Xe hợp đồng trá hình lợi dụng 'điểm mờ' qua mặt lực lượng chức năng
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:19, 18/12/2023
Đây là thông tin được thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng CSGT, công an TP Hà Nội thông tin tại toạ đàm "Quản lý xe hợp đồng, nâng cao chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở?".
Toạ đàm do Báo Giao thông tổ chức vào chiều 18/12 với sự tham gia của đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng Cục thuế, Công an TP Hà Nội, Sở GTVT TP. HCM, Sở GTVT TP Hà Nội, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cùng đại diện một số nhà xe, bến xe lớn.
Theo thống kê hiện trên cả nước có khoảng 240.000 xe kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng chiếm khoảng 70% xe vận tải hành khách. Tuy nhiên, chưa có con số chính xác số lượng xe kinh doanh hợp đồng theo hình thức trá hình.
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) cho rằng, xe hợp đồng trá hình xuất phát từ trong và sau dịch. Trong dịch, nhân việc hạn chế đi lại của người dân, một số nhà xe lợi dụng lách luật, sau dịch thấy có lợi thì phát triển. Trong khi đó, công tác quản lý chưa kịp thời, quyết liệt.
Còn theo đại diện Bến xe Miền Tây (TP.HCM), loại hình xe vận tải trá hình phát triển mạnh là do nhu cầu của hành khách, loại hình này đáp ứng được tiện ích của hành khách, lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải nên lách luật để kinh doanh.
Lý giải tình trạng xe hợp đồng trá hình bùng phát ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, do xe tuyến cố định quản lý quá chặt trong khi xe hợp đồng theo dạng chia sẻ thì gần như quá lỏng.
Còn theo Thiếu tá Trần Anh Tuấn Tuấn, Phó trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội: xe hợp đồng trá hình có nhiều hình thức hợp thức hoá hợp đồng. Các nhà xe sử dụng văn phòng đại diện, chi nhánh, văn phòng để đón trả khách ở giáp bến xe, tuyến trọng điểm.
Khi lực lượng chức năng dừng xe để kiểm tra thì các nhà xe này có nhiều chiêu trò lợi dụng kẽ hở pháp luật nhằm trốn tránh xử lý của lực lượng chức năng.
Theo Thiếu tá Tuấn, dù Hà Nội được đầu tư hệ thống camera từ sớm nhưng hiện trạng còn hạn chế, chủ yếu tập trung tuyến chính, trọng điểm, vành đai... do đó nhiều phương tiện lợi dụng những tuyến chưa có camera, những bãi đất trống để dừng đỗ, đón trả khách.
“Thậm chí ngay cả các tuyến trọng điểm nhưng nhà xe vẫn lợi dụng điểm mờ để qua mặt lực lượng chức năng như: đỗ ngay dưới chân camera giám sát, đỗ xe dưới tán cây camra che khuất để đón trả khách. Hay như các xe hợp đồng sử dụng nhiều xe nhỏ, khi gặp lực lượng chức năng thì quay xe, chuyển hướng để trốn tránh.
Có đơn vị sử dụng cộng tác viên (cò) theo dõi lực lượng chức năng để thông tin cho nhà xe, hành khách ở những vị trí đón. Những chiêu trò này khiến công tác phát hiện, xử lý vi phạm gặp nhiều thách thức”, Thiếu tá Trần Anh Tuấn nói.
Để tăng cường biện pháp xử lý xe hợp đồng trá hình, thời gian tới, lực lượng CSGT - Công an TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát; tích cực phối hợp đơn vị chức năng phát hiện, xử nghiêm các trường hợp xe chạy sai hành trình, dừng đỗ không đúng quy định, vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh bổ sung lắp đặt camera giám sát, bảo đảm hiệu quả xử lý cao nhất.
Trong khi đó, đại diện Sở GTVT TP.HCM đều cho rằng, để việc quản lý xe hợp đồng trá hình có hiệu quả hơn cần phải sâu sát hơn trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đặt vấn đề, cơ quan Nhà nước phải vào cuộc, cần có nghiên cứu đánh giá trả lời câu hỏi: Có cho phép kinh doanh vận tải theo hình thức này hay không? Nếu cho phép thì các điều kiện hoạt động ra sao?.