Hai từ khóa đầu tư vào giáo dục: Tiền và con người!
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 13:55, 19/12/2023
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu như trên tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (hôm 14/12).
Như lời Bộ trưởng nói, giáo dục và đào tạo 10 năm qua đã có những đổi mới to lớn, chuyển biến tích cực nhờ nghị quyết 29. Vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiến nghị tiếp tục kiên trì định hướng đổi mới.
Tuy nhiên, có thể nói chặng đường 5 năm, 10 năm tiếp theo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề mới, đòi hỏi sự quan tâm lớn hơn đối với ngành Giáo dục và bản thân toàn ngành phải nỗ lực nhiều hơn.
Ở đây xin bàn về hai từ khóa Bộ trưởng nêu ra.
Thứ nhất là tiền.
Chúng ta xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu và ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo phải đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo thống kê thì trong 10 năm qua, chi cho giáo dục, đào tạo chỉ ở mức 15,7-19,1%, nghĩa là chưa đạt mức tối thiểu.
Rõ ràng nhiều tỉnh, thành phải xem lại con số chi của địa phương mình. Thứ nhất là xem đã chi tối thiểu 20% chưa. Thứ hai trong số đã chi có gì còn lãng phí, chưa hiệu quả để đề ra biện pháp khắc phục. Bản thân ngành Giáo dục cũng cần rà soát lại các khoản đầu tư lớn của ngành, xem hiệu quả ra sao.
Xin nhấn mạnh 20% chỉ là tỷ lệ tối thiểu. Chúng ta cần nhìn giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bao gồm sự cạnh tranh về nguồn nhân lực. Chi cho giáo dục, đào tạo khiêm tốn thì dĩ nhiên kết quả nhận được sẽ khiêm tốn.
Bên cạnh đầu tư từ ngân sách Nhà nước, ngành Giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, tham mưu các chính sách tạo đột phá trong việc huy động nguồn lực cho giáo dục, đào tạo.
Nhìn ra thế giới, Mỹ là một nước giàu, nhưng đầu tư cho giáo dục không chỉ trông chờ vào ngân sách liên bang hay tiểu bang, hay túi tiền của phụ huynh, mà tới từ các loại quỹ vô cùng đa dạng. Ví dụ như nhiều trường ở Mỹ có quỹ hiến tặng của các cựu học sinh nay đã thành đạt, đóng góp của các tỷ phú.
Năm 2022, Đại học Fulbright Việt Nam nhận được khoản tài trợ 40 triệu USD từ 8 nhà hảo tâm. Đây là khoản tài trợ tư nhân lớn nhất mà một trường Đại học Việt Nam nhận được từ trước đến nay, nhưng có thể nói là vẫn còn ít ỏi nếu nhìn ra thế giới với những khoản tài trợ lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ USD.
Nhà trường ở các nước phát triển cũng rất năng động trong việc thu hút nguồn đầu tư của doanh nghiệp, các quỹ thiện nguyện cung cấp học bổng cho học sinh, sinh viên. Rồi nguồn quỹ đến từ hợp đồng Chính phủ ký kết với các đại học, thuê nghiên cứu sản phẩm và dịch vụ; nguồn thu của các trường do có nhiều phát minh, sáng chế…
Có thể nói là nguồn lực đầu tư cho giáo dục ở các nước phát triển là rất đa dạng, phong phú. Chúng ta cần nghiên cứu và bổ sung hành lang pháp lý, xây dựng văn hóa xã hội để dần đi đến những cách thức huy động nguồn lực văn minh, lành mạnh như vậy.
Vấn đề tiếp theo liên quan đến tiền, là nguồn lực đầu tư của mỗi gia đình, của các vị phụ huynh. Người dân Việt Nam rất hiếu học và đa phần sẵn sàng đầu tư ở mức nhiều nhất có thể cho con em mình ăn học thành tài. Theo báo cáo của Tập đoàn HSBC vào năm 2017, cha mẹ người Việt chi tiêu cho giáo dục chiếm tới 47% tổng chi tiêu của gia đình.
Nguồn chi tiêu trên chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất trên cơ sở một hệ thống chính sách giáo dục khoa học, minh bạch và hiệu quả. Ví dụ nguồn chi tiêu cho giáo dục của mỗi gia đình sẽ bị lãng phí phần nào, nếu chúng ta không có chính sách tốt và biện pháp quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hoặc là ngăn chặn "loạn" sách tham khảo.
Một chương trình giáo dục hiệu quả, ổn định, không bị "xoay như chong chóng" chính là cách sử dụng nguồn lực tốt nhất, không chỉ với ngân sách Nhà nước mà cả với ngân sách của mỗi gia đình.
Thứ hai là con người.
Chúng ta thực hiện phương châm lấy học trò làm trung tâm, nhưng khi nói đến nguồn lực con người trong Giáo dục thì đầu tiên phải nói đến đội ngũ giáo viên. "Không thầy đố mày làm nên". Muốn phát triển giáo dục phải đầu tư cho người thầy, đây là điều mà các nước trên thế giới đều đang thực hiện.
Campuchia, quốc gia láng giềng của chúng ta, khi đưa ra chiến lược giáo dục 5 năm thì họ nêu ra 8 điểm rất rõ ràng. Trong đó, điểm đầu tiên là cải cách trường công, nâng lương giáo viên đi cùng với chất lượng. Sau đó mới tới tập trung dạy học sinh khoa học, công nghệ và áp dụng kỹ thuật số, tạo thêm cơ sở thực hành thực tập công nghệ trong học đường để có một nguồn nhân lực tốt cho quốc gia có thể hội nhập toàn cầu...
Tại một phiên thảo luận của Quốc hội vào tháng 5/2023, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu con số lương công chức Việt Nam hiện trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong khi Thái Lan là 56,7 triệu đồng/tháng, Malaysia là 29 triệu đồng/tháng, Campuchia là 17 triệu đồng/tháng… Chúng ta cũng biết rằng trong số hàng chục nghìn công chức, viên chức xin nghỉ việc thời gian qua thì những người làm trong ngành Giáo dục, Y tế chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Vài số liệu và thực tế nêu trên để nói rằng thu nhập của công chức, viên chức nước ta nói chung, của đội ngũ giáo viên nói riêng còn khiêm tốn. Hy vọng đợt cải cách tiền lương tới đây sẽ cải thiện phần nào.
Chúng ta không hy vọng mọi sự thay đổi tích cực ngay sau một đêm. Nhưng ít nhất khi nhìn ra vấn đề, nhìn ra từ khóa thì chúng ta phải hành động để "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" không chỉ là khẩu hiệu.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...