Thu nhập cầu thủ và tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt

Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 19:01, 15/12/2023

Tình cờ tôi đọc được trên báo Dân trí những tâm sự của cựu danh thủ Trần Công Minh - hậu vệ phải lừng danh của đội tuyển bóng đá Việt Nam giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, về chuyện đời, chuyện nghề. Bất giác tôi chạnh lòng tự hỏi: "Giá như những tài năng như Công Minh, Hồng Sơn, Hoàng Bửu hay Huỳnh Đức… đá cho đội tuyển bây giờ thì sẽ ra sao?".

Từ chuyện không chỉ của mình Trần Công Minh

Trong dòng suy tưởng, những hồi ức về đội tuyển Việt Nam hơn 2 thập kỷ trước cứ thế ùa về. Nào những HLV ngoại đầu tiên đã đem đến cho bóng đá Việt Nam "hơi thở mới" như Edson Tavares (Brazil), Karl Heinz Weigang (Đức), Colin Murphy (Anh) rồi Alfred Riedl (Áo), thôi thì mỗi người một vẻ, nhưng các chuyên gia ấy đều chú trọng giải quyết các điểm yếu cố hữu như nền tảng thể lực, tính kỷ luật đấu pháp, cho tới tính chuyên nghiệp trong sinh hoạt và tập luyện.

Thu nhập cầu thủ và tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt - 1

Đội tuyển Việt Nam tại Tiger Cup 1998 trên sân nhà (Ảnh: Hồ Nguyễn Hoàng Hùng).

Tất cả đều vốn là điều mà những HLV bậc thầy trong nước như Phạm Huỳnh Tam Lang, Trần Duy Long, Nguyễn Thành Vinh có thể nhìn nhận được. Điều khác biệt ở chỗ,  các thầy ngoại không bao giờ phải e ngại "đụng chạm" với cầu thủ, bởi họ có "uy" trong mắt các lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thời điểm ấy hơn.

Vả chăng, do đều đến từ những nền bóng đá chuyên nghiệp của thế giới, nên họ tự thân đã có thể thực hiện những cuộc đổi mới, từ phương pháp tập trung đội tuyển tới phương pháp huấn luyện. Mọi thứ đều đem đến những điều tích cực cho đội tuyển, chỉ tiếc như một cái "dớp" đeo đẳng, cộng thêm sự thay đổi chưa mang tính hệ thống (của cả nền bóng đá chứ không chỉ một số tuyển thủ mà thôi) nên chưa bao giờ lứa cầu thủ tài năng ấy lên tới đỉnh vinh quang tại khu vực Đông Nam Á (nói gì tới làm nên chuyện ở châu lục).

Chẳng trách báo chí thời ấy gọi chệch thành "thế hệ bạc" - nghĩa là luôn dừng ở ngôi Á quân với tấm huy chương bạc mà thôi.

Ở thời điểm ấy, giải bóng đá vô địch quốc gia chưa lên chuyên nghiệp. Các đội bóng đều hoạt động từ nguồn ngân sách bao cấp. Và trong bối cảnh đời sống của đa số người dân còn nhiều khó khăn thì các nguồn lực xã hội hóa (tài trợ của các doanh nghiệp chẳng hạn) đều cực kỳ hạn hẹp, nguồn thu từ bán vé chỉ đủ trang trải kinh phí tổ chức các trận đấu mà thôi. Vậy nên, thu nhập của ngay các tuyển thủ thời ấy cũng còn khá thấp (dù đã hơn đáng kể so với mặt bằng chung).

Chỉ có điều, các tài năng ấy gắn bó với nghiệp "quần đùi áo số" bằng niềm đam mê và khát khao cống hiến. Với nhiều người trong số họ, tinh thần "màu cờ sắc áo" luôn được đặt lên hàng đầu. Các sân bóng vì vậy vẫn đông nghẹt người xem. Tôi từng chứng kiến những cánh cổng sân Vinh (sân nhà của Sông Lam Nghệ An) đổ sập bởi sức ép của hàng vạn khán giả không thể vào sân.

Tôi cũng từng chứng kiến biển người nổ nức đến sân Chùa Cuối (Nam Định), hay cảnh cả vạn người phơi nắng hò reo tại sân Cao Lãnh (Đồng Tháp) khi tới cổ vũ cho các cầu thủ "con cưng"… Và cánh phóng viên chúng tôi khi ấy luôn háo hức, đến sớm cả tiếng đồng hồ trước trận "derby" Thể Công - Công an Hà Nội, nơi khán đài các sân Cột Cờ và Hàng Đẫy chật kín người, chia làm 2 "phe" hò reo lạc cả giọng… Bầu không khí ấy bây giờ gần như không còn nữa!

Trên thực tế, bóng đá Việt Nam từng có một thời kỳ rất dài tồn tại với những lý tưởng cao đẹp, từ những thế hệ cầu thủ Thể Công hay Công an Hà Nội đầu tiên (nửa sau thập niên 50 của thế kỷ trước), tới những năm tháng đất nước mới thống nhất và giải vô địch quốc gia ra đời (năm 1980). Tôi từng có thời gian nghiên cứu lịch sử bóng đá, gặp gỡ và hàn huyên với những cựu cầu thủ tiền bối thời ấy như Ngô Xuân Quýnh, Lê Thế Thọ, Trần Duy Long, Vương Tiến Dũng, và đều nghe họ cảm thán rằng "cầu thủ bây giờ (tức lứa Hồng Sơn, Công Minh, Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Hoàng Bửu, Hữu Đang, Minh Hiếu…) sướng hơn thời chúng tôi nhiều".

Và theo ý họ, thì dường như những giá trị truyền thống của bóng đá ngày xưa đã phần nào mai một đi khi đời sống cầu thủ các thế hệ sau đã tiến bộ hơn. Phải chăng chính vòng xoáy của những ganh đua, bệnh thành tích là nguyên nhân chính? Rồi những hiện tượng tiêu cực trong thi đấu cũng dần dần nảy sinh ngày một nhiều…

Có lẽ không phải tự nhiên mà cựu danh thủ Lê Thế Thọ, người được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trao danh hiệu "cầu thủ vàng châu Á" nhân kỷ niệm 50 năm tổ chức này (năm 2004), từng nhận xét khi giải vô địch quốc gia mới được chuyên nghiệp hóa: "Nhiều cầu thủ bây giờ là những người chơi bóng nghiệp dư hưởng lương cao chứ chưa phải chuyên nghiệp!".

Ý ông muốn đề cập tới khát vọng thi đấu, tính "màu cờ sắc áo" đã giảm sút nhiều, và giải đấu dường như mới chỉ là kênh quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp chứ chưa có nhiều đột phá theo đúng định hướng chuyên nghiệp. Vậy nên, ngay thời ấy cũng từng có nhận xét khá chí lý: "Bóng đá Việt Nam đang khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp rộng thùng thình".

Những giá trị truyền thống trong xu thế chuyên nghiệp bóng đá nước nhà

Nếu bạn dành thời gian tìm hiểu về hệ thống bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao của thế giới thì sẽ thấy, hóa ra có một sự tương đồng trong ý thức của các cầu thủ chuyên nghiệp (theo đúng nghĩa) của thế giới với thế hệ các cầu thủ Việt Nam giai đoạn từ hơn 40 năm tới 60 năm về trước. Đấy là tinh thần "màu cờ sắc áo", là ý thức rèn luyện và thi đấu hết mình của các cầu thủ. Và nếu như ở cái thời bóng đá Việt Nam còn muôn vàn khó khăn, nhiều cầu thủ có thêm khái niệm "tự tu" (tức tập luyện thêm ngoài giờ để khắc phục điểm yếu và phát huy thế mạnh) thì ở nhiều danh thủ thế giới cũng vậy, luôn có sự khổ luyện để biến kỹ thuật thành kỹ năng, rồi nâng kỹ năng thành kỹ xảo chơi bóng.

Trong nhiều năm qua, dường như không thấy ai nói đến khái niệm này nơi các cầu thủ Việt.

Thu nhập cầu thủ và tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt - 2

Thủ môn Đặng Văn Lâm được đánh giá chơi hay thứ nhì Đông Nam Á, anh cũng thuộc nhóm cầu thủ có mức lương cao nhất Việt Nam hiện nay (Ảnh: Thu Lương).

Khi giải bóng đá quốc gia được chuyên nghiệp hóa, mang tên tiếng Anh là V.League, nhiều đội bóng ngành hay địa phương không theo kịp xu thế bị xóa sổ, những đội bóng được bảo trợ bởi các doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục tồn tại hoặc mới ra đời.

Hệ thống bóng đá đỉnh cao cứ thế khoác lên mình "chiếc áo" (và danh nghĩa) chuyên nghiệp. Một số CLB thậm chí trở thành "miền đất hứa" thu hút các tài năng ở địa phương khác hay từ các nước khác về đầu quân. Nhưng chính trong bối cảnh chuyển giao ấy (gọi nôm na là "bán chuyên"), thì bùng phát vô vàn scandal tiêu cực về mua - bán độ, hàng loạt trọng tài "xộ khám" vì nhận tiền "bồi dưỡng" bất thường của các CLB…

Thậm chí 7 tuyển thủ quốc gia phải ra tòa với tư cách bị cáo vì trót nhận tiền dàn xếp tỷ số ở SEA Games năm 2005, mới vỡ lẽ ra sự thật rằng sự phát triển của V.League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung quá "nóng", không hề đảm bảo các tiêu chí căn bản của một nền bóng đá chuyên nghiệp (với những cầu thủ, HLV và trọng tài chuyên nghiệp toàn diện).

Mọi thứ đã thay đổi nhiều trong những năm qua, khi các CLB đã quan tâm hơn tới sự đầu tư cho công tác đào tạo trẻ. Đời sống của các cầu thủ đỉnh cao không chỉ được cải thiện với mức lương - thưởng - phí lót tay cao ngất (so với mặt bằng xã hội cũng như nhiều môn thể thao khác) mà nhiều người còn trở thành "thần tượng" của một bộ phận giới trẻ bởi vẻ bề ngoài cũng cuộc sống dư giả như các đại gia. Chất lượng đội tuyển được nâng cao cũng là điều dễ hiểu, khi mọi điều kiện đều được nâng lên, từ cấp CLB chứ không phải chỉ ở đội tuyển quốc gia.

Chỉ có điều, trong hệ thống bóng đá đỉnh cao Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều sự trăn trở về tinh thần thi đấu, về ý thức chuyên nghiệp trong tập luyện hay sự tôn trọng dành cho khán giả của các cầu thủ.

Bản chất chuyên nghiệp của các CLB cũng còn chưa rõ ràng khi vẫn còn những đội bóng bỗng dưng bị giải thể hay không dự giải vì không đảm bảo tài chính. Nghĩa là còn đấy vô số những việc phải làm, và trong bối cảnh mới, câu chuyện về những giá trị truyền thống trong bóng đá Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ "cũ"!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.