Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân vừa bị khởi tố: 'Tay to' trong giới thầu dự án điện

Pháp luật - Ngày đăng : 08:10, 28/12/2023

Tuấn Ân là tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực xây lắp và thiết bị điện với tuổi đời lên tới 36 năm, tham gia nhiều dự án của ngành điện.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.

Cơ quan công an cũng khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 17 bị can về 5 tội danh. Trong đó có ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuấn Ân.

khoito bocngan.jpg
Ông Huỳnh Tuấn Ân (góc phải trên cùng) và các bị can bị khởi tố

Đây là tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực xây lắp và thiết bị điện với tuổi đời lên tới 36 năm. Tập đoàn Tuấn Ân là một trong những nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng thiết bị, phụ kiện ngành điện.

Xuất phát điểm của công ty này là cơ sở sản xuất thiết bị và phụ kiện lưới điện tại TP.HCM, được thành lập năm 1987.

Đến năm 1996, công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thiết bị điện Tuấn Ân được thành lập tại TP.HCM, bắt đầu đầu tư các dây chuyền sản xuất phục vụ cho việc mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. 1 năm sau, công ty xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện 4.000 m2 tại Bình Chánh.

Năm 2008, công ty này chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thiết bị điện Tuấn Ân sang Công ty Cổ phần Thiết bị điện Tuấn Ân.

Giai đoạn 2009-2013, công ty này xây dựng nhà máy mới tại Long An với diện tích 31.600 m2 và thành lập Tập đoàn Tuấn Ân gồm 14 công ty thành viên, tiếp tục phát triển hệ thống phân phối trên khắp cả nước và các khu vực lân cận.

Đây là nhà thầu quen thuộc tại các dự án điện, trong đó cung cấp cho các thành viên trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công ty xây lắp và thương mại, công trình điện công nghiệp, khu công nghiệp và thị trường xuất khẩu.

Từ đầu năm 2023, nhà thầu này được công bố trúng hàng chục gói thầu cung cấp thiết bị cho các chủ đầu tư ngành điện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như các đơn vị điện lực của điện lực TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Gia Lai, Yên Bái, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nam Định, Ninh Thuận...

Hồi đầu năm, công ty này bị tố gian lận đấu thầu khi tham gia gói thầu tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM.

Cụ thể, trong năm 2022, EVNHCM tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước (qua mạng) để mua sắm biến dòng điện trung thế (gói thầu số 39-2023) và biến điện áp trung thế (gói thầu số 40-2023). Kết quả mở thầu có 5 nhà thầu tham dự gói thầu số 39-2023 và 6 nhà thầu tham dự gói thầu số 40-2023. Nhà thầu Tuấn Ân đã được lựa chọn trúng thầu với giá trúng thầu thấp nhất, thấp hơn giá gói thầu là 10,82% (gói thầu 39-2023) và 16,05% (gói thầu 40-2023).

Khi đó, có thông tin phản ánh Tuấn Ân gian lận để trúng thầu. Thời điểm đó EVNHCM trả lời rằng: Nhà thầu Tuấn Ân đã thực hiện hoàn tất hợp đồng của 2 gói thầu trên theo đúng các quy định trong hợp đồng. Tổng công ty chưa nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng về việc nhà thầu có sai phạm trong quá trình dự thầu. Trong trường hợp nhận được kết luận từ cơ quan chức năng, Tổng công ty sẽ tiến hành giải quyết theo quy định.

Dữ liệu khảo sát của Dauthau.info vào ngày 22/10/2023 cho thấy: Công ty này đã tham gia 2.726 gói thầu, trong đó trúng 957 gói, trượt 1.287 gói, 375 gói chưa có kết quả, 107 gói đã bị huỷ.

Tổng giá trị trúng thầu là hơn 1.758 tỷ đồng.

Tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập là hơn 1.549 tỷ đồng.

Tổng giá trị các gói thầu đã tham gia và trúng thầu với vai trò liên danh là hơn 209 tỷ đồng.

Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 84.48% (chỉ tính dựa trên các gói có công bố giá dự toán hoặc giá gói thầu).

Tuấn Ân cũng là doanh nghiệp có sự quan tâm rất sớm đến điện mặt trời, được giới trong ngành ghi nhận là công ty đầu tiên làm điện mặt trời ở Việt Nam. Đó là Dự án điện mặt trời tại xã Cam Thịnh Tây, Cam Ranh.
Dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp quyết định đầu tư năm 2016. Nhà máy điện có tổng công suất chỉ 10MWp, với vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Trong quá trình thi công vào tháng 1/2018, dự án xảy ra hỏa hoạn, lửa thiêu rụi toàn bộ kho vật tư 200m2 chứa hàng ngàn tấm pin năng lượng mặt trời.