Mất ngủ và nguy cơ lạm dụng dược phẩm chứa melatonin
Xã hội - Ngày đăng : 13:23, 26/12/2023
Trước đây, nhiều người cho rằng mất ngủ là một hội chứng thường gặp ở người cao tuổi, nhất là từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, gần đây, hội chứng mất ngủ dần dần xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi hơn. Theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Wakefield Research ghi nhận khoảng 37% người trẻ Việt bị mất ngủ, 73% bị căng thẳng do rối loạn giấc ngủ. Cùng với đó, số liệu của Viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, có khoảng 25% người trẻ (từ 18 - 30 tuổi) thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hoặc chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo.
Mất ngủ do áp lực
Chỉ mới 22 tuổi nhưng Nông Thị Kim Liên (sinh viên năm 4, trường ĐHKHXH và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM) đã mắc phải chứng mất ngủ. Kim Liên cho biết, trước đây chị là người rất dễ ngủ nhưng suốt một năm trở lại đây do áp lực công việc, học tập tăng lên cùng với việc thức đêm thường xuyên khiến cơ thể chị sinh ra chứng mất ngủ.
“Mỗi đêm mình chỉ ngủ được vài giờ, thường là sau 3 giờ sáng mình mới dần đi vào giấc ngủ và thức dậy vào khoảng 6 giờ sáng. Giấc ngủ không sâu, mình dễ bị thức giấc vì tiếng động nhẹ, sáng dậy dù hai mắt mở không nổi, rất thèm ngủ nhưng không tài nào mình ngủ lại được”, chị Liên than thở.
Tương tự, áp lực đồng trang lứa cùng nỗi lo về tài chính khiến Hoàng Thùy Linh (sinh viên năm 4, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) phải suy nghĩ, stress và dẫn đến mất ngủ. Thùy Linh cho biết, tình trạng mất ngủ của chị đã kéo dài hơn nửa năm nay. Thiếu ngủ trầm trọng khiến cho Linh luôn trong tình trạng lờ đờ, mệt mỏi, hai mắt thâm quầng, trũng sâu.
Lạm dụng kẹo ngủ chứa melatonin
Việc dễ dàng mua mà không cần kê toa khiến việc sử dụng kẹo ngủ trở nên phổ biến. Nhiều sinh viên sử dụng kẹo ngủ như “thần dược” để dễ dàng đi vào mộng đẹp. Không những thế, trong các hội nhóm tâm sự chuyện giới trẻ, khi được hỏi về cách làm sao để cải thiện tình trạng mất ngủ thì nhiều người đã không ngại ngần chia sẻ cho nhau về dùng kẹo ngủ, từ tên thuốc, nơi bán đến cách sử dụng.
Chẳng hạn, Bùi Công Hậu (sinh viên năm 3, trường Đại học Công Nghiệp TP. HCM), sau khi đọc được review về kẹo ngủ từ một bài viết trên Facebook, anh quyết định sử dụng kẹo ngủ để dễ dàng chìm vào giấc ngủ nhanh hơn mà không cần tốn quá nhiều công sức.
“Mình bắt đầu sử dụng kẹo ngủ vào năm thứ hai đại học. Thức khuya cộng với việc làm ca đêm nhiều khiến nhịp sinh học liên tục thay đổi, đôi lúc về khuya dù mệt lả người nhưng vẫn không thể ngủ được, những lúc như thế mình nhai 2 viên kẹo ngủ rồi nằm khoảng 20 phút là có thể chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Ban đầu, mình chỉ dùng kẹo vào những hôm đi làm về khuya, không ngủ được. Nhưng dần dần, tần số sử dụng ngày càng tăng lên, đến thời điểm hiện tại, ngày nào mình cũng sử dụng 1-2 viên trước khi đi ngủ”, anh Hậu chia sẻ.
Anh Hậu cho hay một số bạn bè của anh cũng làm điều tương tự vì đa số sinh viên thường thức khuya do bài tập nhiều, đi làm ca đêm hoặc đôi khi là để chơi game, cày phim thâu đêm suốt sáng,... Nam sinh cho hay, nhiều lần anh cũng muốn thay đổi thói quen sinh hoạt, nhất là việc thức khuya, nhưng bất thành.
Tương tự, Hoàng Thùy Linh cũng thường sử dụng kẹo ngủ có chứa melatonin để điều trị tình trạng mất ngủ của mình. “Từ đầu năm nay, mình có thói quen dùng kẹo ngủ để cải thiện giấc ngủ. Mặc dù mình biết thuốc kẹo ngủ không tốt và sẽ có những tác dụng phụ, nhưng nó lại khiến mình dễ dàng ngủ ngon hơn rất nhiều”, Thùy Linh cho biết.
Cũng cảm thấy lo ngại trước nguy cơ lạm dụng chất melatonin, nữ sinh chỉ sử dụng kẹo 3 ngày/ tuần hoặc dùng cho những trường hợp thật sự khó vào giấc ngủ. Tuy nhiên, Thùy Linh cũng cho biết thêm: “Ngày trước mình nhai một viên là có thể ngủ được nhưng bây giờ có lúc mình nhai 2-3 viên vẫn cảm thấy chưa thực sự đủ”.
Sử dụng melatonin đúng cách
Có thể thấy, kẹo ngủ được coi như là “thần dược” giúp các bạn trẻ trong thời gian ngắn, trị được căn bệnh mất ngủ của mình. Thế nhưng, nó lại gây ra hệ lụy vô cùng nguy hại tới sức khỏe người trẻ lâu dài.
ThS.BS Bùi Quang Di (Trưởng khoa khám bệnh - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho biết, melatonin là một hormone được sản xuất bởi tuyến tùng, nằm ở giữa não, tác dụng điều hoà chu kì ngày-đêm hay chu kỳ thức-ngủ. Bóng tối làm cho cơ thể sản xuất nhiều melatonin, là tín hiệu cho cơ thể để chuẩn bị cho giấc ngủ. Ánh sáng làm giảm sản xuất melatonin và báo hiệu chuẩn bị thức dậy. Lượng melatonin trong cơ thể không phải lúc nào cũng ổn định. Melatonin giảm dần theo độ tuổi, Tuổi càng cao thì hormone này tiết ra càng ít đi.
Theo BS Di, hiện nay, có nhiều loại thảo dược, thực phẩm chức năng có chứa melatonin có sẵn dưới dạng viên nang, dạng xịt, dạng kẹo, người bệnh có thể sử dụng mà không cần kê toa để giải quyết tạm thời vấn đề rối loạn giấc ngủ. Melatonin được xếp ở hàng thứ 4 trong số các dược phẩm về thảo dược bán chạy nhất, được sử dụng rộng rãi trong nước và trên thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.
Cũng theo chia sẻ của BS Di, người bệnh cần phải hiểu rõ về melatonin trước khi sử dụng. “Sử dụng melatonin khi bị mất ngủ, khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Uống melatonin trước ngủ 30 phút. Với các trường hợp bị rối loạn giấc ngủ đến muộn hay hội chứng giai đoạn ngủ bị trì hoãn với ngủ muộn và thức dậy muộn như ngủ 3 sáng và thức dậy 10 sáng hay gặp tuổi vị thành niên nên uống 4 đến 5 tiếng trước giờ đi ngủ, nếu uống sai giờ làm nặng thêm về rối loạn giấc ngủ", BS Di hướng dẫn sử dụng melatonin đúng cách.
Có thể sử dụng melatonin trong trường hợp bị mất ngủ do thời gian ngủ thay đổi bởi tính chất công việc, phải thức thêm và ngủ ngày. Mất ngủ do lệch múi giờ khi di chuyển giữa các quốc gia có múi giờ khác nhau (Jet lag), dùng một liều trước khi đi ngủ vào ngày đến và tiếp tục thuốc này trong 2-5 ngày. Đối với những hình thức mất ngủ khác, hiệu quả của melatonin không được kiểm chứng”, BS Di nói.
Người bệnh khi sử dụng melatonin để hỗ trợ giấc ngủ không sử dụng nhiều hơn những gì được khuyến cáo trên nhãn. Sử dụng liều thấp nhất của melatonin từ 0,5-1mg, tối đa 10mg khi lần đầu dùng. Không nên nhai hoặc nuốt cả viên thuốc mà hãy để thuốc tan trong miệng. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng melatonin như: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, buồn ngủ,... Một số trường hợp sử dụng melatonin không đúng cách có thể gây ra hiện tượng ngủ ngày vào hôm sau.
Nói về tương tác thuốc, BS Di cho hay, melatonin có tương tác với nhiều loại thuốc khác, do vậy, người bệnh trước khi dùng melatonin phải báo với bác sĩ nếu có một trong những tình trạng sau: dị ứng với melatonin, bệnh tiểu đường, trầm cảm, rối loạn đông máu như bệnh dễ chảy máu; uống thuốc chống đông, tăng hay huyết áp thấp, động kinh hoặc rối loạn co giật khác, bị bệnh tự miễn hay đang sử dụng bất kỳ loại thuốc ngừa thải ghép nội tạng.
VỆ SINH TINH THẦN – VỆ SINH GIẤC NGỦ:
1. Tập hể dục 30 phút/ngày ngoài trời, nhất là buổi sáng trước 8 giờ. Sử dụng các bài thể dục nhẹ nhàng như: yoga, thiền, đi bộ,... cách thời gian ngủ 3 giờ, luyện thở bụng, luyện thở.
2. Nên tắm bằng nước ấm, ngâm chân bằng nước ấm 30 phút trước khi ngủ.
3. Hạn chế thức ăn béo, chiên xào, không ăn quá no vào buổi tối, ăn trước ngủ 03 giờ.
4. Tránh xa Facebook, Smartphone, Ipad, màn hình laptop trong vòng 2 giờ trước khi ngủ.
5. Nghe âm thanh từ Pink noise, nghe nhạc hằng đêm ,đọc sách báo.
6. Tránh căng thẳng, giải quyết sớm mâu thuẫn trong công ty, gia đình, ghi vào nhật ký công việc chưa xong sẽ giải quyết cho ngày mai.
7. Phòng ngủ nhiệt độ thích hợp, ánh sáng hợp lý, tối, yên tĩnh, ga mùng sạch, nệm ấm, gối êm, đồ ngủ mát khi mùa hè, đồ ngủ ấm khi mùa lạnh.
8. Duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đúng giờ.
9. Nên bổ sung vào thức ăn có Serotonin, Melatonin.
10. Loại thảo dược hỗ trợ khi ngủ dưới dạng trà, hay ăn từ hạt sen, nấm Linh Chi, tim sen, hoa lài, lá vông nem, hà thủ ô, táo nhân, bình vôi …