Phụ huynh chặn đường đánh bạn học của con: Cần nghiêm trị!

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 19:46, 22/12/2023

Vẫn tiếp tục là bạo lực. Lần này, bạo lực không diễn ra trong khuôn viên nhà trường, mà ngoài đường. Không phải là thầy cô với học sinh hay ngược lại, cũng không phải giữa học sinh với nhau.

Một vụ bạo lực mà chỉ mới gọi tên sự việc thôi cũng đã gây bất bình, phẫn nộ chứ chưa nói đến việc theo dõi hết video trích xuất từ camera của nhà dân: "phụ huynh chặn đường đánh dã man bạn học cùng lớp với con".

L.G.K. (14 tuổi) đang học trường THCS thị trấn La Hà (huyện Tư Nghĩa), có mâu thuẫn với bạn học là con ông Phan Thượng Mỹ. Tuy nhiên, sự việc không dừng ở mức cãi vã, thách đố nhau giữa hai học sinh lớp 9.

K. bị bố của bạn chặn đường hành hung sau khi đi học về, bị ông Mỹ dùng đầu gối, cùi chỏ đánh liên tiếp vào đầu. Nạn nhân vì bị đánh vào mặt và đầu nên choáng, gục xuống đường và được người dân địa phương đưa đi cấp cứu, còn kẻ gây ra sự việc bỏ đi. Liên tục nôn ói, chảy máu mũi, K. phải chuyển tuyến lên bên bệnh viện tỉnh, được chẩn đoán bị tổn thương nội sọ.

Đúng - sai đã quá rõ ràng. Phan Thượng Mỹ (SN 1979) sau đó bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng để điều tra hành vi gây thương tích đối với cháu L.G.K.

Phụ huynh chặn đường đánh bạn học của con: Cần nghiêm trị! - 1

Ông Mỹ chặn đường, dùng đầu gối, cùi chỏ đánh liên tiếp vào đầu cháu K. (Ảnh cắt từ clip).

Điều khiến công chúng phẫn nộ hơn cả là thái độ của ông Mỹ và gia đình đối với vụ việc. Trong khi gia đình cháu K. không muốn làm lớn chuyện, nhà trường đề nghị gia đình ông Mỹ nhận lỗi, cùng chăm sóc cháu K. và tìm hướng giải quyết thì vợ chồng ông Mỹ không hợp tác, không nhận lỗi. Vợ ông Mỹ còn gọi điện cho hiệu trưởng giải thích chồng bị cháu K. đánh trước mới đánh lại.

Một người đàn ông trưởng thành có hành vi sai trái, để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng không nhận ra lỗi sai. Và đáng buồn và thất vọng hơn nữa khi vợ ông Mỹ không những không thức tỉnh chồng mà còn nhìn nhận sự việc một cách lệch lạc.

Theo thông tin báo chí, trước khi bị hành hung, cháu K. bị đổ oan lấy máy tính của bạn. Trong cả 2 lần đó, phía K. và gia đình cháu đều bị khước từ yêu cầu xin lỗi. Tôi thật sự không thể lý giải nổi, lời xin lỗi sao lại quá khó khăn để nói ra đến vậy!

rtge.jpg
Cần ngăn chặn bạo lực với học sinh.

Nếu như con ông Mỹ xin lỗi bạn ngay từ đầu thì sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc phía sau. Và nếu như sau khi ông Mỹ, cứ cho là vì quá nóng giận, mà đánh K. đến mức phải nhập viện, biết nhận sai với thái độ chân thành, biết khẩn trương khắc phục hậu quả, thì có lẽ không để lại bức xúc lớn như vậy với gia đình cháu K. nói riêng và cộng đồng, dư luận nói chung.

Ở trên, chúng tôi đánh giá vợ ông Mỹ có sự nhìn nhận vấn đề lệch lạc, ở chỗ: Đánh người không bao giờ là cách đúng đắn để giải quyết mâu thuẫn, đặc biệt là đánh trẻ em đến mức nhập viện, kể cả trong trường hợp đứa trẻ có sai chăng nữa (mà ở tình huống này, rõ ràng camera không hề cho thấy cháu K. động thủ trước).

Bản thân tôi, một phụ nữ có con đang tuổi đi học, cũng đã phải mất nhiều thời gian trăn trở để tìm cách giải quyết khi con bị bắt nạt ở trường hay có những vấn đề xích mích, mâu thuẫn bạn bè. Tôi hiểu rằng, việc "xù lông" bảo vệ con cái là phản xạ bản năng, nguyên thủy, nhưng người lớn chúng ta có sự từng trải và hiểu biết tích lũy trong cuộc sống, ta không thể cũng ứng xử một cách bộc phát như con trẻ. Bạo lực sẽ chỉ khiến mọi việc có xu hướng tệ hơn!

Làm một người cha, người mẹ mẫu mực chưa bao giờ là dễ, nhưng đã sinh ra những đứa trẻ, ta buộc phải học cách làm cha mẹ mỗi ngày, phải tự sửa mình qua từng chi tiết nhỏ, từ câu chào, lời cảm ơn, xin lỗi… Mỗi gia đình, mỗi người có phương pháp giáo dục riêng với con cái, nhưng trước hết, bản thân ta cần là một người đàng hoàng, tử tế, một công dân tốt.

Hi vọng sức khỏe cháu K. sớm hoàn toàn hồi phục, chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm minh với trường hợp ông Phan Thượng Mỹ để không chỉ gia đình ông Mỹ biết nhận ra sai lầm và hối cải, mà còn là bài học răn đe những người còn mang tư tưởng bạo lực trong xã hội. Bởi lẽ, một khi bạo lực được coi là điều bình thường thì môi trường sống sẽ mất đi tính an toàn.

Phụ huynh chỉ đơn thuần mong muốn con, em mỗi ngày bước ra khỏi cửa nhà đều bình an, vui vẻ, nhưng một khi bạo lực hiện hữu thì sự an toàn của trẻ luôn bị đe dọa. Con tôi, con bạn hay bất cứ người thân nào của chúng ta đều gặp rủi ro và cần bảo vệ. Do đó, giáo dục trong cộng đồng về phòng chống bạo lực rất quan trọng.

Ngay cả với môi trường gia đình, cho dù xã hội đã phát triển nhưng thực tế tình trạng vũ phu, bạo hành người thân, con cái vẫn tồn tại và nhức nhối. Trong khi đó, ý thức cộng đồng về bảo vệ người bị bạo lực hay ý thức của mỗi cá nhân về bảo vệ chính mình chưa thực sự mạnh mẽ. Tâm lý dĩ hòa vi quý, đóng cửa bảo nhau, né tránh… vô hình trung dung túng và bao che cho bạo lực tiếp diễn.

Luật pháp hiện đã có những quy định cụ thể từ phạt hành chính cho đến xử lý hình sự với các hành vi bạo lực. Trong đó, hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ… con cái cũng có thể bị phạt tiền, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) hay Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134).

Sống trong xã hội, mỗi cá nhân đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật về hành vi, không ai là "bố đời", là "thầy thiên hạ", cũng không ai được phép tự cho mình quyền dùng bạo lực "dạy dỗ" người khác. Đừng để "chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ", một khi đã động tay động chân gây ra hậu quả thì mọi sự đã rồi.

Cùng với sự tuân thủ luật pháp, để loại bỏ bạo lực phải đi từ gốc là giáo dục, bao gồm cả giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Nhân cách trẻ chịu ảnh hưởng từ chính mỗi lời nói và hành động của người lớn, nếu thầy cô không điều chỉnh cách dạy dỗ trẻ, nếu ông bà, bố mẹ thiếu đi sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau thì rất khó yêu cầu từ trẻ sự "ngoan ngoãn, nghe lời".

Tương lai của thế hệ con cái phụ thuộc vào hành xử của chúng ta lúc này, ngay hôm nay.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.