Hé lộ kỷ lục linh vật rồng tại đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024
Du lịch online - Ngày đăng : 11:32, 28/12/2023
Đại cảnh “Nhất đại Thăng Long”, đại cảnh ấn tượng khép lại chuyến hành trình khám phá đường hoa với diện tích bao phủ hơn 1000 m.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn sẽ phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19h ngày 7/2/2024 đến 21h ngày 14/2/2024. Thời gian thi công đường hoa từ 7h ngày 21/1/2024 đến 12h ngày 7/2/2024.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 với chủ đề “Xuân yêu thương, Tết sum vầy” được bố cục thành ba phân đoạn. Ba phân đoạn đường hoa như ba tổ khúc trong bản hòa âm sắc màu đa cung bậc, từ khúc thoại đầu “Nguồn cội quê hương” đến quãng cao trào “Băng sông vượt biển” và khúc hạ màn “Vươn mình hội nhập”.
Công trình trở thành biểu trưng văn hóa ngày Tết của TP.HCM dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM và chủ trì tổ chức của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) phối hợp với các sở, ban ngành...
Miệng rồng ngậm ngọc đường kính 50 cm được mô phỏng bằng mica đục, bên trong chứa đèn. Thân Lưỡng Long đan chéo vào nhau tạo mái trần trang trí đẹp mắt và thông thoáng cho phân đoạn một.
“Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật rồng.
Theo nhà thiết kế, ba linh vật rồng lớn trên đường hoa là sự kết hợp các đặc điểm rồng của thời Trần, thời Lý và thời Nguyễn, thể hiện ở các đặc điểm như đầu luôn hướng lên, mũi to, chóp mũi tròn, mắt lồi, miệng ngậm ngọc, bờm to ở má và trên đầu.
Ở đại cảnh “Vườn mai Bác Hồ”, năm nay làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) tiếp tục đồng hành cùng đường hoa, góp thêm vẻ đẹp rực rỡ mà dung dị cho khu vực tôn nghiêm này. Đặc biệt, hàng nghìn lá nhôm mỏng được treo lên cành mai nhà vườn.
Đại cảnh “Thuyền rồng hoa xuân” đầu phân đoạn hai chiếm trọn bề ngang đường hoa và bao phủ phần diện tích lên đến 900 m2.
Lấy ý tưởng từ lễ hội đua thuyền rồng, đội thuyền gồm một thuyền chính dài 66 m và năm thuyền hộ tống theo ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ dài hơn 9 m, cao gần 3 m, ốp mành mây tre đan kín, sơn màu tạo họa tiết. Đại cảnh được chiếu sáng bởi hệ thống đèn lắp đặt trên 48 mái chèo.
Đại cảnh “Nhất đại Thăng Long”, đại cảnh ấn tượng khép lại chuyến hành trình khám phá đường hoa với diện tích bao phủ hơn 1.000 m2. Linh vật của đại cảnh toàn thân lộ trên mặt đất với 4 đoạn uốn thân cách mặt đất 5m, cấu tạo bởi ống thép, đai thép và lưới thép do 15 trụ chống đỡ toàn thân và hệ thống đèn Led dài hơn 100 m chạy dọc toàn bộ thân rồng.
Mắt kính rồng với vị trí ghế ngồi là trọng tâm mắt rồng sức chứa 3 đến 4 người.
Các trung cảnh cũng là điểm thú vị đáng trải nghiệm. Mắt kính rồng với vị trí ghế ngồi là trọng tâm mắt rồng sức chứa 3 đến 4 người, lưng ghế là cặp lông mày và đôi mắt xếch. Đầm sen rộng hơn 1.000 m2 với những bông sen và lá sen khổng lồ, là sự kết hợp của hai vật liệu kẽm và vải voan.
Xen kẽ hai bên đầm sen là trung cảnh "Cửa chín rồng" gồm chín ghế rồng mang tên chín cửa của sông Cửu Long. Tựa theo vị thế "Cửu Long hội tụ" của đường hoa, đây là trung cảnh hứa hẹn được nhiều du khách sưu tầm trọn vẹn chín tấm ảnh độc đáo của con sông dài nhất chảy qua lãnh thổ Việt Nam.
Thuyền rồng hoa xuân được xem là điểm thơ nhất trên đường hoa năm nay.
Ngay trước đại cảnh cổng kết đường hoa, trung cảnh "Lễ hội mùa xuân" và "Mây thủy tinh" được bố trí nối tiếp nhau.
Đoạn chuyển tiếp giữa phân đoạn 1 và 2 là gian hàng trưng bày, cắm hoa nghệ thuật của Lãnh sự quán các nước tại TP.HCM.