Cùng nhìn lại những sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2023
Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 29/12/2023
Một năm đối ngoại thành công vượt trội của Việt Nam
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: "Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay"
Nói về kết quả nổi bật về công tác đối ngoại trong thời gian qua, ông Sơn nhấn mạnh từ sau Đại hội XIII của Đảng, tình hình thế giới và trong nước bên cạnh cơ hội, thuận lợi, có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp hơn so với dự báo, nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và gay gắt hơn.
Đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng đã được tổ chức quán triệt và triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Đối ngoại đã phát huy vai trò tiên phong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ Tổ quốc. Đi đầu huy động nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó là gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm lịch sử như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden...
Hơn cả là vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhắc lại Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Di sản thế giới, Ủy ban Luật pháp quốc tế…
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao, nâng tổng số nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên con số 193.
Cháy chung cư mini- 56 người thiệt mạng: Thắt chặt vấn đề về PCCC
Năm 2023 cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy lớn nhỏ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đau thương nhất là vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ- Hà Nội khiến 56 người tử vong
Lực lượng công an, y tế, tình nguyện viên, người dân... xuyên đêm chữa cháy, tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt.
Đến 7h sáng hôm sau, lực lượng chức năng kết thúc việc chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, giải cứu 70 người mắc kẹt và đưa những người bị thương đi cấp cứu. Nhưng quá thương tâm, vụ hỏa hoạn đã khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương phải cấp cứu trong bệnh viện.
Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 2.000 tòa chung cư mini ở Hà Nội, phần lớn tập trung ở các quận nội thành, trong đó, hơn 1.000 công trình xây dựng sai phép. Đặc biệt, huyện Thạch Thất còn phát hiện hàng loạt chung cư mini xây dựng sai phép với hàng trăm căn hộ đang sử dụng với mục đích cho thuê.
Mạnh tay xử lí các trường hợp uống rượu, bia khi tham gia giao thông
Đến hết tháng 11, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã xử phạt 670.623 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, tăng 148% so với cùng kỳ năm 2022
Trong đó, hơn 1.100 tài xế ô tô, gần 5.000 tài xế xe máy và 26 tài xế xe máy điện vi phạm. Lực lượng CSGT cũng ghi nhận 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức…
Với phương châm kiên quyết xử lý, "không ngoại lệ, không vùng cấm", lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, cán bộ... vi phạm.
Trong 9 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia giảm 25,8%, (xuống 222), số người chết giảm 50% (xuống 99) và số người bị thương giảm 22,6% (xuống 168) so với cùng kỳ năm trước.
Việc xử lý nghiêm vi phạm đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc đảm bảo an toàn giao thông, hình thành văn hóa “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông vì thực tiễn cho thấy cứ "làm quyết liệt là chúng ta thắng”.
Giá gạo xuất khẩu Việt tăng cao đạt kỷ lục mới
Việc giá gạo thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng 11 năm, giúp giá gạo của Việt Nam cũng tăng theo.
Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm hơn 40% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Tiếp theo là Trung Quốc và Indonesia.
Nói về vai trò ổn định giá gạo của hạt gạo Việt Nam, trang Arabian Business nhận định, sau khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tạm dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng có thể sẽ dẫn đến việc tăng giá gạo tại nước này. Tuy nhiên, giá gạo sẽ được ổn định khi có các nhà cung cấp mới từ Việt Nam, cùng với Thái Lan và Pakistan tham gia vào thị trường Vùng Vịnh này.
Trong bối cảnh xung đột, biến đổi khí hậu và chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của nhiều nước, trang Al Arabiya cho biết, khả năng Việt Nam có thể vượt các mục tiêu về xuất khẩu gạo trong năm nay và bù đắp một phần thiếu hụt từ gạo Thái Lan nhằm góp phần đảo bảo an ninh lương thực, ổn định giá cả. Bài báo trích dẫn khẳng định của phía Việt Nam về việc gia tăng lượng gạo xuất khẩu sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực đất nước.
Thị trường bất động sản năm 2023: "Chờ ngày băng tan"
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) trên cả nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng vẫn đang trong tình trạng “nín thở nằm chờ”, khả quan nhất là đến cuối năm 2023 mới bắt đầu tiến trình hồi phục.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), gam màu tối vẫn đang bao phủ thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2023. Tỷ lệ giao dịch giảm 37% so với 6 tháng đầu năm 2022, trong đó, 80% lượng giao dịch nhà ở là căn hộ chung cư có pháp lý sạch, phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín. Thị trường hầu như không có căn hộ bình dân - dưới 25 triệu/m2. Tổng nguồn cung căn hộ bình dân đã giảm 98% so với năm 2019. Căn hộ có mức giá xung quanh 25 triệu/m2 chỉ có tại một số ít dự án nhà ở thương mại tại khu vực xa trung tâm các thành phố lớn hoặc tại các đô thị loại I trở xuống
Nhìn chung những thay đổi trong ngành Giáo dục năm 2023
Năm học 2023- 2024, ngành giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn cần giải quyết về thiếu giáo viên, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới thi cử...
-Thiếu trầm trọng giáo viên
Cả nước còn thiếu 118.253 thầy cô đứng lớp, trong đó, mức thiếu so với năm 2022 ở từng cấp cụ thể. Cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người.
- Chương trình phổ thông mới rối ren
Hầu hết các giáo viên, các trường đều than khó việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, trong khi họ được đào tạo để dạy từng môn. Hiện nhiều trường trên cả nước áp dụng cách thức "giáo viên môn nào dạy môn nấy". Điều này khiến môn tích hợp chưa giúp học sinh phát triển toàn diện như mục tiêu đặt ra.
-Phương án thi tốt nghiệp mới
Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025. Thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ Văn và lựa chọn 2 môn trong số các môn còn lại ở lớp 12 (NN, Lịch sử, Vật lý, Sinh học, Địa lí, Giaos dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ)
Kỳ thi vẫn được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT
Bộ dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở một số địa phương. Sau năm 2030, tất cả 63 tỉnh, thành đủ khả năng tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính.
Ngoài ra các vấn đề liên quan đến giáo dục trong những ngày vừa qua rất được dư luận quan tâm và đang có suy nghĩ phải chăng ngành giáo dục đang càng ngày càng đi xuống vì "những con sâu làm rầu nồi canh".
Những đại án lớn được phanh phui trong năm 2023
Năm 2023, hàng loạt tên tuổi các đại gia, quan chức được nhắc đến trong các vụ án lớn. Khi kết luận điều tra được công bố, những con số gây thiệt hại, thu lợi bất chính, đưa và nhận hối lộ trong các vụ án khiến dư luận choáng váng.
1. Bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản, khiến SCB giải ngân hơn 1 triệu tỷ đồng
Theo cơ quan điều tra, chồng bà Trương Mỹ Lan đã liên đới gây thiệt hại cho ngân hàng SCB hơn 9.116 tỷ đồng.
Kết quả điều tra còn cho thấy, quá trình thanh tra Ngân hàng SCB, Đoàn Thanh tra đã nhiều lần nhận tiền, quà và lợi ích vật chất từ SCB; trong đó có Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn bị cho là đã nhận hối lộ số tiền lên đến 5,2 triệu USD (tương đương 120 tỷ đồng).
2. Chủ tịch Tân Hiệp Phát cùng con lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Từ tháng 1/2019 - 11/2020, ông Trần Quí Thanh và đồng phạm đã thực hiện 4 hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại.
Các tài sản bị chiếm đoạt gồm: 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành tại Đồng Nai của bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh); 29 thửa đất được tách từ thửa đất 452 ở quận Bình Tân của anh Nguyễn Văn Chung; 4 thửa đất ở Tp Thủ Đức của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất ở quận Bình Tân của anh Nguyễn Huy Đông; có tổng giá trị hơn 767 tỷ đồng
3. Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng con trai và 14 bị can khác lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.643 tỷ đồng
Ông Dũng thống nhất chủ trương và thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt (Phó TGĐ Tân Hoàng Minh) chỉ đạo, ủy quyền cho các bị can khác dùng 3 pháp nhân công ty (Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông) phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền.
Các bị can thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu…
Họ còn dùng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỷ đồng.
4. Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga cấp hạn mức không cho nhóm tài khoản của Trịnh Văn Quyết mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS thời điểm từ 26/5/2017 đến 10/01/2022. Sau đó chỉ đạo Hương Trần Kiều Dung, Trịnh Thị Thúy Nga, Nguyễn Quỳnh Anh điều hành Công ty BOS ban hành nghị quyết của HĐQT "ủy quyền cho Nga phê duyệt cấp hạn mức khách hàng khống để giao dịch chứng khoán hàng ngày cho 141 tài khoản BOS".
Tại Công ty CP Chứng khoán BOS, bị can Trịnh Văn Quyết giao Trịnh Thị Thúy Nga chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Phương, Bùi Ngọc Tú, Nguyễn Thị Thu Thơm, thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức cho nhóm 79/141 tài khoản (đứng tên 19 tổ chức và 21 cả nhân mở tại BOS) do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng, với tổng giá trị hạn mức khống là 170.598.050.000.000 đồng; để Huế sử dụng 79/141 tài khoản đặt 15.128 lệnh mua với khối lượng 2.850.120.160 cổ phiếu, gồm: AMD, HAI, GAB, ART, FLC tương đương 46.980.907.744.300 đồng.
Sau khi đặt lệnh mua, Huế tiếp tục thực hiện các hành vi hủy lệnh, khớp chéo giữa các tài khoản với nhau hoặc mua vào với số lượng lớn cổ phiếu cùng một mã cổ phiếu để thực hiện hành vị thao túng. Trong đó, đã khớp lệnh mua 463.375.070 cổ phiếu với tổng giá trị là 11.855.067.296.900 đồng, thiếu 11.651.608.017.410 đồng.
Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế, sử dụng tài khoản của Quyền l bán chui" 74.800.0000 cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10/01/2012 với tổng giá trị khớp lệnh là 1.689.422.165.000, UBCKNN đã kịp thời hủy bỏ giao dịch, ngăn chặn việc thu lợi bất chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán.
4. Hơn 164 tỷ đồng tiền nhận hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu”
Đầu năm 2023, vụ án “chuyến bay giải cứu” được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử đã gây bùng nổ dư luận. Trong vụ án này, 25 người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ hơn 164 tỷ đồng và gây thiệt hại 10 tỷ đồng.
23 người là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 người môi giới hối lộ gần 75 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.
Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, có 21 người bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ. Những cái tên phải kể đến như ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bị cáo buộc đã nhận hối lộ hơn 21,5 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự) nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng; ông Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự) nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng; ông Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ, Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng; ông Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) đã nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng…
Suốt những ngày diễn ra phiên xử, nhiều giọt nước mắt đã lăn dài từ khóe mi các bị cáo. 25 người từng là lãnh đạo, cán bộ của nhiều bộ, ngành đã phải thốt lên những lời ân hận muộn màng, gửi lời xin lỗi chân thành, sâu sắc nhất đến Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân.
5. Chủ tịch Việt Á- Phan Quốc Việt thu lợi hơn 1.235 tỷ đồng
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ KH&CN có chủ trương giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu, chế tạo test xét nghiệm do Bộ KH&CN phê duyệt; Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng, phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật, để Công ty Việt Á được Bộ KH&CN phê duyệt tham gia phối hợp Học viện Quân y thực hiện đề tài.
Sau đó, Việt thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài, lập hồ sơ đăng ký gửi Bộ Y tế.
Việt tiếp tục đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long (bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (Thư ký Nguyễn Thanh Long) can thiệp, tác động để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm Covid-19.
Hành vi này đã biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH&CN quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, trái quy định pháp luật.
Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá.
CQĐT xác định: Giá thành sản xuất test xét nghiệm tối đa 143.461 đồng/test, đã bao gồm 5% lợi nhuận và tất cả chi phí. Nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/test không có căn cứ.
Khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý.
Từ đó dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương, đăng cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, thu lợi bất chính của tổ chức, cá nhân.
Trong quá trình này, Việt đưa tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỉ đồng cho một số bị can như cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu thư ký bộ trưởng Y tế Nguyễn Huỳnh, Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN…
Đề xuất 350.000 tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hóa
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Chấn hưng, Phát triển Văn hóa, Xây dựng Con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035; Trong công văn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở, phương pháp xác định số tiền 350.000 tỷ đồng đề xuất đầu tư
Cơ quan soạn thảo ước tính đến năm 2030 sẽ cần 182.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương 110.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 82.500 tỷ, vốn sự nghiệp 27.500 tỷ đồng), vốn địa phương 36.000 tỷ đồng, nguồn khác 36.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại dành cho giai đoạn sau.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến thời điểm này, chưa có cơ sở đề xuất nguồn lực cụ thể cả hai giai đoạn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình Thủ tướng phê duyệt định hướng, tiêu chí phân bổ mức vốn đầu tư công trung hạn dự kiến cho các bộ ngành, địa phương. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu phương án cụ thể nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho chương trình để đảm bảo khả thi.
Nguồn vốn địa phương cũng mới chỉ dự kiến việc huy động, chưa nêu tỷ lệ vốn đối ứng và chưa thể hiện rõ nhu cầu của các địa phương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần làm rõ cơ sở huy động vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đồng thời, đề xuất cho các cơ quan chỉ đạo địa phương được trích 1,5% nguồn ngân sách hỗ trợ trực tiếp chương trình và áp dụng mức khoán chung 3% vốn đầu tư xây dựng cơ bản, làm kinh phí hoạt động, cũng phải làm rõ cơ sở.
Lừa đảo lộng hành
Năm 2023 được cho là năm bùng nổ nạn lừa đảo, đánh bạc, tín dụng đen … trên không gian mạng và vấn nạn cuộc gọi rác đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội
Ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78%. Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội, SIM rác, tài khoản ngân hàng rác làm phương tiện để chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện các Bộ TT&TT, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ để xử lý vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng.
Để giải quyết được tình trạng gian lận tài khoản, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu đến hết năm 2023 các tổ chức tín dụng đảm bảo tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân phải khớp với số trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sửa đổi, thêm các thủ tục về Căn cước công dân, Sổ hộ khẩu
Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công...
CCCD gắn chip được sử dụng thay sổ hộ khẩu
Từ năm 2023, CCCD gắn chip sẽ chính thức được sử dụng thay cho Sổ hộ khẩu trong một loạt các thủ tục hành chính theo Nghị định 104 của Chính phủ, như:
- Thủ tục mua bán điện sinh hoạt
- Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi
- Thủ tục xác định sử dụng đất ổn định, lâu dài để làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Thủ tục vay vốn hỗ trợ việc làm
- Thủ tục cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế trong trường hợp người thân đến nhận thẻ thay…
CCCD gắn chip với mã QR và chip được gắn trên thẻ lưu giữ đầy đủ các thông tin của công dân, bao gồm cả thông tin về cư trú. Do đó, thay vì phải cầm một cuốn Sổ đi làm thủ tục hành chính như trước đây, thì nay, người dân chỉ cần mang thẻ căn cước và xuất trình để thực hiện các thủ tục này.
Nếu thuộc các trường hợp nêu trên mà không đi làm Căn cước công dân gắn chip sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 năm 2021.
Còn ngoài các trường hợp trên, việc đi làm CCCD gắn chip là không bắt buộc. Tuy nhiên, người dân vẫn cần nhanh chóng đi làm căn cước để sử dụng tất cả các tiện ích mà loại giấy tờ tùy thân đầy ưu việt này mang lại, nhất là ở thời điểm Sổ hộ khẩu đã chính thức chấm dứt vai trò.