Đừng uống nước chè xanh nếu bạn thuộc một trong những nhóm người này
Ẩm thực - Ngày đăng : 13:30, 28/12/2023
Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết chè xanh là loài thực vật thân nhỡ, cao từ 5 - 6 m, một số cây có thể phát triển đến 10 m. Tên gọi khoa học của cây chè là Camellia sinensis. Cây mọc thành bụi, phân nhánh nhiều, thân và cành có màu nâu, một số cành non có màu xanh lục.
Lá và búp chè xanh được dùng với nhiều giá trị dược liệu. Lá chè xanh được thu hái vào mùa xuân, chỉ thu hái những lá trà và búp trà non. Sau đó rửa sạch đem sắc uống hoặc vò rồi sao khô để dùng dần.
"Lá chè xanh là một loại thực phẩm làm thức uống phổ biến trong nhiều nền văn hóa, mang lại một số lợi ích sức khỏe quan trọng, như bảo vệ sức khỏe của não, tim và xương của chúng ta cũng như làm đẹp da. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể. Vì vậy bạn nên dùng chè xanh vào thời điểm và liều lượng thích hợp", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Lá chè xanh chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm flavonoid, saponin triterpen, caffeine, tanine, quercetin, tinh dầu, acid ascorbic (vitamin C), riboflavin (vitamin B), carotene, acid malic, theophylline, xanthin, acid oxalic, kaempferol,… Các hợp chất này có những tác dụng tuyệt vời như cầm tiêu chảy, giảm nguy cơ ung thư, ngăn ngừa và bảo vệ tim mạch, chống lão hóa, duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh, tăng cường trí nhớ, bảo vệ gan, kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm, hỗ trợ điều trị hen suyễn và giảm nguy cơ sâu răng…
Chè xanh không có độc tính, do đó có thể dùng với liều lượng lớn (khoảng 200 g/ngày). Lá trà được dùng ở dạng nước sắc hoặc dùng ngoài như giã đắp, ngâm rửa hoặc nấu nước tắm). Theo Đông y, lá chè xanh có vị đắng, chát, tính mát có công dụng lợi tiểu, định thần, thanh nhiệt, giải khát, tiêu cơm, làm mát cơ thể.
Những điều cần lưu ý khi uống chè xanh
Nên uống nóng
Chè xanh tính hàn cho nên không dùng lạnh vì quá hàn sẽ sinh đờm. Do đó nên uống nóng. Có nơi trong và ngoài nước có tập quán uống chè phải nóng, có khi còn cho vào chè một lát gừng tươi.
Không dùng lúc đói và buổi tối
Chè xanh chứa hàm lượng caffeine lớn, có thể gây chóng mặt, cồn cào, hoa mắt nếu dùng lúc bụng đói. Caffeine trong lá trà xanh có tác dụng hưng phấn thần kinh trung ương nhằm tăng mức độ tập trung và hoạt động của não bộ. Do đó nếu uống trà xanh vào buổi tối có thể gây khó ngủ và mất ngủ. Nên dùng trà xanh vào sáng sớm để đầu óc tỉnh táo và tăng hiệu suất làm việc, học tập,…
Không dùng ngay sau khi ăn
Tránh dùng nước trà xanh ngay sau khi ăn vì chất tannin có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt và chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
Không dùng cho người táo bón, uống thuốc tan máu đông
"Hoạt chất tannin trong chè xanh có tác dụng cầm tiêu chảy, vì vậy người bị táo bón nên hạn chế sử dụng. Không dùng lá chè cho người đang uống thuốc làm tan máu đông vì trong chè xanh có vitamin K - làm tăng khả năng đông máu", bác sĩ Vũ lý giải.
Ngoài ra, người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ, cao huyết áp cũng nên hạn chế dùng chè xanh, do trong chè xanh chứa nhiều caffeine có tác dụng kích thích thần kinh, gia tăng gánh nặng cho tim, làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp.
Những người được khuyên không nên uống chè xanh
Người bị thiếu máu, sốt
Chất tannin trong chè cản trở sự hấp thu sắt từ thực phẩm, khiến cơ thể không nhận được đủ sắt. Vì thế, người thiếu máu không nên uống trà. Ngoài ra, chất caffeine của chè làm tăng nhiệt độ cơ thể và giảm hiệu quả của thuốc do vậy, người bị sốt cũng nên tránh xa trà.
Phụ nữ có thai và cho con bú
Chè chứa caffeine, tannin, những chất này ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi do vậy, bà bầu không nên dùng trà. Các chuyên gia khuyên phụ nữ đang cho con bú không nên uống trà đặc vì chất caffeine sẽ đi vào sữa mẹ, khiến trẻ ngủ ít và quấy khóc nhiều.
Trẻ em dưới 3 tuổi
Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi sẽ bị thiếu máu nếu sử dụng trà xanh. Điều này là vô cùng có hại. Vì trong trà xanh có chứa axit tannic khi kết hợp với chất sắt sẽ tạo nên phản ứng có hại cho cơ thể khiến lượng sắt yếu đi.
Trong khi sắt là “nguyên liệu” chính để tạo thành máu. Vì vậy, không nên cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi uống nước trà xanh.
Bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp
Đối với những người bị bệnh động mạch vành có nhịp tim nhanh, chất caffeine và theophylline trong trà gây kích thích làm tăng nhịp đập của tim khiến cho bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, nếu bệnh nhân cao huyết áp uống nhiều trà đậm đặc, chất caffeine trong trà sẽ khiến huyết áp tăng cao, gây hại cho sức khỏe.
Người bị táo bón
Trà xanh chứa phenol có tác dụng co niêm mạc dạ dày và đường ruột. Tác dụng này sẽ vô cùng có lợi với những người muốn giảm cân nhưng lại vô cùng bất lợi với người bị táo bón.
Vì khi niêm mạc dạ dày và đường ruột bị co lại sẽ khiến bạn bị khó tiêu làm tình trạng táo bón trở nên nặng thêm.
Người bị bệnh gan, sỏi đường tiết niệu
Hầu hết các chất bao gồm caffeine trong trà đều được chuyển hóa qua gan. Nếu bị bệnh gan, bạn nên tránh uống trà vì lượng trà uống vào quá nhiều so với khả năng chuyển hóa sẽ làm tổn thương gan. Người bị sỏi đường tiết niệu cũng không nên uống trà vì a xít oxalic của trà sẽ kết hợp với can xi trong nước tiểu và dẫn đến sự hình thành sỏi.
Người bị loét dạ dày, táo bón
Uống trà có thể làm cho lượng axít trong dạ dày tăng lên. Điều này khiến vết loét trong dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, người bị táo bón cũng không nên uống trà vì chất caffeine và tannin trong trà làm cho tình trạng táo bón trở nên nặng hơn.
Người suy nhược thần kinh và mất ngủ
Trà xanh gây hưng phấn thần kinh vì chứa caffeine nó sẽ khiến bạn tỉnh táo hơn khi làm việc hay muốn tập trung vào vấn đề nào đó. Nhưng nó sẽ khiến bạn bị mất ngủ khi các thần kinh trung ương bị “đánh thức” khi sử dụng vào ban đêm.
Và tất nhiên những người mắc bệnh mất ngủ và suy nhược thần kinh không nên uống trà xanh vì nó sẽ khiến bệnh của bạn trở nên trầm trọng hơn.
Người suy dinh dưỡng
Trà có tác dụng phân giải chất béo và do vậy, nếu người suy dinh dưỡng thường xuyên uống trà sẽ khiến cơ thể thêm suy nhược. Hơn nữa, bạn không nên uống trà khi đói bụng vì nó gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khiến cơ thể dễ bị say trà với cảm giác khó chịu, nôn nao và chóng mặt.
Uống trà lúc đói sẽ làm loãng a xít dạ dày, ức chế dịch vị tiết ra, cản trở tiêu hóa và dễ bị viêm niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, bạn cũng không nên dùng nước trà để uống thuốc. Điều này là do chất tannin và theophylline trong trà gây ra phản ứng hóa học với một số loại thuốc, dẫn đến làm giảm hiệu quả của thuốc.
Người bị loãng xương, suy nhược thần kinh
Uống nhiều trà làm hạn chế sự hấp thụ can xi và tăng lượng chất khoáng này bài tiết ra ngoài qua nước tiểu, khiến cơ thể bị thiếu hụt can xi dẫn đến loãng xương. Người bị suy nhược thần kinh cũng không nên uống trà đậm đặc vào buổi chiều và tối vì chất caffeine của trà kích thích não bộ, khiến bạn mất ngủ, làm cho bệnh tình trầm trọng hơn, thông tin trên báo Tiền Phong.
Theo Người đưa tin