Chung cư tăng giá không ngừng, doanh nghiệp mong tháo gỡ quy định về đất ở

Bất động sản - Ngày đăng : 17:58, 23/12/2023

Giá căn hộ liên tục tăng cao do nguồn cung trong những năm gần đây khan hiếm. Doanh nghiệp cho rằng nếu không gỡ vướng quy định về "đất ở" thì sẽ không giải được chuyện tăng nguồn cung trên thị trường.

Nguồn cung “teo tóp” 

Tại hội nghị tổng kết ngành xây dựng năm 2023 tổ chức ngày 22/12, Bộ Xây dựng cho biết, giá căn hộ chung cư liên tục tăng cao do nguồn cung những năm gần đây khan hiếm, trong khi giá nhà ở thấp tầng và một số loại phân khúc bất động sản khác lại giảm 10 - 20% tùy thuộc vào vị trí, khu vực.

Số liệu thống kê từ Bộ cho thấy, nguồn cung bất động sản năm 2023 tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc. Trong đó, có 42 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, cung cấp cho thị trường khoảng 15.966 căn nhà, chỉ bằng 46,15% năm 2022.

Cả nước có 5 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 850 căn hộ.

Ghi nhận từ thực tế của PV.VietNamNet cho thấy, chung cư Hà Nội ngày một tăng giá chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” , thậm chí có những dự án xa trung tâm nhưng giá lên tới 100 triệu đồng/m2.

Như một dự án ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cách trung tâm hồ Hoàn Kiếm hơn 20 km nhưng giá chung cư đã đạt ngưỡng gần 100 triệu đồng/m2.

Một môi giới bán căn hộ tại dự án cho hay, ngoài 2 tòa A và D đã bàn giao căn hộ cho khách hàng, chủ đầu tư đang mở bán mới căn hộ 2 tòa B,C sẽ được bàn giao vào năm 2024.

Trong giỏ hàng môi giới giới thiệu, căn hộ diện tích 80m2, 3 phòng ngủ, view hồ có giá bán 6,4-6,9 tỷ đồng, tương đương 80-86 triệu đồng/m2.

"Hiện tại, các căn hộ có view hồ đang có giá cao nhất tại dự án. Một căn hộ 62m2 view nội khu có giá gần 72 triệu đồng/m2, nhưng một căn hộ 61m2 view hồ lại có giá 87 triệu đồng/m2", môi giới cho biết.

W-chung-cu-cu-vietnamnet-1.jpg
Nguồn cung khan hiếm, giá bất động sản tăng cao, nhất là nhà chung cư đang gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực. (Ảnh: Hồng Khanh)

Tại các toà chung cư khác đang được chủ đầu tư này mở bán, dự kiến bàn giao căn hộ vào giữa năm 2026, giá bán trên các trang mua bán dao động 62-79 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, có căn vị trí đẹp có giá gần 100 triệu đồng/m2.

Trước thực tế giá bất động sản tăng cao, nhất là nhà chung cư, Bộ Xây dựng đánh giá điều này đang gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.

Gỡ pháp lý “cởi trói” nguồn cung 

Trong các hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản, Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu lại phân khúc và giảm giá nhà.

Đây cũng là kiến nghị của nhiều chuyên gia trong đó vấn đề quan trọng cần phải giải quyết hiện nay là tình trạng lệch pha cung - cầu của thị trường bất động sản nằm ở những ách tắc trong pháp lý. Vì vậy, lối ra của thị trường trước tiên là pháp lý.

Trong khi đó Luật sư Nguyễn Hoàng Nhật Thi - Công ty luật T&P cho rằng quy định về "đất ở" đang làm khó các DN.

Ông Thi dẫn số liệu có khoảng 600 dự án nhà ở thương mại trên cả nước đang gặp khó do quy định phải có đất ở hoặc một phần đất ở mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư.

Theo luật sư Thi, Điều 128 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định trường hợp để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì phải đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

“Như vậy, hiện nay chỉ có đất ở và đất phi nông nghiệp đã đóng tiền sử dụng đất hoặc đóng tiền thuê đất một lần mới được làm dự án. Với quy định này, dự án bất động sản đã "tắc" nay càng "tắc" nhiều hơn. Bởi hiện nay các dự án được phát triển trên nhiều loại đất khác nhau như đất ở, đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp... ” - ông Thi nói.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết, thực tế, các dự án nhà ở thương mại “có 100% đất ở” chỉ chiếm khoảng 1% tổng số dự án nhà ở thương mại. Số dự án “có đất ở và đất khác” chiếm đa số đến trên dưới 95% tổng số dự án nhà ở thương mại.

Trong khi số dự án có “đất khác không phải là đất ở” gồm các trường hợp chỉ có “đất nông nghiệp” hoặc chỉ có “đất phi nông nghiệp không phải là đất ở” chiếm trên dưới 5% tổng số dự án nhà ở thương mại và thường là các dự án có quy mô lớn hoặc rất lớn.

Với quy định của Điều 128 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chuyên gia cho rằng, dự án không thể triển khai, thị trường bất động sản tê liệt vì không có nguồn cung mới sẽ khiến giá bất động sản tăng cao mà người dân là người lãnh hậu quả cuối cùng. Không những vậy còn gây thiệt hại cho cả nền kinh tế.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp làm dự án 4ha ở Hà Đông (Hà Nội) và dự án ở quận 12 (TP.HCM)... nhưng đành phải từ bỏ vì theo đuổi mấy năm không được chỉ vì quy định đất ở.

Vị này cho rằng, quy định chuyển đổi đất khác sang đất ở phải có ít nhất một ít đất ở, điều này rất khó khả thi.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Hiệp hội vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến Điều 128 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong đó, Hiệp hội đề nghị rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng “đất ở” hoặc “đất ở và đất khác” hoặc “đất khác không phải là đất ở” phù hợp quy hoạch sử dụng đất, đô thị, xây dựng, chương trình phát triển nhà ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Từ đó, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn, có năng lực để đầu tư phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị có quy mô diện tích lớn lên đến hàng chục, vài chục, hàng trăm, hàng ngàn héc-ta, để vừa có kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, vừa có nhiều tiện ích, dịch vụ đô thị giải “cơn khát” nhà ở hiện nay.