Ứng dụng công nghệ ‘không ngờ’ trong nông nghiệp tại Bình Định
Cuộc sống số - Ngày đăng : 12:49, 28/12/2023
Bò có căn cước công dân, gắn chip theo dõi sức khoẻ
Con bò sữa mã số 200765 có “health index” - chỉ số sức khoẻ, ở mức dưới 75. Nó đang bị ốm. Việc phát hiện thể trạng bò gặp vấn đề được dữ liệu tự tính toán dựa trên khoa học chăn nuôi, con số kết quả có được nhờ tổng hợp nhiều thông tin cụ thể như số lần nhai lại của bò, hay lượng thức ăn bò hấp thụ biến động ra sao so với trung bình ngày. 2 tiếng/lần, các dữ liệu trên được truyền về phòng phân tích của Trang trại Bò sữa Vinamilk Bình Định, từ một con chip sức khoẻ gắn trên cơ thể bò.
Trong khi đó, một con chip khác cũng được gắn ngay từ khi bê lọt lòng mẹ. Chip đóng vai trò như căn cước công dân, định danh, không con bò nào giống nhau trên toàn quốc. Mã số định danh này giúp xác định nguồn gốc bò, trang trại nuôi, lai lịch bố, mẹ của chúng và nhiều thông số khác.
Với 2 loại chip được gắn lên từng cá thể, 2.000 con bò tại Trang trại Bò sữa Vinamilk Bình Định đang được quản lý và chăm sóc với dữ liệu có độ chính xác cao. Khi một con bò có chỉ số bất thường, nhân viên phụ trách thú y sẽ biết được thông qua ứng dụng theo dõi đàn trên smartphone, từ đó, người nhân viên xuống tận chuồng để khám trực tiếp, đưa ra các phương án điều trị tiếp theo hoặc điều chỉnh khẩu phần ăn cho cá thể bò đó.
“Công nghệ đã góp phần thay đổi rất nhiều trong hoạt động chăn nuôi của chúng tôi. Nhiều công đoạn được thực hiện với thời gian rút ngắn đáng kể, tiết kiệm nhân lực để phục vụ công việc khác, nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Dữ liệu khoa học cũng đưa ra tính toán với sai số thấp hơn so với thao tác thủ công, loại bỏ các yếu tố mang cảm tính con người trong quá trình chăm sóc đàn. Nhờ ứng dụng công nghệ, trang trại cung cấp sản lượng khoảng 11 triệu lít sữa/năm”, ông Bùi Văn Toại, Giám đốc Trang trại Bò sữa Vinamilk Bình Định nói.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định, tại địa phương, ngoài Vinamilk, còn có 13 doanh nghiệp khác đang hoạt động chăn nuôi, sản xuất con giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Đơn cử, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Chuồng trại, trang thiết bị lắp đặt theo công nghệ hiện đại. Chuồng có kết cấu khung thép, mái lợp tôn, xà gỗ thép, lắp đặt theo công nghệ Đức. Toàn bộ thiết bị được nhập khẩu đồng bộ tiêu chuẩn châu Âu, sản xuất theo công nghệ cao của Đức bao gồm: hệ thống ăn, uống tự động; hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi, chiếu sáng, áp suất, độ ẩm, nhiệt độ, khí CO2 thực hiện tự động, đảm bảo tối ưu cho sự sinh trưởng và phát triển của gà; thức ăn được vận chuyển từ nhà máy sản xuất về trại chăn nuôi bằng xe chuyên dụng, cho vào hệ thống silo thức ăn tổng của trại bằng hệ thống bơm khí nén, sau đó chuyển tự động về các chuồng nuôi theo nhu cầu thức ăn đã được lập trình, kiểm soát theo từng giai đoạn phát triển của gà. Tất cả các thiết bị được kết nối với trung tâm điều khiển tại phòng kỹ thuật. Hiện, doanh nghiệp có quy mô tổng đàn 960.000 con, hàng năm sản xuất 120 triệu con gà thương phẩm 1 ngày tuổi.
Hay, trang trại heo giống cụ kỵ công nghệ cao Thagrico Bình Định của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Hải Bình Định (huyện Phù Cát) với công suất thiết kế 500 con heo giống cụ kỵ, 5.000 con giống ông bà, 8.000 con giống bố mẹ. Trại heo thịt có công suất chăn nuôi là 24.000 con; sản phẩm đầu ra theo thiết kế là 227.000 heo con nuôi thịt/năm; 53.000 con heo giống thương phẩm/năm cho thị trường, 30.000 heo bố mẹ/năm để thay đàn và cung cấp cho các trại vệ tinh.
Ưu tiên chuyển đổi số trong nông nghiệp
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết, đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và bản đồ dịch bệnh tỉnh Bình Định. Tới năm 2030, phấn đấu 100% cơ sở dữ liệu quản lý về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và giám sát dịch bệnh được số hóa, lưu trữ tập trung, chia sẻ trên hệ thống dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở của tỉnh.
Đối với ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, địa phương đẩy mạnh phát triển các vật nuôi chủ lực, tiềm năng như heo, gà, bò chất lượng cao nhằm đảm bảo cung ứng các sản phẩm thịt heo, thịt gà và trứng gia cầm; thịt bò; phát triển sản xuât chăn nuôi công nghệ cao, quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học; sử dụng giống năng suất, chất lượng cao; ứng dụng các phần mềm để tự động hóa trong việc quản lý, vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường chăn nuôi.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, ông Trần Văn Phúc cho hay, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đang mang lại diện mạo tích cực, lĩnh vực chăn nuôi trong tỉnh tiếp tục duy trì phát triển. Trong đó, công tác phát triển tái đàn vật nuôi đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Số lượng đàn vật nuôi chủ lực ước tính đến cuối năm 2023, như sau: đàn bò ước đạt 308.626 con, đạt 99,9% kế hoạch, tăng 1,1% so với cùng kỳ; đàn lợn ước đạt 686.236 con (không tính lợn con theo mẹ), đạt 95,2% kế hoạch, tăng 4,8% so với cùng kỳ; đàn gia cầm ước đạt 10,06 triệu con, đạt 100,7% kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ; trong đó, đàn gà ước đạt 8,48 triệu con, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Cũng theo ông Phúc, hiện, ngành nông nghiệp Bình Định đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ cho quản lý như xây dựng cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi và xây dựng cơ sở dữ liệu về báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn trực tuyến toàn tỉnh.
Ngoài lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ cho việc quản lý như: Ứng dụng công nghệ trong công tác theo dõi diễn biến rừng (phần mềm Mapinfor, phần mềm QGis …); ứng dụng công nghệ trong việc phát hiện sớm các biến động về rừng và đất lâm nghiệp (phần mềm Vtools mapinfo); ứng dựng công nghệ để phát hiện sớm các điểm cháy rừng (phần mềm cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm tại địa chỉ website: http://kiemlam.org.vn hoặc kiemlambinhdinh.snnptnt.binhdinh.gov.vn); các thông tin về bảo vệ thực vật được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành bảo vệ thực vật của Cục bảo vệ thực vật (https://csdl-ppd.online/); ứng dụng phần mềm sâu bệnh trên rau (https://saubenhtrenrau.com); sử dụng ứng dụng “Thuốc bảo vệ thực vật” trên điện thoại thông minh về điều tra, chăm sóc sâu bệnh hại trên cây trồng…
Ông đánh giá, chuyển đổi số mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành trong thời đại 4.0, là xu thế toàn cầu và ngành nông nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo định hướng, Bình Định sẽ thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên. Riêng Sở NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để xây dựng các kế hoạch, phương án, giải pháp triển khai thực hiện.
“Ngoài chuyển đổi số trong sản xuất, chúng tôi tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khai thác hiệu quả các nền tảng số quốc gia, tăng cường ứng dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử, chữ ký số, đảm bảo an toàn thông tin; 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động”, ông Phúc thông tin.
Trần Chung - Diễm Phúc