư công. Vướng mắc lớn nhất thì vẫn là bất động sản.
- Dự báo của ông về thị trường chứng khoán trong năm 2024?
Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục có nhiều biến động lớn, dao động mạnh nhưng trên tinh thần là vẫn tăng so với 2023.
- Dự báo kinh tế thế giới, các nước lớn và tác động tới kinh tế Việt Nam?
Fed và ECB dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và cả 2025. Điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam rất lớn.
Xin cám ơn ông!