Bệnh nhân đái tháo đường ăn uống gì để quản lý tốt bệnh?

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 23:50, 29/12/2023

Chế độ ăn uống giữ vai trò quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường. Chế độ ăn cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, năng lượng cần thiết cho bệnh nhân và không làm đường huyết tăng cao, kiểm soát đường huyết trong giới hạn cho phép.
Bệnh nhân đái tháo đường ăn uống gì để quản lý tốt bệnh?
Quản lý tốt đái tháo đường là điều vô cùng quan trọng. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận ca bệnh T.V.Đ (84 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội). Người bệnh mắc đái tháo đường đã nhiều năm, nhưng do gia đình và bản thân người bệnh có ý thức quản lý đái tháo đường tốt nên sức khỏe ổn định và có tuổi thọ cao.

Vừa qua, người bệnh sốt trong một ngày nhưng đã được gia đình nhanh chóng phát hiện và đưa đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương thăm khám. Tại đây, người bệnh được nhập viện và điều trị tại Khoa Điều trị tích cực. Sau 3 ngày thở máy, bệnh nhân đã có tiến triển tốt hơn và đã thở tự nhiên được.

Được biết, trong gia đình người bệnh có một chị gái và ba em trai đều mắc bệnh đái tháo đường. Do vậy, gia đình cũng có tìm hiểu và nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường, xử lý kịp thời khi có diễn biến mới về bệnh.

Thực tế, đái tháo đường được kiểm soát tốt là khi bạn đạt được kiểm soát đường huyết cùng với việc được tầm soát và phát hiện sớm các tổn thương cơ quan nhằm ngăn chặn và điều trị kịp thời.

Các nghiên cứu về di truyền bệnh đái tháo đường trong gia đình cho thấy trong gia đình, các con cái có khả năng bị di truyền bệnh đái đường từ cha mẹ là rất cao, có thể lên tới 75% nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh này. Nếu trong gia đình chỉ có bố hoặc mẹ mắc bệnh thì xác suất con bị bệnh đái tháo đường là 15-20%.

Sau đây là các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường người bệnh cần chú ý:

- Người trên 45 tuổi.

- Gia đình có người thân bị đái tháo đường (bố, mẹ, anh chị em ruột).

- Người ít vận động.

- Chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế hoặc đường hấp thu nhanh.

- Người có các bệnh đồng mắc như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân – béo phì.

- Người mắc bệnh lý buồng trứng đa nang.

- Đái tháo đường thai kỳ, tiền đái tháo đường.

- Người có bệnh lý tim mạch do xơ vữa động mạch, tăng huyết áp…

Có một số quan niệm sai lầm về chế độ ăn đái tháo đường vẫn được nhiều người truyền tai nhau đó là:

- Người bị bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn miến dong, không ăn cơm: điều này hoàn toàn không chính xác. Miến dong và cơm đều là 2 loại thực phẩm thuộc nhóm cung cấp chất đường bột, trong đó chỉ số đường huyết của miến dong là 95 cao hơn gạo trắng là 83.

- Bệnh nhân đái tháo đường cần dừng ăn tinh bột: Đây cũng là một quan niệm không đúng. Chế độ ăn đái tháo đường không nên dừng ăn tinh bột, mà cần cân đối lượng tinh bột trong ngày để cung cấp từ 45 - 55% năng lượng cho cơ thể.

- Bệnh nhân đái tháo đường có thể ăn mì tôm thay cơm: Điều này cũng không đúng. Vì mì tôm cũng nằm trong nhóm thực phẩm chứa nhiều bột đường. Do đó bệnh nhân đái tháo đường cần giảm tiêu thụ mì tôm. Khi ăn mì tôm cần cho thêm khoảng 150g rau xanh (rau cải, giá đỗ, rau cải cúc,...) và thêm 3 con tôm hoặc 30g thịt bò để cân đối các chất dinh dưỡng và hạ chỉ số đường huyết thấp hơn so với việc chỉ ăn mì tôm không.

hà lê