Người dân ASEAN - Nhật Bản: Đủ hiểu nhau để cùng hiện thực hóa khát vọng vươn xa

Tin đối ngoại - Ngày đăng : 10:22, 17/12/2023

Trong một bài viết mới đây trên East Asia Forum, Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế Kitti Prasirtsuk, Đại học Thammasat (Thái Lan) có bài viết nhận định về quan hệ hữu nghị ASEAN - Nhật Bản và đưa ra những gợi ý để hai bên thúc đẩy giao lưu nhân dân, trao đổi những sản phẩm văn hóa, du lịch mang bản sắc chung ASEAN - Nhật Bản.
Người dân ASEAN – Nhật Bản: Đủ hiểu nhau để cùng hiện thực hóa khát vọng vươn xa
Văn hóa Nhật Bản đã trở nên quen thuộc tại nhiều nước ASEAN. (Nguồn: East Asia Forum)

Những "mỏ neo" cho quan hệ phát triển

Theo Giáo sư Kitti Prasirtsuk, suốt 50 năm qua, quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã có nhiều sự đổi thay trong nhận thức của người dân hai bên về nhau. Trong những năm 1970, đã từng có những thử thách đối với hai bên nhưng trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã trở thành một đối tác tin cậy của ASEAN, hình ảnh đất nước Nhật Bản trở nên thân thuộc với công chúng nhiều nước ASEAN.

Ông Kitti Prasirtsuk cho rằng chính sự gắn kết, hợp tác sâu rộng về kinh tế, sự giao lưu rộng mở giữa người với người, giao thoa văn hóa được đẩy mạnh đã trở thành những “mỏ neo” quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị ASEAN-Nhật Bản ngày càng chặt chẽ.

Thông qua trao đổi văn hóa, hỗ trợ phát triển (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài và quyền lực mềm, Nhật Bản đã chiếm trọn được trái tim của người dân Đông Nam Á. Giáo sư Kitti Prasirtsuk lấy ví dụ từ những hành động ủng hộ Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011. Sau thảm họa, người dân các nước ASEAN miệt mài tổ chức các chiến dịch quyên góp ủng hộ Nhật Bản. Hỗ trợ dành cho người dân xứ sở mặt trời mọc đến từ cả các khu ổ chuột ở Bangkok, Manila hay Jakarta. Điều đó như một cử chỉ để tri ân những nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản đã đóng góp cho cộng đồng Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ.

Theo Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản, vào năm 2023, khách du lịch Đông Nam Á chiếm 1/4 trong số 1,3 triệu khách du lịch quay trở lại Nhật Bản kể từ sau đại dịch Covid-19. Mặc dù vẫn tồn tại những rào cản trong văn hóa của Nhật Bản với một số nước ASEAN, nhưng Tokyo vẫn luôn nỗ lực mở rộng thực thi chính sách ngoại giao mềm mỏng, từ đó thúc đẩy giao lưu, hiểu biết với các thành viên Hiệp hội.

Người dân ASEAN – Nhật Bản: Đủ hiểu nhau để cùng hiện thực hóa khát vọng vươn xa
Chương trình nghệ thuật chào mừng Festival ASEAN-Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh ngày 13/12. (Nguồn: TTXVN)

"Đồng sáng tạo" và lan tỏa giá trị

Năm 2023, ASEAN và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm quan hệ, theo Giáo sư Kitti Prasirtsuk, đây là dịp để hai bên thắt chặt tình hữu nghị thông qua chính sách “đồng sáng tạo” - “co-creation”. Hai nước có thể hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy hiểu biết thông qua giao lưu văn hóa đại chúng, ẩm thực, du lịch… Đây là những lĩnh vực tiềm năng để hai bên hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau.

Theo ông Kitti Prasirtsuk, giao lưu ẩm thực là khía cạnh tiềm năng để thúc đẩy các sáng kiến giao lưu văn hóa. Thịt bò Nhật Bản được bản địa hóa với các loại gia vị của Thái Lan, trong khi một số cửa hàng cơm gà Thái Lan đã được mở tại Nhật Bản. Vào năm 2022, có hơn 5.000 nhà hàng Nhật Bản ở Thái Lan, nhiều nhà hàng trong số đó thuộc sở hữu của dân địa phương.

“Hiện tượng” này cũng phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á khác. Khi ẩm thực Đông Nam Á ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu, ASEAN và Nhật Bản có cơ hội “đồng sáng tạo” để kết hợp ẩm thực của hai bên, xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới.

Văn hóa đại chúng Nhật Bản, như truyện tranh và karaoke, đã lan rộng khắp Đông Nam Á. Trên thực tế, các công dân ASEAN thường giành được các giải thưởng Manga (truyện tranh) Nhật Bản, nhiều người trong số các công dân này tiếp tục gắn bó với ngành công nghiệp truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản. Đây cũng là một ví dụ về “đồng sáng tạo”.

Trong bối cảnh văn hóa đại chúng Nhật Bản bị cạnh tranh từ các nước như Hàn Quốc. Hiện nay, điện ảnh, phim truyền hình và nhóm nhạc Nhật Bản có xu hướng đồng nhất, chỉ có diễn viên Nhật Bản và chủ yếu phục vụ khán giả trong nước. Do vậy, Giáo sư Kitti Prasirtsuk cho rằng, văn hóa đại chúng Nhật Bản có thể tìm kiếm sự đa dạng bằng cách kết hợp các yếu tố Đông Nam Á, thông qua các bộ phim và tác phẩm truyền hình đồng sản xuất hoặc các nhóm nhạc nam và nữ bao gồm các nghệ sĩ biểu diễn thuộc các quốc tịch khác nhau. Khi văn hóa đại chúng của Nhật Bản lớn mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ và văn hóa ở Đông Nam Á vươn ra tầm thế giới.

Giáo sư Kitti Prasirtsuk đánh giá lĩnh vực du lịch cũng mang lại cơ hội lớn cho hợp tác sáng tạo giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Nhật Bản đã thành công trong việc phát triển các điểm đến du lịch, du lịch giờ đây không còn chỉ giới hạn ở các thành phố lớn. Chính quyền và cộng đồng địa phương Nhật Bản là lực lượng để phát triển du lịch, có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ du lịch, bao gồm thực phẩm, sản phẩm địa phương, đồ lưu niệm... Học hỏi dự án “một làng, một sản phẩm” của tỉnh Oita, Nhật Bản, Thái Lan đã phát triển dự án “mỗi xã một sản phẩm” của riêng mình trong hai thập kỷ qua. Thái Lan thúc đẩy dự án hỗ trợ các hợp tác xã cộng đồng nông thôn phát triển sản phẩm hoặc thực phẩm địa phương thông qua việc cung cấp vốn, kinh nghiệm và kênh tiếp thị.

Kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích cho các nước ASEAN trong thúc đẩy du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch địa phương. Khách du lịch Nhật Bản là một thành phần quan trọng của thị trường du lịch tại ASEAN và khách du lịch ASEAN chiếm thị phần ngày càng lớn tại Nhật Bản. Cả hai bên đều có những ưu đãi để cùng tạo ra các điểm du lịch phù hợp với thị hiếu của nhau trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói khu vực.

Giáo sư Kitti Prasirtsuk cho rằng, chính sự “đồng sáng tạo” sẽ tạo ra nhiều cơ hội để ASEAN và Nhật Bản thúc đẩy giao lưu nhân dân và hiểu biết lẫn nhau. Dấu mốc 50 năm quan hệ chính là cơ hội để hai bên cùng hướng tới những xu hướng hợp tác mới như vậy. Các nước Đông Nam Á đã phát triển đáng kể và có thể hợp tác không chỉ với tư cách là thị trường của Nhật Bản mà còn là đối tác trong nhiều khía cạnh kinh tế xã hội khác nhau. Ẩm thực, văn hóa đại chúng và du lịch đại diện cho những lĩnh vực đầy hứa hẹn để hai bên cùng sáng tạo. Hợp tác và đồng sáng tạo sẽ cho phép Nhật Bản và ASEAN tiếp tục mối quan hệ lành mạnh, góp phần vào sự thịnh vượng và ổn định trong khu vực.

Vy Anh