Tạm biệt 2023: Niềm vui giữ lại, nỗi buồn thả trôi

Dòng chảy - Ngày đăng : 07:32, 26/12/2023

Tôi nghĩ mỗi năm qua, mình chỉ nên giữ lại niềm vui, nỗi buồn thả trôi. Không phải không quan tâm mà vì mình đã quan tâm sâu sắc hơn đến vui-buồn, biết chuyển hóa những “tảng đá” bên trong để hỉ xả nhẹ nhàng ngay khi nó đến rồi!

Những ngày này, mọi người rộn ràng chuẩn bị đón năm mới. Tạm biệt một năm qua luôn mang đến nhiều cảm xúc. Nhiều mạng xã hội gợi ý người dùng nhìn lại một năm qua, với những niềm vui, nỗi buồn, dấu ấn, kỷ niệm khó phai.

Tôi cũng mon men nhìn lại thống kê những bức hình có lượng quan tâm (thả tim, bình luận) nhiều nhất trên các mạng xã hội. Hầu như là những hình ảnh ấm áp sum vầy của tôi và cậu con trai 5 tuổi. Nhiều người khen hai ba con dễ thương, rồi bảo “con trai càng lớn càng đẹp trai”, “đẹp trai hơn ba rồi”…

Tôi đọc những bình luận và phì cười. Hóa ra, cuộc sống cá nhân của mình cũng được cộng đồng mạng - những cô chú, anh chị em, bạn bè biết mình ngoài đời thực và cả chỉ thấy nhau trên không gian “ảo” này - dõi theo đầy yêu thương như vậy.

Có lẽ, mọi người ngoài quan tâm tôi thì còn cảm thấy ấm áp, vui lây với niềm vui, hạnh phúc, sự ấm áp của tôi - một ông bố đặc biệt, đơn thân nuôi con - và phải xa con cả 1.000km, trong dặm dài nhớ thương.

anh-tgcc-7221.jpg
Bức ảnh được quan tâm trong năm của tôi trên mạng xã hội

Con tôi đã lớn lên bên nội và kết nối với ba qua những cuộc gọi, với những hạnh phúc của tuổi thơ không phải quá đủ đầy, nhưng tôi tin luôn ấm áp yêu thương.

Tôi sẽ kể về những yêu thương, quan tâm không chỉ từ ba và nội mà còn rất nhiều người biết con qua các nền tảng mạng xã hội của ba. Hẳn, khi lớn, con sẽ cảm nhận được sự quan tâm, những lời chúc ngọt lành mà những người yêu quý hai ba con tôi dành cho. Tôi tin, tình thương sẽ đi từ trái tim của người trao và đến trái tim của người nhận một cách nhiệm mầu.

Năng lượng yêu thương theo cách riêng, sẽ ôm ấp con người, giúp người ấy bình yên, được dưỡng nuôi một cách ngọt lành. Vui với niềm vui của người khác cũng là một cách nuôi dưỡng tâm lành, gom góp yêu thương.

Thường, chúng ta vẫn hay nhớ và nhớ lâu những niềm đau, nỗi khổ, những điều bất như ý mình gặp trong đời, do ai đó gieo cho mình. Đó là cách ta tiếp tục “hành hạ” bản thân mình lâu thêm mà nhiều khi ta vẫn thường lặp lại như một thói quen.

Chỉ khi nào đủ trưởng thành, sâu sắc hơn, biết dừng lại và nhìn sâu vào những biểu hiện được/mất và thấm thía quy luật nhân - duyên - quả vốn thường hằng trong cuộc đời, ta mới bắt đầu thay đổi, có quyết tâm và dũng khí để làm mới mình.

Phương pháp “làm mới” được Thiền sư Thích Nhất Hạnh Hạnh hướng dẫn thật sự là một bài thực tập giá trị, không cần đợi đến lúc tan nát ta mới giật mình quay lại chữa lành, thay đổi tích cực. Làm mới giúp ta ngăn gieo hạt giống xấu và biết ôm ấp những “trái đắng” mà mình đã vô tình hoặc cố ý tác tạo trong cuộc đời.

Làm mới cũng giúp xóa nhòa khoảng cách mà mình và người thương đã tạo. Giúp kết nối trở lại các mối quan hệ có nguy cơ đổ vỡ hay đã đổ vỡ trước đó. “Tưới hoa” cho mình và người thương bằng cách ghi nhận những tính tốt, việc lành mà người ấy đã dành cho mình cho đời.

Nói lời xin lỗi (vì chắc chắn, trong va chạm với người với đời, ta đã nghĩ, nói, làm những điều thật tệ, gây hại cho cả ta và người). Với cái tôi sắt đá, có thể ta sẽ không chịu xin lỗi dù đã thấy mình sai, cơ hội cuối năm - đầu năm, khoảnh khắc giao mùa đầy yêu thương này, con người ta dễ mở lòng để nói và đón nhận những lời xin lỗi chân thành.

Tất nhiên, xin lỗi, ghi nhận tính tốt, tâm lành, ta cũng tự hứa và cam kết với nhau cùng dựng xây một con người mới cho ta và cả mối quan hệ của ta.

“Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới
Nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa”

Tôi đã đọc hai câu kệ này của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và thực sự rất thấm. Nghe đơn giản nhưng cũng không dễ làm. Bởi, thói quen khá khó bỏ, nhất là khi nó đã được ta “lập trình” từ ngày này qua tháng khác, trở thành tính cách.

Năm mới ta cũng mới. Đó cũng là lời khuyên của vị thiền sư có ảnh hưởng lớn đến cái nhìn và sự thực tập tỉnh thức, chánh niệm của toàn thế giới.

Trong xã hội hiện đại, con người được trang bị tiện nghi đủ đầy nhưng thiếu phương pháp để có thể sống tỉnh thức, làm chủ được chính mình trước biến động nhanh chóng của mọi thứ. Thiền hay thực tập đời sống chánh niệm sẽ giúp ta và người thân thương rất nhiều. Tôi nghĩ, đây cũng là cách để chúng ta sống bình yên không chỉ trong năm mới mà trong cả cuộc đời, dù thăng trầm, suy thịnh.

Nhờ sự nhìn sâu, nhìn kỹ thông qua phương pháp “làm mới”, tôi được điều chỉnh bản thân đúng cách. Không phải tôi đã giác ngộ hoàn toàn nhưng ít nhất đã có tấm khiên để chở che, khu trú.

“Mình không mong con trai hơn người về danh, sắc, tài, chỉ mong con hạnh phúc, bình yên”, tôi hay nói với bạn mình. Và với tôi, đó là bài học lớn trong vai trò làm ba.

Còn trong mọi mối quan hệ khác, tôi nghĩ mỗi năm qua, mình chỉ nên giữ lại niềm vui, nỗi buồn thả trôi. Không phải không quan tâm mà vì mình đã quan tâm sâu sắc hơn đến vui-buồn, biết chuyển hóa những “tảng đá” bên trong để hỉ xả nhẹ nhàng ngay khi nó đến rồi!