Phần mềm ứng phó thiên tai giúp Bình Định số hoá dữ liệu gần 1,5 triệu người
Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:40, 27/12/2023
Cuối tháng 8/2023, tỉnh Bình Định đã tổ chức diễn tập vận hành “Phần mềm quản lý thiên tai” nhằm ứng phó với tình huống bão, lũ. Sự kiện có sự tham gia của UBND 159 xã, phường, thị trấn; UBND 11 huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND tỉnh, để đánh giá khả năng đáp ứng của phần mềm trước khi đưa vào sử dụng chính thức trong mùa mưa bão, lũ.
Chia sẻ với VietNamNet về phần mềm “Made in Bình Định” nói trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, ông Hồ Đắc Chương cho biết, quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu rất công phu.
- Phần mềm “Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định” cụ thể là gì, thưa ông?
Trước đây, khi chưa có tác động từ biến đổi khí hậu. Bình Định thường có 3 tháng mùa mưa trong 1 năm, từ tháng 9-11 (tính theo âm lịch). Địa phương chúng tôi từng phải hứng chịu những ngày mưa lớn liên tiếp, có những trận lũ lụt lịch sử từng được ghi lại.
Khi đó, phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống thiên tai là Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ và Hậu cần tại chỗ luôn được tỉnh thực hiện triệt để. Ngày nay, với tiến bộ của công nghệ thông tin, chúng tôi cụ thể hoá 4 tại chỗ bằng chuyển đổi số.
Ở đây, cơ quan chức năng xây dựng 4 phương án ứng phó thiên tai cho bão; 3 phương án ứng phó thiên tai cho lũ. Các phương án đó được xây dựng xoay quanh người dân. Bởi, người dân phải được an toàn trong bão lũ, đây là yếu tố quan trọng nhất.
Từ đó, chúng tôi xây dựng các phương án sơ tán dân trên phần mềm. Nếu như có một cơn bão, lũ lụt xảy ra, tác động tới địa bàn, người dân sẽ được sơ tán đi đâu. Có hai hình thức gồm sơ tán xen ghép và sơ tán tập trung.
Nếu sơ tán xen ghép, hộ dân này sẽ ghép với hộ dân nào. Còn sơ tán tập trung thì hộ dân đi tới đâu, bằng phương tiện gì. Địa điểm sơ tán tập trung là các trường học, trạm xá, cơ sở y tế, cơ quan Nhà nước, những địa điểm có nhà cửa kiên cố trở thành những nơi tránh trú cộng đồng. Khi sơ tán dân tới đó, tất nhiên, chúng tôi phải có cả kịch bản lo hậu cần cho người dân. Lượng thức ăn, nước uống và số người tham gia hỗ trợ sơ tán.
Tất cả dữ liệu đều được đưa lên hệ thống phần mềm “Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định”.
- Vậy, ông lấy căn cứ nào để nhận định hộ dân trong vùng thiên tai cần phải sơ tán ra khỏi nhà của họ?
Lấy ví dụ một tình huống giả định như sau, khi cơ quan khí tượng thuỷ văn phát đi thông báo rằng, có một cơn bão sẽ đổ bộ vào địa phận tỉnh Bình Định, ở tại một vùng nào đó chẳng hạn. Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh ra công điện kích hoạt phần mềm.
Khi phần mềm này được kích hoạt, hệ thống sẽ xác định khu vực nào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xã nào cần sơ tán. Cụ thể hơn, với cấp báo như vậy, bao nhiêu hộ dân trong xã sẽ phải đi sơ tán, tương ứng với mức độ hiện trạng nhà của họ. Chúng tôi đã phân ra các loại nhà gồm: nhà kiên cố; nhà bán kiên cố; nhà thiếu kiên cố; nhà đơn sơ.
Như vậy, với 4 loại nhà trên, ứng với các cấp độ bão ra sao thì nhân khẩu trong nhà sẽ phải đi.
Đơn cử, cấp siêu bão thì nhà kiên cố cũng không ăn thua, tất cả cư dân đều phải đi ra khỏi vùng bão.
Nếu bão ở cấp thấp như cấp 7-8, thì nhân khẩu trong nhà đơn sơ phải đi. Ngoài ra, chúng tôi cũng cập nhật được có bao nhiêu tàu đã vào được khu neo đậu, nằm ở vị trí nào, khu neo đậu còn bao nhiêu chỗ trống....
- Như vậy, tỉnh đã số hoá dữ liệu dân cư lên phần mềm để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai?
Đúng vậy. Các cơ quan, đơn vị đã điều tra tận nơi, đánh giá kết cấu nhà. Từ đó, chúng tôi mới có thể phân ra các loại nhà, tương ứng với các cấp bão mà ngôi nhà đó có thể chống chịu.
Để có được dữ liệu chính xác, chúng tôi định vị từng ngôi nhà; điều tra về chất lượng nhà; số nhân khẩu; đối tượng dễ bị tổn thương… Khi có tình huống thiên tai, sẽ cần ưu tiên các đối tượng dễ bị tổn thương trước như trẻ em, phụ nữ, người già…
Tất nhiên, các số liệu trên có thể biến động sau thời điểm điều tra. Do đó, rất cần quá trình cập nhật thông tin về tình trạng nhà, nhân khẩu từ cấp cơ sở.
Hiện, phần mềm đã xây dựng cơ sở dữ liệu nền về ứng phó thiên tai, sơ tán chi tiết đến từng hộ dân của 404.787 hộ gia đình với 1.483.649 nhân khẩu. Các công tác chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống thiên tai cũng có trong phần mềm.
Cụ thể hơn, 4 kịch bản bão, 3 kịch bản lũ được xây dựng với chức năng theo dõi trực tuyến công tác sơ tán dân theo thời gian thực, công tác điều hành trực tuyến việc điều động lực lượng ứng phó, điều động phương tiện, vật tư, trang thiết bị và xuất cấp lương thực thực phẩm khẩn cấp, báo cáo thiệt hại do thiên tai theo thời gian thực của UBND cấp xã; đồng thời theo dõi trực tuyến số lượng tàu cá ở vùng nguy hiểm do bão, quản lý tàu cá vào các khu neo đậu, báo cáo trực tuyến tình hình ứng phó của các sở ngành về tàu hàng ở vùng nước cảng biển Quy Nhơn, tình hình giao thông, hồ chứa và theo dõi tổng hợp các đề xuất hỗ trợ khẩn cấp của địa phương và các cơ quan. Tỉnh đã tổng duyệt, chạy thử phần mềm, kích hoạt tình huống giả định và mọi thứ diễn ra ổn.
Có thể nói rằng, ứng dụng chuyển đổi số trong phòng chống thiên tai là rất cần thiết. Đây là công cụ để chính quyền ra các quyết định chính xác hơn, dựa trên các tính toán khoa học. Đồng thời, người dân có dữ liệu cụ thể để tin và ủng hộ cho các quyết định từ cơ quan Nhà nước trong phương án phòng, chống thiên tai. Từ đó, thống nhất các phương án được thực hiện từ cấp cơ sở cho tới lãnh đạo địa phương.
Tất nhiên, thiên tai là điều không ai mong muốn nhưng việc lên phương án chi tiết trước sẽ tăng tính chủ động trong ứng phó thiên tai, giảm thiểu tối đa thiệt hại phát sinh.
Trần Chung - Diễm Phúc