Bi kịch của người đàn ông ép vợ sinh 11 con trong 16 năm
Gia đình - Ngày đăng : 18:24, 20/12/2023
Ngày nay, cuộc sống hiện đại nhiều áp lực và căng thẳng, phần lớn mọi người đều rất thận trọng trong việc sinh con. Nhiều gia đình ở Trung Quốc chỉ sinh 1 con.
Thế nhưng, có một cặp vợ chồng sống ở tỉnh Tứ Xuyên sinh 11 đứa con trong 16 năm. Người mẹ tên Trương Hạnh Tử, cô cùng với các con cảm thấy khổ sở với cuộc sống nghèo túng và đông con như vậy, chỉ có người cha là Hạ Hồng tỏ ra thích thú.
Tại sao người cha lại muốn có nhiều con trong khi gia cảnh khốn khó, làm thế nào gia đình này có thể sống được trong hoàn cảnh như vậy?
2 vợ chồng sinh con không ngừng
Năm 1995, Trương Hạnh Tử đến Thượng Hải. Do không có trình độ văn hóa cũng như chuyên môn, cộng với xuất thân từ một vùng núi nghèo, cô chỉ có thể làm những công việc tay chân như bồi bàn, dọn dẹp, phụ bếp…
Trong thời gian đó, cô Trương gặp anh Hạ, cũng là một người bỏ học sớm. Sau một thời gian yêu nhau, 2 người kết hôn, cô Trương theo chồng về quê và trở thành bà nội trợ.
Hai vợ chồng nhanh chóng có đứa con đầu lòng. Do cháu bé là con gái, anh Hạ không hài lòng nên ép vợ nhanh sinh đứa thứ 2. Lý do rất đơn giản, hầu như gia đình nào ở nông thôn cũng cần con trai để nối dõi tông đường, bản thân anh Hạ cũng nghĩ như vậy.
Một năm sau, cô Trương sinh một bé trai, gia đình đủ nếp đủ tẻ khiến cô rất vui mừng. Cô nghĩ rằng, bây giờ mình đã có thể yên tâm làm ruộng, sống cuộc đời bình yên ở quê.
Cô không ngờ rằng, hành trình sinh con của mình chỉ mới bắt đầu. Kể từ năm 1998, cô Trương cứ cách 1 hoặc 2 năm lại sinh một đứa con. Khi những đứa trẻ lần lượt ra đời, hàng xóm mới biết đến hoàn cảnh của gia đình cô, thậm chí những người xung quanh còn quen với việc nhìn thấy bụng bầu của cô.
Với số lượng con cái ngày càng tăng qua từng năm, gia đình anh Hạ đương nhiên không thể tiết kiệm tiền, cuộc sống ngày càng khó khăn. Cô Trương cũng nhiều lần nói với chồng mình không muốn sinh thêm nhưng anh Hạ kiên quyết từ chối.
Lý do anh đưa ra cũng rất kỳ lạ, đó là tiết kiệm tiền không thực tế bằng có con, nhà đông con về già sẽ rất hạnh phúc.
Tính đến năm 2011, vợ chồng đã có 11 người con.
Cuộc sống vất vả trăm bề
Gia đình anh Hạ (lúc này phải gọi là ông Hạ) vốn làm nghề nông là chính, 13 người sống chen chúc trong 1 căn nhà gạch. Hơn nữa, 11 đứa trẻ là 11 miệng ăn, cuộc sống khốn khổ vô cùng.
Những đứa trẻ chưa từng có được một bữa ăn ngon, hiếm khi nào được no bụng. Hàng xóm xung quanh thấy những đứa trẻ thật đáng thương, thỉnh thoảng cho chúng một ít đồ ăn.
Ngoài việc không đủ ăn, bọn trẻ còn không đủ quần áo mặc, hầu hết đều do hàng xóm cho đồ cũ. Điều xót xa nhất là ông Hạ không hề quan tâm tới việc nuôi dạy con cái, chưa bao giờ để ý con mình đau ốm như thế nào. Bọn trẻ không được cha mẹ dạy cách ứng xử, thậm chí không đảm bảo được vệ sinh cơ bản ở nhà.
Nhà cửa lúc nào cũng bốc mùi hôi, không biết đã bao lâu không được dọn dẹp. Những đứa em nhỏ thường được 2 anh chị đầu chăm sóc là chính.
Trong một lần đưa các con tới hội chợ, ông Hạ cãi nhau rồi đánh nhau với một trong những đứa con. Cuối cùng, ông không kìm được cơn nóng giận, dùng dao đâm con tử vong.
Sự việc này khiến gia đình tan vỡ, ông Hạ bị kết án tù chung thân. Dưới sự sắp xếp của chính quyền, những đứa trẻ trong gia đình được cho đi học.
Nhưng bi kịch vẫn chưa kết thúc. Nghèo đói kéo dài khiến người con gái đầu lòng bỏ học để lên thành phố làm việc, từ đó mất liên lạc với gia đình. Thỉnh thoảng, cô gửi tiền về như một cách chứng minh mình vẫn còn sống.
Tại sao Hạ Hồng lại sinh nhiều con?
Nhiều người không hiểu tại sao ông Hạ lại muốn sinh nhiều con như vậy trong khi gia đình quá nghèo.
Đối với người dân thành phố, việc có con là điều vô cùng quan trọng. Họ không muốn con mình phải sống khổ sở nên gắng sức nuôi dạy, giáo dục con nên người.
Có thể nói rằng, tâm lý “con hơn cha là nhà có phúc” đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người. Đồng thời, chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố cũng khiến người dân không muốn sinh nhiều con.
Nhưng đối với Hạ Hồng thì hoàn toàn ngược lại. Ông xem việc có thêm con như thêm 1 đôi đũa trên mâm cơm, hoàn toàn không quan tâm đến chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, ông cho rằng đứa lớn sẽ tự chăm sóc đứa nhỏ, cứ thế lặp lại cái vòng luẩn quẩn sinh con liên tục.
Cuộc sống nghèo khổ, tranh nhau từng miếng ăn cái mặc khiến những đứa con vô cùng đau khổ. Bọn trẻ bi quan về tương lai, mơ hồ về hiện tại, chỉ cần mở mắt ra đã thấy cái nghèo bủa vây khắp nơi.
Đứa con trai thứ 2 từng chia sẻ: “Nếu có thể, tôi ước mình không được sinh ra trên cõi đời này”.
Phan Hằng