Những sản phẩm công nghệ đình đám bị 'khai tử' trong năm 2023

Đi chợ công nghệ - Ngày đăng : 20:28, 21/12/2023

Năm 2023 ghi dấu sự xuất hiện của nhiều sản phẩm công nghệ mới, tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít những "tên tuổi" trong làng công nghệ cũng bị "khai tử". Dưới đây là những cái tên tiêu biểu nhất.
Những sản phẩm công nghệ đình đám bị

Elon Musk chấm dứt tên gọi mạng xã hội Twitter và biểu tượng chim xanh quen thuộc

Vào tháng 10/2022, Elon Musk đã chi ra 44 tỷ USD để thâu tóm mạng xã hội Twitter và biến Twitter trở thành công ty tư nhân. Kể từ thời điểm đó, Elon Musk đã có hàng loạt những sự thay đổi về cách thức hoạt động của mạng xã hội Twitter, theo đúng sở thích của vị tỷ phú này.

Biểu tượng chim xanh quen thuộc của Twitter đã bị biến thành chữ

Biểu tượng chim xanh quen thuộc của Twitter đã bị biến thành chữ "X" theo ý muốn của Elon Musk (Ảnh: Getty).

Đỉnh điểm của sự thay đổi đó là vào tháng 7 vừa qua, Elon Musk đã quyết định chấm dứt sử dụng biểu tượng chú chim xanh và tên gọi Twitter quen thuộc, thay vào đó đổi tên Twitter thành X và biến logo mạng xã hội này thành chữ X màu đen trắng.

Đây không phải là lần đầu tiên Twitter thay đổi biểu tượng. Tuy nhiên, dù thay đổi ra sao thì các biểu tượng trước đây của Twitter đều liên quan đến chú chim màu xanh từ khi mới thành lập vào năm 2006, cho đến khi Elon Musk chính thức mua lại và nắm toàn bộ quyền sở hữu Twitter.

Sở dĩ Twitter gắn liền với biểu tượng chú chim ngay từ khi mới thành lập là vì Twitter có nghĩa "tiếng hót líu lo" trong tiếng Anh, còn các đoạn thông điệp đăng trên Twitter được gọi là "tweet" (nghĩa là "tiếng ríu rít của chim non" trong tiếng Anh).

Việc Elon Musk thay đổi biểu tượng và tên gọi quen thuộc gắn liền với Twitter suốt 17 năm qua đã khiến nhiều người yêu thích mạng xã hội này cảm thấy tiếc nuối.

Netflix ngừng tính năng chia sẻ tài khoản

Trước đây, người dùng Netflix thường sử dụng tính năng chia sẻ tài khoản để nhiều người có thể sử dụng chung một tài khoản, giúp giảm giá thành khi mua các gói cước của Netflix. Tuy nhiên, đến tháng 7 vừa qua, Netflix bắt đầu ngừng tính năng chia sẻ tài khoản, chỉ cho phép một tài khoản được sử dụng bởi các thành viên trong cùng gia đình.

Việc Netflix dừng tính năng chia sẻ tài khoản khiến nhiều người dùng tại Việt Nam không hài lòng (Ảnh minh họa: Reddit).

Việc Netflix dừng tính năng chia sẻ tài khoản khiến nhiều người dùng tại Việt Nam không hài lòng (Ảnh minh họa: Reddit).

Netflix sẽ sử dụng các công nghệ, thuật toán nhận diện để phát hiện và theo dõi việc chia sẻ tài khoản. Nếu hệ thống xác định rằng một tài khoản đang được sử dụng đồng thời từ nhiều địa điểm khác nhau, tài khoản người dùng có thể bị khóa và ngừng cung cấp dịch vụ.

Việc Netflix ngừng tính năng chia sẻ tài khoản đã gây khó cho người dùng Netflix tại Việt Nam, khi trước đây nhiều người thường mua chung tài khoản sử dụng với bạn bè để giảm giá thành gói dịch vụ.

Kính thông minh Google Glass chính thức bị đặt dấu chấm hết

Google công bố chiếc kính thông minh Glass đầu tiên của mình vào tháng 4/2012. Đây là sản phẩm mang tính đột phá vào thời điểm đó nhờ thiết kế độc đáo và các tính năng thông minh. Đến 15/4/2013, Google Glass được bán ra tại Mỹ với số lượng có hạn. Sản phẩm có giá lên đến 1.500 USD.

Kính thông minh của Google từng được kỳ vọng sẽ mở ra một phân khúc sản phẩm công nghệ hoàn toàn mới (Ảnh: Google).

Kính thông minh của Google từng được kỳ vọng sẽ mở ra một phân khúc sản phẩm công nghệ hoàn toàn mới (Ảnh: Google).

Sau hơn 10 năm phát triển, Google Glass không được thương mại hóa và đã chính thức đóng cửa bộ phận phát triển sản phẩm vào ngày 15/9 vừa qua.

Nguyên do khiến Google quyết định ngừng phát triển mẫu sản phẩm đầy hứa hẹn này là vì giá thành cao, thời lượng pin ngắn và những lo ngại Google Glass có thể bị sử dụng làm thiết bị quay lén, ảnh hưởng đến sự riêng tư…

Lenovo dừng phát triển dòng smartphone chơi game Legion

Smartphone chơi game là phân khúc smartphone có nhiều sự cạnh tranh mạnh mẽ, với các sản phẩm sở hữu thiết kế vẻ ngoài hầm hố, cấu hình cao… nhằm đáp ứng nhu cầu của các game thủ.

Lenovo sẽ không tiếp tục cuộc đua trên phân khúc smartphone chơi game (Ảnh: Lenovo).

Lenovo sẽ không tiếp tục cuộc đua trên phân khúc smartphone chơi game (Ảnh: Lenovo).

Tuy nhiên, khi các mẫu smartphone thông thường đang được trang bị cấu hình ngày càng cao, ngày càng nhiều thiết bị chơi game cầm tay được ra đời, đặc biệt iPhone trở thành chiếc smartphone được nhiều game thủ yêu thích và lựa chọn, buộc các hãng smartphone phải dần rút lui khỏi phân khúc smartphone chơi game và tập trung vào phân khúc smartphone truyền thống.

Đó chính là những lý do Lenovo đã phải dừng phát triển dòng smartphone chơi game Legion của hãng. Tuy nhiên, thương hiệu Legion đã không bị biến mất hoàn toàn, khi Lenovo vẫn cho ra mắt chiếc máy chơi game cầm tay với tên gọi Legion Go.

Trợ lý ảo Cortana trên Windows bị thay thế

Cortana là trợ lý ảo được Google giới thiệu lần đầu tiên trên nền tảng di động Windows Phone 8.1 vào năm 2014. Đây được xem như công cụ để Microsoft cạnh tranh với Google Assistant trên nền tảng Android và Siri của iOS. Microsoft sau đó tiếp tục trang bị Cortana lên hệ điều hành Windows 10 và 11 dành cho máy tính.

Trợ lý ảo Cortana đã bị Microsoft thay thế bằng Copilot với nhiều tính năng thông minh hơn (Ảnh: FDN).

Trợ lý ảo Cortana đã bị Microsoft thay thế bằng Copilot với nhiều tính năng thông minh hơn (Ảnh: FDN).

Cuối tháng 9 vừa qua, Microsoft chính thức giới thiệu trợ lý ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo Copilot. Công cụ này cho phép trả lời nhanh các câu hỏi, lên ý tưởng, tìm kiếm các nội dung trên internet hoặc ra lệnh để kích hoạt nhanh các phần mềm trên Windows. Người dùng có thể sử dụng trực tiếp Copilot từ màn hình Windows mà không cần phải cài đặt thêm phần mềm hay công cụ nào khác.

Copilot ban đầu chỉ dành riêng cho người dùng Windows 11, nhưng sau đó Microsoft đã cho phép người dùng Windows 10 sử dụng tính năng này. Kể từ thời điểm Copilot xuất hiện, Microsoft cũng đã quyết định dừng cung cấp trợ lý ảo Cortana trên Windows.

Youtube đóng cửa tính năng Stories

Youtube Stories cũng tương tự tính năng "Tạo tin" trên Facebook hay Instagram. Với tính năng này, Youtube cho phép người dùng tạo những đoạn video ngắn và sẽ biến mất sau một khoảng thời gian.

Youtube buộc phải dừng tính năng Stories vì không được người dùng ủng hộ (Ảnh: IDN).

Youtube buộc phải dừng tính năng Stories vì không được người dùng ủng hộ (Ảnh: IDN).

Tính năng này được Youtube giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2017, nhưng không được người dùng hưởng ứng, bởi lẽ khác với Facebook hay Instagram, người dùng Youtube muốn những video mình chia sẻ luôn tồn tại để có được nhiều lượt xem, thay vì chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và biến mất.

Không được người dùng ủng hộ, cuối cùng Youtube đã quyết định đóng cửa tính năng Stories vào ngày 26/7 vừa qua.

Đóng cửa ứng dụng nhắn tin Messenger Lite

Năm 2014, Facebook đã đưa ra một quyết định gây nhiều tranh cãi khi tách tính năng nhắn tin Messenger ra khỏi ứng dụng chính, buộc người dùng phải cài đặt thêm ứng dụng Messenger nếu muốn gửi và nhận tin nhắn từ Facebook trên smartphone.

Messenger Lite không tiếp tục hoạt động vì smartphone ngày nay đã có cấu hình mạnh mẽ hơn (Ảnh: Facebook).

Messenger Lite không tiếp tục hoạt động vì smartphone ngày nay đã có cấu hình mạnh mẽ hơn (Ảnh: Facebook).

Động thái này của Facebook đã gây ra nhiều tranh cãi, khi không ít smartphone cấu hình yếu không thể cài đặt thêm ứng dụng Messenger để sử dụng. Nhận thấy điều này, vào năm 2016, Facebook đã phát hành Messenger Lite, phiên bản ứng dụng Messenger nhỏ nhẹ dành cho smartphone cấu hình yếu.

Tuy nhiên, giờ đây khi mà cấu hình smartphone ngày càng được nâng cao, ngay cả với những mẫu smartphone tầm trung và giá rẻ, Meta (công ty mẹ của Facebook) đã quyết định đóng cửa Messenger Lite và khuyến khích người dùng chuyển sang dùng phiên bản ứng dụng Messenger với đầy đủ tính năng.

Trang web nhắn tin Omegle ngừng hoạt động

Omegle là một trang web nhắn tin, sẽ tự động kết nối ngẫu nhiên 2 người dùng với nhau để nói chuyện, làm quen và kết bạn. Người dùng Omegle có thể hoạt động ẩn danh và không cần đăng ký tài khoản. Đến năm 2010, Omegle chuyển sang hình thức gọi điện video, thay vì nhắn tin bằng văn bản truyền thống.

Không ít người dùng tại Việt Nam đã sử dụng Omegle như một công cụ để tìm kiếm bạn nước ngoài và luyện giao tiếp bằng tiếng Anh (Ảnh: Imgs).

Không ít người dùng tại Việt Nam đã sử dụng Omegle như một công cụ để tìm kiếm bạn nước ngoài và luyện giao tiếp bằng tiếng Anh (Ảnh: Imgs).

Omegle được ra mắt vào năm 2009, bởi thiếu niên người Mỹ 18 tuổi Leif K-Brooks. Ngay sau khi được ra mắt, Omegle đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng và thu hút hơn 150.000 lượt truy cập mỗi ngày sau một thời gian ngắn xuất hiện.

Tuy nhiên, Omegle cũng đã phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích khi không thể kiểm soát nội dung. Nhiều người đã lợi dụng trang web này để phát tán các nội dung kích động, bạo lực, khiêu dâm…

Ngày 8/11 vừa qua, Leif K-Brooks đã quyết định đóng cửa Omegle sau khi phải hứng chịu nhiều vụ kiện nhằm vào trang web này vì các nội dung tiêu cực bị chia sẻ trên đó.

Hội chợ game lớn nhất thế giới E3 chính thức bị đóng cửa

Hội chợ game lớn nhất thế giới E3 (viết tắt của Electronic Entertainment Expo - Triển lãm Giải trí Điện tử) từng là nơi quy tụ những nhà phát triển game hàng đầu thế giới. Không ít tựa game nhiều người yêu thích đã được giới thiệu tại hội chợ này.

E3, được tổ chức bởi ESA (Hiệp hội Phần mềm Giải trí), từng là một trong những sự kiện game và công nghệ lớn nhất thế giới, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách ghé thăm.

E3 đã chính thức bị đóng cửa sau những nỗ lực bất thành của nhà tổ chức nhằm vực dậy hội chợ này (Ảnh: Getty).

E3 đã chính thức bị đóng cửa sau những nỗ lực bất thành của nhà tổ chức nhằm vực dậy hội chợ này (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát vào năm 2020 buộc hội chợ này phải tạm dừng. Năm 2021, hội chợ này được tổ chức trở lại, nhưng đã bị lụi tàn khi các nhà phát triển game muốn tổ chức các sự kiện riêng để giới thiệu sản phẩm của mình, thay vì tiếp tục tham dự E3.

Mới đây, ESA đã ra thông báo quyết định đóng cửa E3 và sẽ không tiếp tục tổ chức sự kiện này trong tương lai.