Đau đáu khi thưởng Tết cho giúp việc cao hơn bác sĩ
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:10, 28/12/2023
Bồi dưỡng Tết của giúp việc bằng tiền thưởng của gia chủ
Sắp hết thời gian thai sản, chị N.T.N. (SN 1996, ở Thanh Xuân, Hà Nội) đôn đáo tìm giúp việc trông trẻ. May thay, chị được người quen giới thiệu cho bác ngoài 50 tuổi, có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ và cùng quê. Chị N. nhanh nhảu liên hệ, mời người này đến làm việc cho gia đình.
Thấm thoắt đã được 10 tháng có người giúp việc hỗ trợ, gần đến tết Nguyên đán, chị N. rất chú tâm với việc tính toán với bác. Mỗi tháng, gia đình chị trả lương cho người giúp việc 7 triệu đồng. Ngoài ra, bác được hỗ trợ ăn uống và ở cùng gia đình để thuận lợi cho việc chăm sóc trẻ nhỏ.
"Lúc thỏa thuận trả lương, bác ấy nói trước làm cho các gia đình khác ra sao, thì chúng tôi cũng cố gắng duy trì mức lương như vậy, kể cả việc thưởng thêm tháng lương thứ 13", chị N. chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số ngày lễ lớn trong năm như Quốc tế lao động, giúp việc của gia đình cũng được nhận thêm 300.000 đồng, không khác gì chi trả chế độ ở cơ quan, doanh nghiệp.
Chị N. tính gửi giúp việc tháng lương thứ 13, tương đương 7 triệu đồng.
"Thực tế, so sánh với nhiều ngành nghề lao động khác thì thưởng của người giúp việc còn cao hơn. Như đồng nghiệp của tôi chia sẻ, năm nay nguồn thu khó khăn nên bệnh viện tư nơi chồng cô ấy làm việc chỉ thưởng 3 triệu đồng. Gia đình tôi thưởng Tết cho giúp việc 7 triệu đồng là cao gấp đôi anh bác sĩ ấy", chị N. than thở.
Do đã thỏa thuận ngay từ những ngày đầu tiên họ vào làm việc, nên chị N. đỡ "sốc" về khoản chi thưởng này. Song, với chị, đây cũng là một khoản nặng phải chi cuối năm, phải tính toán đau đầu.
Chồng chị N. mới chuyển công tác, nên xác định tiền thưởng của chồng sẽ không được khả quan như những năm trước đây.
"Tôi xác định dành khoản thưởng Tết của chồng để chi trả tiền lương thứ 13 cho bác. Còn khoản thưởng Tết của tôi sẽ dành để tiết kiệm", chị này nói.
Dù trăn trở khoản thưởng Tết cho người giúp việc, song chị N. cho rằng cũng có phần may mắn khi thuê được người chu đáo, tận tình và năm qua bác cũng không gặp các vấn đề về sức khỏe.
Làm 2 tháng vẫn phải có thưởng Tết
Chị H.T.H. (ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, năm 2019 bắt đầu thuê giúp việc khi sinh con thứ hai. Thời điểm đó, chị đã tốn nhiều công sức để tìm giúp việc và đổi người liên tục do chưa ưng ý.
Phải đến người thứ ba, chị H. mới phù hợp chăm sóc trẻ nhỏ, kịp cho chị trở lại công sở làm việc sau thời gian nghỉ thai sản. Bấy giờ, chị trả lương cho giúp việc 3 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trước khi thỏa thuận về lương, họ cũng đã trao đổi rõ sẽ có thêm tháng lương thứ 13. Chị H. cho rằng đây là thỏa thuận phổ biến đối với các gia đình cho giúp việc. Sau một năm làm việc, hỗ trợ gia chủ, họ cũng cần có những phần tưởng thưởng tương xứng.
Lúc đó, gia đình chị còn nhiều khó khăn, nên cũng thấy "đau ví" vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, do đã có thỏa thuận từ trước, buộc lòng chị phải co kéo để có tiền thưởng Tết cho người trông trẻ.
Đến nay, hai con nhà chị H. đã lớn. Song do công việc của vợ chồng chị khá bận rộn, tan sở muộn nên vẫn phải tiếp tục thuê người giúp việc theo giờ.
"Cháu nhỏ 4 tuổi tôi cho học trường mầm non gần chung cư. Con lớn đang học tiểu học có thể tự đi xe buýt về nhà từ 16h30. Bố mẹ đến 18h mới tan làm nên không thể đưa đón được", chị H. kể.
Vì vậy, chị thuê người giúp việc theo giờ, từ 16h30 đến 19h. Mỗi tháng, chị trả lương cho người giúp việc 3,5 triệu đồng. Mặc dù mới thuê được 2 tháng, song dịp tết Âm lịch tới đây, chị vẫn có chút tiền thưởng cho người lao động, từ 1 đến 2 triệu đồng.
Người giúp việc có nhiệm vụ đón bé học mầm non, sau đó sẽ về tắm giặt, dọn dẹp nhà cửa. Còn về việc chuẩn bị bữa tối, chị H. sẽ đích thân vào bếp để nấu theo khẩu vị của gia đình.
"Dù mới làm việc song bác giúp việc khá yêu trẻ, nhanh nhẹn, tháo vát, biết việc nên tôi cũng muốn hỗ trợ thêm để động viên bác tiếp tục gắn bó", chị H. giải thích.