Đối tác Nhật cam kết thúc đẩy tái cấu trúc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn
Nhịp sống - Ngày đăng : 20:23, 18/12/2023
Cam kết này được đưa ra sau đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 18/12, trong cuộc tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cố vấn đặc biệt Nội các phụ trách hỗ trợ đầu tư, kinh doanh nước ngoài, triển khai Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng "0" (AZEC) của Chính phủ Nhật Bản.
Thủ tướng đề nghị JBIC với vai trò là một bên cho vay chính tiếp tục tích cực tham gia tái cấu trúc dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhất là tái cấu trúc khoản vay cho dự án với lãi suất thấp hơn (trả trước các khoản nợ với lãi suất cao), nhằm tiết giảm chi phí tài chính, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của dự án (vẫn đang lỗ).
Trong chuyến công tác tại Nhật lần này, Thủ tướng đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhất trí thành lập nhóm điều phối chung giữa hai Chính phủ để thúc đẩy tiến độ và hiệu quả của một số dự án kinh tế đang triển khai giữa hai nước, trong đó có dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Thủ tướng cũng đồng thời gặp lãnh đạo tập đoàn Idemitsu - bên tham gia đầu tư dự án, với quan điểm cần tiến hành tái cấu trúc tổng thể dự án (về nguồn vốn - lãi suất, quản trị - nhân sự và các yếu tố đầu vào như dầu thô, sử dụng điện…).
Cho rằng Thủ tướng đã dành quan tâm đặc biệt với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, Chủ tịch JBIC cho biết ngân hàng này và cá nhân ông coi đây là công việc quan trọng.
Ông cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, thúc đẩy các bên liên quan, trong đó có Công ty Bảo hiểm xuất khẩu và đầu tư Nippon (NEXI) trong việc đàm phán để tiến hành tái cấu trúc, giải quyết các vấn đề liên quan dự án, tìm phương án tốt nhất cho phía Việt Nam.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Masayuki Hyodo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sumitomo. Đây là tập đoàn đa ngành, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, năng lượng, thành phố thông minh, sản xuất linh kiện điện tử, tài chính…
Tại Việt Nam, Sumitomo tham gia liên doanh đầu tư khu đô thị thông minh phía Bắc Hà Nội (4,13 tỷ USD), đầu tư các khu công nghiệp Thăng Long 1 (Hà Nội), 2 (Hưng Yên) và 3 (Vĩnh Phúc). Tập đoàn này cũng tham gia thi công EPC dự án đường sắt trong đô thị số 1 tại TPHCM; dự án nhiệt điện BOT Vân Phong 1 trị giá 2,58 tỷ USD…
Báo cáo Thủ tướng tình hình triển khai các dự án tại Việt Nam, lãnh đạo tập đoàn cũng thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh, tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại các dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị với nguồn lực, kinh nghiệm và uy tín của mình, Sumitomo tiếp tục các hoạt động đầu tư, hợp tác và tư vấn nhiều hơn nữa tại Việt Nam, với tiến độ triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Trao đổi thêm, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cho biết đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng quy định về mua bán điện trực tiếp, điện mặt trời áp mái, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án điện, năng lượng tái tạo.
"Chính phủ sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và Sumitomo nói riêng triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả và bền vững tại Việt Nam, theo hướng công khai, minh bạch, giảm thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật", theo lời Thủ tướng.
Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác lần này. Sau hoạt động này, Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Tokyo về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản.
Hoài Thu (Từ Tokyo, Nhật Bản)