Điểm tin công nghệ 26/12: Apple có kế hoạch sản xuất hơn 50 triệu điện thoại iPhone/năm tại Ấn Độ

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 26/12/2023

Người dùng điện thoại Samsung và Xiaomi nên cảnh giác phần mềm độc hại ngân hàng mới; Lại một kiểu lừa đảo mới trên mạng, nhằm đánh cắp thông tin
gettyimages-1660531947-9a5d7ac9964e4c159962b25e7aa406b4.jpg

- Apple có kế hoạch sản xuất hơn 50 triệu điện thoại iPhone/năm tại Ấn Độ

Việc mở rộng sản xuất ở Ấn Độ nằm trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple.

Theo tờ Wall Street Journal, Apple có kế hoạch cùng với các nhà cung cấp tại Ấn Độ sản xuất trên 50 triệu chiếc iPhone mỗi năm trong những năm tới, chiếm khoảng 1/4 sản lượng iPhone hàng năm của tập đoàn công nghệ này trên toàn cầu.

Một nhà máy của Foxconn hiện đang được xây dựng tại phía Nam Ấn Độ dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 4/2023, với mục tiêu sản xuất 20 triệu chiếc iPhone và các thiết bị khác mỗi năm trong vòng 2-3 năm tới. Foxconn cũng đang dự định xây dựng nhà máy thứ hai có quy mô tương đương tại Ấn Độ.

Trong khi đó, Bloomberg News đưa tin tập đoàn Tata Group của Ấn Độ sẽ xây dựng nhà máy lớn để sản xuất thiết bị cho Apple tại Ấn Độ. Tata dự kiến cần 50.000 nhân công cho 20 dây chuyền lắp ráp, khi nhà máy này đi vào hoạt động trong 12-18 tháng tới.

Việc mở rộng sản xuất ở Ấn Độ nằm trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple. Apple bắt đầu sản xuất iPhone tại Ấn Độ từ năm 2017 và năm 2022, hãng thông báo sẽ sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ, thay vì tại Trung Quốc.

Ấn Độ cũng là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, nhưng các thiết bị có giá cao của Apple khó tăng thị phần tại đây.

- Người dùng điện thoại Samsung và Xiaomi nên cảnh giác phần mềm độc hại ngân hàng mới

Theo công ty an ninh mạng ThreatFabric, phiên bản mới của phần mềm độc hại ngân hàng Xenomorph vừa xuất hiện tại Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Ý… nhắm mục tiêu vào người dùng điện thoại Samsung và Xiaomi.

Xenomorph xuất hiện lần đầu tiên vào đầu năm 2022, hoạt động như một Trojan ngân hàng bằng cách sử dụng lớp phủ màn hình, giả mạo giao diện đăng nhập để đánh cắp tài khoản.

Theo công ty an ninh mạng ThreatFabric, phiên bản mới của Xenomorph đã được phát hiện tại Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha và Bỉ, được thiết kế để đánh cắp ví tiền điện tử và giành quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng của người dùng.

Khi lần đầu tiên được phát hiện ở châu Âu, Xenomorph đã được tải xuống khoảng 50.000 lần thông qua Google Play. Vào tháng 3-2023, một phiên bản mới Xenomorph có khả năng thực hiện các giao dịch tự động trên thiết bị, đánh cắp cookie, nhắm mục tiêu hơn 400 ngân hàng và các thiết bị Android (chủ yếu là Samsung và Xiaomi vì đây là một trong những hãng điện thoại Android phổ biến nhất).

Bên cạnh đó, phiên bản mới của Xenomorph còn lừa người dùng tải xuống các phần mềm độc hại. Phương thức tấn công mới là thuyết phục người dùng Android rằng họ cần cập nhật trình duyệt Chrome, nếu đồng ý, trang web sẽ tải xuống các file APK độc hại. Sử dụng lớp phủ màn hình để đánh cắp các thông tin có giá trị như tên người dùng, mật khẩu và số thẻ tín dụng.

Mặc dù đơn giản nhưng phần mềm độc hại Xenomorph vẫn được người dùng ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ tải xuống hàng ngàn lần.

- Lại một kiểu lừa đảo mới trên mạng, nhằm đánh cắp thông tin

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội, nhóm quảng cáo dịch vụ “nhận làm căn cước công dân giả” hoặc “làm CCCD giả gắn chip để đánh cắp thông tin người dùng.

Cục An toàn Thông tin ( Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cảnh báo báo người dân về chiêu trò mới của các đối tượng lừa đảo nhận làm căn cước công dân giả.

Các đối tượng tạo lập các trang mạng xã hội giả mạo, đăng tải bài viết quảng cáo với nội dung quảng cáo dịch vụ nhận làm nhanh CCCD giả gắn chip phôi chuẩn 2023. Tiếp đó, yêu cầu nạn nhân chuyển khoản đặt cọc, sau đó chiếm đoạt và chặn mọi liên lạc. Ngoài ra, còn có trường hợp trả CCCD nhưng không giống quảng cáo, có hình dạng, mẫu mã đơn giản, dễ dàng phân biệt thật, giả bằng mắt thường.

Mục đích chính của các đối tượng là tìm kiếm nạn nhân cung cấp thông tin CCCD thật để áp dụng kỹ thuật như: ghép ảnh chân dung, sử dụng công nghệ in, gắn miếng kim loại... làm giả CCCD để đăng ký mở tài khoản ngân hàng trực tuyến nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt khác hoặc thực hiện hành vi chiếm quyền điều khiển và khai thác dữ liệu cá nhân của nạn nhân từ hình thức trên.

Việt Báo (Tổng hợp)