Gian nan đòi sổ hồng chung cư
Bất động sản - Ngày đăng : 14:56, 26/12/2023
Vướng đủ đường
Chung cư K26 (đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp) do Ban Quản lý dự án 98 (Bộ Quốc Phòng) làm chủ đầu tư, bàn giao 640 căn hộ cho cư dân từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa có sổ hồng.
Ông Nguyễn Minh Vỹ (căn hộ 003A nhà A3.3 chung cư K26) cho biết, cư dân đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đúng quy định với Ban Quản lý dự án 98 nhưng chủ đầu tư không hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ với cư dân trong việc cấp sổ hồng. Sự việc kéo dài hơn 15 năm qua. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa có kế hoạch ra sổ hồng cho cư dân.
Chung cư K26 (đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp) đã bàn giao 640 căn hộ cho cư dân từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa có sổ hồng. |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Bá Tơ, Trưởng ban quản trị chung cư K26 cho biết, chung cư đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhưng tới năm 2020 mới có Ban Quản trị khóa 1. Ông Tơ là Trưởng ban Quản trị khóa 2 của chung cư K26, nhận nhiệm vụ hôm 19/10. Hiện nay, Ban Quản lý dự án 98 chỉ mới bàn giao cho Ban Quản trị 13 block nhà, số còn lại và cơ sở hạ tầng thì chưa bàn giao.
“Tôi nghe nói, do Ban Quản lý dự án 98 nợ tiền UBND TPHCM trong việc xây dựng chung cư K26 nên chưa thể ra sổ hồng cho cư dân. Ban quản trị đã có đơn kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” - ông Tơ nói.
Ông Trần Văn Đồng, Trưởng Ban quản trị chung cư An Phú Đông (quận 12, TPHCM) cho biết, năm 2018, chung cư được nghiệm thu và đưa vào sử dụng với 308 căn hộ.
Hơn 3 năm sau, cư dân ở đây được chủ đầu tư là Tổng công ty CP Địa ốc Sài Gòn thông báo tập hợp hồ sơ nộp cho Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ hồng).
Thế nhưng, đến ngày 13/6, chủ đầu tư thông tin đến các cư dân, rằng hồ sơ không được Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM tiếp nhận do phát sinh tranh chấp chồng ranh giữa khu đất xây dựng chung cư với phần đất của một hộ dân kế bên. Vụ việc hiện do Tòa án nhân dân quận 12 thụ lý.
Chung cư An Phú Đông có 1 block, phần đất đang tranh chấp có diện tích 34,8 m2 ở phía trong tường rào của sân chung cư, nằm bên tay phải nếu từ cổng chính đi vào. Trên khu đất này, một nửa đã được rải thảm bê tông, lát gạch làm nơi để xe máy, ô tô của cư dân. Nửa còn lại là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, được tận dụng làm nơi đặt thùng đựng rác.
Chỉ vì tranh chấp 34,8 m2 đất, 308 căn hộ ở chung cư An Phú Đông bị "treo" sổ hồng. |
Theo đơn kiện của ông T.Đ.C, diện tích đất tranh chấp là phần chồng lấn ranh giữa 2 giấy chứng nhận quyền sở hữu. Cụ thể: Tổng công ty CP Địa ốc Sài Gòn được Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CT74310 vào ngày 16/5/2018. Trong khi đó, ông N.X.T. được UBND quận 12 cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH10105 vào ngày 6/12/2017, cập nhật biến động cho ông T.Đ.C và bà N.P.T vào ngày 30/1/2018.
Theo ông Đồng, sau khi làm việc với một số đơn vị liên quan, Ban Quản trị chung cư An Phú Đông nhận thấy việc chồng ranh thuộc về trách nhiệm của đơn vị đo đạc và của cơ quan cấp giấy chứng nhận. Do vậy, Ban Quản trị chung cư đã kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, hoàn tất thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân, bởi lỗi chồng ranh không phải do cư dân.
Tương tự, hàng trăm cư dân chung cư Kingdom 101 (quận 10, TPHCM) mua căn hộ từ chủ đầu tư là Công ty CP Kingdom Đông Dương và dọn về ở từ tháng 6/2020 đến nay. Từ khi sinh sống tại đây, cư dân đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, thanh toán đúng hạn, nộp phí quản lý và cũng mong muốn được nhận lại các quyền lợi chính đáng.
Thế nhưng hơn 3 năm qua, dù đã nộp đầy đủ hồ sơ giấy tờ nhưng các cư dân vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Việc sinh sống tại một nơi không có giấy tờ hợp pháp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình, khi đa phần các cư dân phải vay ngân hàng thanh toán chi phí mua nhà với mức lãi suất cao. Nhiều cư dân Kingdom 101 đang rất lo lắng, không biết đến bao giờ mới được cấp sổ hồng cho căn hộ đang sở hữu.
Do ai?
Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, đầu năm 2023 TPHCM có hơn 81.000 căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Từ đầu năm đến cuối tháng 9/2023, TPHCM đã cấp được gần 17.000 sổ hồng cho các tổ chức, cá nhân. Đến nay còn hơn 7.000 hồ sơ thuế chưa tính, thu và chuyển lại cho Sở Tài nguyên Môi trường.
Như vậy trong tổng số hơn 81.000 căn nhà, TPHCM còn khoảng hơn 63.000 căn hộ chưa được cấp sổ. Trong số này, chủ yếu là các căn hộ do chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ hồng (nhóm 2 khoảng hơn 30.000 căn); căn hộ thuộc loại hình bất động sản mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật là condotel, officetel… (nhóm 3 khoảng hơn 10.000 căn); phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung (nhóm 4 gần 20.000 căn); do đang thanh tra, kiểm tra, điều tra (nhóm 6, hơn 8.000 căn) và các vướng mắc khác (nhóm 5, hơn 4.600 căn).
Hàng trăm cư dân chung cư Kingdom 101 mua căn hộ từ chủ đầu tư là Công ty CP Kingdom Đông Dương và dọn về ở từ tháng 6/2020 đến nay nhưng vẫn chưa có sổ hồng. |
Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cho biết, nguyên nhân do nhiều vướng mắc về pháp lý, nghĩa vụ tài chính, thanh tra, điều tra, loại hình nhà ở mới là condotel, officetel... Công tác giải quyết hồ sơ cấp sổ hồng tại các dự án phát triển nhà ở thương mại chưa đáp ứng được nhu cầu của chủ đầu tư và người mua nhà. Việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến cấp sổ hồng cho người mua nhà chưa được thực hiện một cách đồng bộ, thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ TPHCM đến quận, huyện, TP. Thủ Đức…
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nói thẳng, chủ đầu tư không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm sổ hồng cho cư dân vì họ “mơ” được đóng tiền sử dụng đất để cấp sổ hồng còn không được. Bởi, khi được cấp sổ hồng, doanh nghiệp sẽ giải quyết được rất nhiều thứ. Đầu tiên là thực hiện được cam kết với khách hàng. Thứ hai là thu được số tiền còn lại. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng được cấp sổ phần tầng hầm, thương mại có thể cầm cố vay ngân hàng. Do đó, doanh nghiệp là người mong mỏi được sớm cấp sổ hồng hơn ai hết.
Theo ông Châu, nguyên nhân chính khiến việc cấp sổ hồng chậm là từ Sở Tài nguyên Môi trường, mà cụ thể là vướng các quy định của pháp luật, nhất là việc định giá đất để tính tiền sử dụng đất.
Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện nay có tình trạng không ai dám tính tiền sử dụng đất và không ai dám ký.