Việt Nam đang dự trữ hơn 400.000 liều vaccine COVID-19, ai cần tiêm?
Tin Y tế - Ngày đăng : 16:56, 21/12/2023
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết: Số vaccine COVID-19 này dự trữ cho những vùng có ổ dịch, có nguy cơ cao. Theo khuyến cáo chuyên môn, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như cán bộ y tế, người có bệnh nền, người mắc bệnh mạn tính... thì nên tiêm mũi 4. Chương trình tiêm chủng mở rộng đang bảo quản chặt chẽ, đúng quy trình số vaccine COVID-19 trên.
Với việc tiêm vaccine COVID-19, kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025 của Bộ Y tế nêu rõ, việc xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vaccine phòng chống COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng. Ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao.
Lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện chưa có khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 hàng năm, tuy nhiên dựa trên những yếu tổ thực tiễn như biến chủng mới của COVID-19 thì có thể có khuyến cáo mới tiếp theo. Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 của năm 2023, hiện việc tiêm vaccine COVID-19 vẫn miễn phí.
Hiện nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19 và là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 đã giúp Việt Nam chuyển từ giai đoạn Zero COVID-19 sang giai đoạn thích ứng an toàn hiệu quả, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, miễn dịch của vaccine COVID-19 không thật bền vững. Sau 4-6 tháng, miễn dịch giảm đi rất nhiều và cần tiêm nhắc lại. Lịch tiêm nhắc lại được khuyến cáo tiêm sau mũi cuối cùng đã tiêm khoảng 6 tháng. Do đó, một liều vaccine bổ sung có thể cải thiện khả năng bảo vệ chống lại COVID-19. Việc cung cấp liều vaccine bổ sung này có thể giúp bạn có đáp ứng miễn dịch tương tự như nhóm người bình thường khác.
Vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong. Trong thời gian qua, với việc triển khai rộng rãi tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho toàn dân, số ca mắc mới, số chuyển nặng có xu hướng giảm so với thời điểm vaccine chưa bao phủ rộng rãi.
Ngoài ra, WHO vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vaccine COVID-19, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối với các đối tượng từ 5 tuổi trở lên và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho cá nhân và những người xung quanh. Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm nhắc các liều tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh.
Đối với trường hợp của bạn đã hoàn thành tiêm mũi 4 nghĩa là bạn đã chủ động tiêm chủng phòng bệnh. Hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn tiêm mũi nhắc lại lần 3 (mũi 5).Bên cạnh việc tiêm vaccine, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ nguyên tắc bảo vệ cho mình và người khác tại nơi công cộng bằng cách đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên.
Ngày 20.12.2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, vừa phân loại biến thể virus SARS-CoV-2 mới JN.1 là “biến thể đáng quan tâm”.
JN.1 có nguồn gốc từ BA.2.86, biến thể phụ của Omicron. Biến thể này có một đột biến khác biệt ở protein gai (chịu trách nhiệm xâm nhập và lây nhiễm tế bào) và các đột biến tại những vùng khác.Theo WHO, JN.1 không gây quá nhiều mối đe dọa đối với cộng đồng. Tuy nhiên, các quốc gia nên lưu ý COVID-19 cùng với các mầm bệnh khác trong mùa đông có thể tạo nên đợt dịch bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng đến hệ thống y tế.