Vụ cả huyện bị cắt nước: Yêu cầu công ty nước khẩn trương trả nợ
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:13, 26/12/2023
Ngày 26/12, UBND tỉnh Gia Lai thông tin vừa tổ chức cuộc họp đối thoại lần hai giữa Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê (Công ty Cấp nước Chư Sê) và các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.400 hộ dân ở huyện Chư Sê.
Tại cuộc họp, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Công ty CP cấp nước Chư Sê tiếp tục tháo gỡ khó khăn để duy trì hoạt động cấp nước sinh hoạt cho người dân; kịp thời rà soát các hộ dân đăng ký mà không sử dụng nước; thu hồi số tiền nợ nước sinh hoạt.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Công ty CP cấp nước Chư Sê khẩn trương trả các khoản nợ tiền điện, thuế và các khoản khác nhằm duy trì việc cấp nước cho người dân.
Trước đó, sau nhiều lần Công ty CP cấp nước Chư Sê không thanh toán đủ tiền điện như đã hứa hẹn, Điện lực huyện Chư Prông đã cắt điện vào 13h ngày 14/12.
Bị cúp điện, Công ty CP cấp nước Chư Sê đã có văn bản gửi đến cơ quan chức năng và người dân thông báo dừng cung cấp nước sinh hoạt toàn huyện Chư Sê từ 14h ngày 14/12 đến khi điện lực đóng điện trở lại. Nguyên nhân dừng cung cấp nước vì công ty đang nợ tiền điện.
Trước thông báo tạm dừng cung cấp nước sinh hoạt, người dân huyện Chư Sê lo lắng đi khắp nơi tìm nguồn nước thay thế. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã liên hệ Điện lực huyện Chư Prông để kiến nghị cung cấp điện lại, nhằm duy trì việc cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.
Đến 16h ngày 14/12, Điện lực huyện Chư Prông đã tạm thời cung cấp điện lại cho người dân sử dụng nước.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Vinh Thịnh, Tổng giám đốc Công ty CP cấp nước Chư Sê, cho biết: "Công ty đã có văn bản gửi đến Điện lực huyện Chư Prông và cơ quan ban ngành nhằm xem xét việc giảm giá điện hoặc lấy ý kiến của người dân về việc áp giá điện cho Nhà máy nước Chư Sê.
Đến nay, ngành điện lực vẫn chưa thực hiện lấy ý kiến của người dân về giá điện hoặc nghiên cứu việc áp giá điện cho Nhà máy Cấp Nước Chư Sê, phục vụ cho người dân huyện Chư Sê và các xã lân cận huyện.
"Chúng tôi phục vụ cho người dân, vì an sinh cho người dân huyện Chư Sê, không phải làm công việc để sinh lời như kinh doanh. Chính vì vậy, công ty mong muốn ngành điện lực nên đồng nhất một giá, tránh việc tăng giá giờ cao điểm. Lúc đó, công ty mới có khả năng duy trì nước cho người dân và có lộ trình để trả nợ tiền điện", ông Thịnh nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Đình Thy, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Điện Lực Gia Lai) cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty Điện lực Gia Lai đã hỗ trợ duy trì nguồn điện để đảm bảo hoạt động cho Công ty CP cấp nước Chư Sê cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Từ tháng 9 đến nay, đơn vị đã gia hạn 4 lần số tiền nợ để Công ty cấp nước có điều kiện cấp nước và có thời gian thanh toán. Tuy nhiên, phía Công ty CP cấp nước Chư Sê vẫn không có động thái thanh toán khiến số tiền điện nợ quá hạn ngày càng cao".
Tính đến ngày 5/12, Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê vẫn chưa thanh toán hóa đơn tiền điện tháng 9, 10 và 11, tổng cộng hơn 41 triệu đồng. Nếu tính đến nay, Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê đang nợ trên số tiền trên 100 triệu đồng.
"Việc đề nghị giảm giá điện hoặc lấy ý kiến khách hàng do Công ty CP Cấp nước Chư Sê đề nghị là trái với quy định. Công ty điện lực đã nhiều lần gia hạn cho việc thanh toán tiền điện. Qua đó, giúp Công ty cấp nước tạo điều kiện nhằm duy trì việc cung cấp nước cho người dân.
Tuy nhiên, Công ty CP Cấp nước Chư Sê vẫn chậm thanh toán và đề nghị thanh toán tiền điện sau khi trừ các chi phí. UBND tỉnh Gia Lai sẽ mời các bên liên quan họp để thống nhất việc này", ông Thy thông tin thêm.
Như báo Dân trí, trước đó, Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê liên tục thông báo về việc tạm dừng cung cấp nước toàn huyện Chư Sê vì bị nợ tiền điện nên không có nguồn điện cho nhà máy nước vận hành.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Gia Lai đã áp dụng biện pháp cưỡng chế, phong tỏa tài khoản đối với Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê vì nợ thuế.
Đại diện công ty cấp nước cho biết, đã bỏ vốn đầu tư lớn nhưng người dân không sử dụng nước sạch dẫn đến không có nguồn thu, phải bù lỗ thời gian dài. Công ty không biết còn duy trì được đến bao giờ.