Sinh viên chơi đùa với sức khỏe bằng thói quen overnight

Xã hội - Ngày đăng : 13:25, 26/12/2023

Cậy tuổi trẻ có sức khỏe tốt, sức chịu đựng cao, nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên không ngại thức khuya, thậm chí là overnight để “chạy deadline” mà không màn đến hệ lụy về sau.

Môi trường đại học đòi hỏi các bạn sinh viên phải học tập và làm việc với một lượng lớn bài tập thầy, cô giao trên lớp. Bên cạnh đó là những tiểu luận, đồ án đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và làm việc với cường độ cao mới hoàn thành được. Nếu không thể sắp xếp cân đối giữa thời gian đi học và đi làm các bạn sinh viên dễ gặp phải tình trạng bị deadline “dí” dẫn đến việc phải thức xuyên đêm để hoàn thành công việc.

z4999202849392_257698b4b41472a49ce0aa8023666851(1).jpg
Do có nhiều bài tập, nhiều bạn sinh viên lựa chọn các quán cà phê mở cửa 24/24 để thuận tiện cho việc hoàn thành bài vở.

Chẳng hạn như trường hợp của bạn Trương Thị Hằng Nga (Sinh viên năm 4, trường ĐH KHXH và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM), ngoài đi học ở trường, Hằng Nga còn năng nổ tham gia câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, tình nguyện,... và đi làm thêm bên ngoài. Điều này đồng nghĩa nữ sinh sẽ có "nhiều" việc hơn để làm, do đó, không ít lần cô bạn phải đối mặt với tình trạng deadline câu lạc bộ, deadline bài tập nhóm,...được giao cùng một lúc khiến Nga phải khóc thét. Để giải quyết vấn đề này, cô bạn không còn cách nào khác là phải thức xuyên đêm 3 - 4 hôm liền để chạy cho kịp deadline.

“Nước đến chân” thì overnight


Bên cạnh những trường hợp bất khả kháng như của Hằng Nga, không ít sinh viên thong thả rong chơi, bỏ mặc bài tập, deadline đặt sang một góc, đợi nước đến chân rồi mới nhảy. Trước sự rượt đuổi đó, lựa chọn duy nhất của sinh viên để giải quyết mớ công việc này là overnight.

“Ngày mai là hạn chót rồi, tối nay phải overnight làm cho xong”, là câu cửa miệng của Nguyễn Thị Thu Uyên (sinh viên năm 2, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) mỗi lần đến hạn nộp bài. Nữ sinh cho biết, chạy deadline vào sát ngày cuối cùng sẽ có động lực hơn. “Lúc đó mình hiểu được là nếu hôm nay không làm thì mai không có bài nộp. Do vậy, mình tập trung toàn bộ tinh thần vào việc là bài mà không bị xao nhãng bởi bất kỳ hoạt động nào khác”, Thu Uyên chia sẻ.

Tương tự, Trần Thị Minh Nguyệt (sinh viên năm nhất, trường ĐH Văn Lang) cũng có thói quen để bài tập gần đến hạn cuối mới bắt đầu làm. Minh Nguyệt cho biết, những lúc gần đến hạn nộp bài, nữ sinh sẽ chọn thức đêm chạy deadline ở các quán cà phê 24/24. “Không phải là mình sẽ làm tất cả bài tập trong một đêm, mà trước đó mình cũng làm một phần rồi. Do vậy, khi đến sát đích thì mình chỉ cần dành ra khoảng mười mấy tiếng là đủ để mình có thể hoàn thành công việc của mình trong một đêm”, Nguyệt nói.

Tuy nhiên, không phải lúc nào overnight cũng mang lại kết quả tốt đẹp. Nhiều khi, Minh Nguyệt cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ và không tập trung được vào bài làm. Cô bạn cũng thừa nhận rằng overnight làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mình. “Mình thường bị đau đầu, mắt mờ, da xấu và dễ cáu gắt hơn”, Nguyệt cho hay.

z4999202860458_3a7bcfb3cf62ce9ad857df46173c8cd9.jpg
Áp lực từ "deadline" khiến nhiều bạn sinh viên thức khuya, dẫn đến cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ.

Chạy deadline chung với hội thì vui

Không thích chạy deadline một mình, Hoàng Kiều Trang (sinh viên năm 4, trường ĐH Khoa học Tự Nhiên - ĐHQG TP.HCM) thường hay rủ bạn bè chạy deadline tại các quán cà phê. Kiều Trang cho biết, việc ở cùng bạn bè khiến cô bạn cảm thấy vui vẻ, tinh thần phấn chấn nên các bài làm sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

“Ở phòng thì mình không thể thức khuya được, sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác. Ngồi ở quán, mình vừa được nhâm nhi đồ uống, vừa có thể trò chuyện, trao đổi với mấy đứa bạn khi bí ý tưởng,... Có mấy hôm, mình ngồi ở quán đến tận 8-9 giờ sáng hôm sau, nộp bài xong, về đến phòng là mình ngủ một mạch đến chiều mới dậy”, Kiều Trang kể lại.

z4999284168491_03644e1d33bb55acf954235031f2b2ce.jpg
Cả nhóm cùng "chạy deadline" thì hiệu quả hơn khi "chạy deadline" một mình.

Mặc dù yêu thích việc overnight để chạy deadline cùng bạn bè, nhưng Kiều Trang cũng nhận thức rõ được tác hại của việc thức đêm. Cô bạn cũng cho biết, mỗi lần thức xuyên đêm là những ngày tiếp theo cơ thể trở nên mệt mỏi, ăn uống không ngon.

Cô bạn đã từng thử nhiều cách để thay đổi thói quen overnight của mình, nhưng đều không thành công. “Mình biết overnight không tốt, nhưng mình không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của nó. Mình cảm thấy overnight là một phần của cuộc sống sinh viên, một trải nghiệm mà mình không muốn bỏ lỡ”, Kiều Trang chia sẻ.

Những hệ lụy cho cơ thể

Trên kênh Youtube của mình, ThS.BS. Trần Nhựt Minh – Giám đốc Trung tâm Cơ Xương Khớp – Vật lý trị liệu Trường Trung cấp Quốc tế Mekong cho biết, việc thức khuya sẽ để lại nhiều tác hại cho cơ thể. “Khi chúng ta thức khuya, việc đầu tiên là khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau, dẫn đến hệ thống miễn dịch dễ bị suy giảm, cơ thể dễ bị ốm, dễ bị cảm cúm. Thức khuya khiến da mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn, nhanh già hơn. Lý do là da không có thời gian phục hồi, nghỉ ngơi.

Với nam giới, việc thức khuya thường xuyên sẽ khiến cơ thể dễ bị rối loạn về hormon sinh dục nam. Còn ở nữ giới sẽ bị ảnh hưởng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc dễ bị mãn kinh sớm. Bên cạnh đó, những người thức khuya thường dễ bị rụng tóc. Nếu thức khuya quá 12 tháng, cơ thể dễ bị nhìn thấy những ảo giác hoặc nghe thấy những tiếng nói không có thật”, BS Minh chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu - Digital Health, đi ngủ từ 10:00 đến 11:00 tối có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh tim thấp hơn so với việc đi ngủ sớm hơn hoặc muộn hơn.

Nghiên cứu này bao gồm 88.026 cá nhân trong Biobank Vương quốc Anh được tuyển dụng từ năm 2006 đến năm 2010. Độ tuổi trung bình là 61 tuổi (từ 43 đến 79 tuổi) và 58% là phụ nữ. Dữ liệu về thời gian bắt đầu giấc ngủ và thời gian thức dậy được thu thập trong bảy ngày bằng cách sử dụng máy đo gia tốc đeo ở cổ tay. Những người tham gia đã hoàn thành các đánh giá và bảng câu hỏi về nhân khẩu học, lối sống, sức khỏe và thể chất. Sau đó, họ được theo dõi để chẩn đoán mới về bệnh tim mạch, được xác định là đau tim, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn tính, đột quỵ và cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.

Trong thời gian theo dõi trung bình 5-7 năm, có 3.172 người tham gia (3,6%) mắc bệnh tim mạch. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở những người ngủ vào lúc nửa đêm hoặc muộn hơn và thấp nhất ở những người bắt đầu ngủ từ 10:00 đến 10:59 tối.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích mối liên quan giữa thời điểm bắt đầu giấc ngủ và các sự kiện tim mạch sau khi điều chỉnh độ tuổi, giới tính, thời gian ngủ, giấc ngủ không đều (được định nghĩa là thời gian đi ngủ và thức dậy khác nhau), kiểu thời gian tự báo cáo (chim sớm hoặc cú đêm), tình trạng hút thuốc, chỉ số khối cơ thể, bệnh tiểu đường, huyết áp, cholesterol trong máu và tình trạng kinh tế xã hội.

So với những người bắt đầu ngủ từ 10:00 đến 10:59 tối, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 25% khi bắt đầu ngủ vào lúc nửa đêm hoặc muộn hơn, nguy cơ cao hơn 12% trong thời gian từ 11:00 đến 11:59 tối và nguy cơ ngủ trước 10 giờ tối tăng 24%. Trong một phân tích sâu hơn theo giới tính, mối liên hệ với việc tăng nguy cơ tim mạch mạnh hơn ở phụ nữ, chỉ có giấc ngủ bắt đầu trước 10 giờ tối mới có ý nghĩa quan trọng đối với nam giới.

An Thanh