Giá xăng dầu hôm nay 27/12/2023 khởi sắc, vượt mốc 80 USD/thùng
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:09, 27/12/2023
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 27/12/2023
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 27/12 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/12 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Giá bán lẻ xăng dầu theo đó được điều chỉnh tăng mạnh, trong đó xăng RON 95 tăng mạnh nhất sau 5 lần giảm liên tiếp.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên mức 21.190 đồng/lít. Giá xăng RON 95 được nâng lên 22.140 đồng/lít.
Còn giá dầu diesel bán lẻ là 19.520 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng lên 20.490 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/12 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.140 | + 740 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.190 | + 680 |
Dầu diesel | 19.520 | + 510 |
Dầu hỏa | 20.490 | + 530 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 27/12/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 27/12 tiếp tục đà tăng từ phiên trước.
Giá dầu phiên 26/12 quay đầu đi lên ngay sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 21h09' ngày 26/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 80,6 USD/thùng, tăng 1,53 USD, tương đương 1,93% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 75,12 USD/thùng, tăng 1,56 USD, tương đương 2,12% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu đi lên khi giới đầu tư vẫn e ngại những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông có thể hạn chế nguồn cung và sự lạc quan về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào đầu năm tới.
Cuối tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cáo buộc Iran sử dụng máy bay không người lái tấn công vào một chiếc tàu chở hóa chất mang cờ Liberia, cách bờ biển Ấn Độ khoảng 200 hải lý (370km). Việc này khiến căng thẳng trong khu vực leo thang và làm tăng rủi ro đối với các tuyến đường vận chuyển.
Trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông vẫn còn tiếp diễn, tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư có thể sẽ còn kéo dài.
Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm sau, sau khi dữ liệu của Mỹ được công bố vào cuối tuần trước cho thấy lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hạ nhiệt.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE, thước đo lạm phát yêu thích của Fed), trong tháng 11 vừa qua đã giảm 0,1% so với tháng trước đó. Điều này củng cố kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” của Fed.
Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 13/12 vừa qua, Fed phát đi tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ có thể đã kết thúc, mở ra khả năng hạ lãi suất trong năm tới.
Áp lực lãi suất giảm bớt kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu và gia tăng nhu cầu nhiên liệu, góp phần hỗ trợ giá dầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm tới. Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng nhu cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày.
Về giá cả, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định, năm tới, trung bình giá dầu Brent sẽ đạt 80-81 USD/thùng. Còn IEA dự đoán giá dầu Brent trung bình trong năm tới ở mức 82,57 USD/thùng.
Vào tuần trước, giá dầu thế giới ghi nhận thêm 1 tuần tăng giá với mức tăng gấp 3 lần so với mức tăng của tuần trước đó.