Bộ trưởng Ngoại giao: Cần tâm thế mới trong quan hệ với đối tác quốc tế

Nhịp sống - Ngày đăng : 18:18, 18/12/2023

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng khi thế và lực của nước ta ngày nay đã khác trên nhiều phương diện, các địa phương cần xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh nội dung trên khi phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21, tổ chức ngày 18/12 tại Hà Nội.

Nhận định từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, ông Sơn cho rằng những biến động này tác động nhiều chiều đến nước ta cũng như sự phát triển của các địa phương.

Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", công tác đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Bộ trưởng Ngoại giao: Cần tâm thế mới trong quan hệ với đối tác quốc tế - 1

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị ngày 18/12 (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam).

Ông Sơn dẫn số liệu trong 3 năm qua, các địa phương đã ký 422 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế; riêng xuất khẩu của 5 địa phương gồm TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng năm 2023 đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cách đây 10 năm.

"Những kết quả quan trọng này có được là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn, chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta; sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói, nhấn mạnh vai trò của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cơ quan đối ngoại, ngoại vụ.

Chỉ ra những giải pháp để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong công tác đối ngoại địa phương, ông Sơn cho biết cần đổi mới tư duy hơn nữa để công tác đối ngoại địa phương mang tầm chiến lược hơn, đồng bộ và sáng tạo hơn.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Ngoại giao gợi mở một số vấn đề để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương.

Một trong số đó là việc phát huy tốt thế và lực mới của đất nước để tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại địa phương một cách đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo, trong đó ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản.

Ông Sơn cho rằng với thế và lực của nước ta ngày nay đã khác so với trước trên nhiều phương diện, các địa phương cần xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu.

Bộ trưởng Ngoại giao: Cần tâm thế mới trong quan hệ với đối tác quốc tế - 2

Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu nhấn mạnh các địa phương cần đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, hiệu quả (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam).

Đánh giá về những điểm mới trong triển khai đối ngoại địa phương, Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực vẫn bất định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt mức cao và là điểm sáng trong "bức tranh màu xám" của nền kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo, thời gian qua, hợp tác quốc tế cấp độ địa phương đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Các địa phương đã ký kết 422 thỏa thuận quốc tế với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tăng 111% so với giai đoạn trước.

Số lượng đoàn lãnh đạo địa phương thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đi nước ngoài là 298 đoàn, tăng 60% so với 186 đoàn của giai đoạn trước.

Việc gia tăng về lượng và chất của các hoạt động này đã đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, quảng bá hình ảnh và tiềm năng của các địa phương.

Ngoài ra, công tác ngoại giao kinh tế phát huy vai trò là động lực quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững của các địa phương. Tổng vốn FDI trong giai đoạn 2021-2023 đạt 48,2 tỷ USD tăng 22% so với giai đoạn trước, phủ sóng tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước.

Riêng trong 11 tháng đầu năm 2023, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Về định hướng công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương trong thời gian tới, ông Hiếu khẳng định Cục Ngoại vụ tiếp tục quán triệt phương châm "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".

Theo ông, công tác đối ngoại địa phương cần tập trung vào nhiều nhiệm vụ, trọng tâm là đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, hiệu quả, thực chất theo các trọng tâm ưu tiên trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15.

Hà Mỹ