Vụ CSGT dùng chân đạp xe người vi phạm ở TPHCM: Hành động quá phản cảm
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:06, 15/12/2023
Sau 10 ngày xảy ra vụ một cán bộ Đội CSGT Bàn Cờ (Phòng PC08) đạp đổ xe người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh trên đường 3 Tháng 2, quận 10 (TPHCM), nhiều người tại khu vực xảy ra vụ việc vẫn nhớ như in khoảnh khắc này.
Lời kể nhân chứng
Ông Nguyễn Văn Thành (52 tuổi), bảo vệ một cửa hàng thời trang trên đường 3 Tháng 2 cho biết, vụ việc xảy ra trưa 5/12. Thời điểm trên, ông thấy một cán bộ CSGT lái xe đặc chủng đuổi theo nam thanh niên lái xe hiệu Piaggio Vespa trên đường 3 Tháng 2, hướng Lê Hồng Phong về Cao Thắng.
Khi đến trước số 181D đường 3 Tháng 2, phường 11 (quận 10), nam thanh niên lái xe băng qua đường và chạy ngược chiều. Khi CSGT đuổi kịp, anh này phóng xe lên vỉa hè rồi quay ngược phương tiện chạy hướng về đường Lê Hồng Phong.
Đến đoạn trước Nhà hát Hòa Bình, nam thanh niên lái phương tiện từ vỉa hè xuống đường, tiếp tục bỏ chạy đã bị cán bộ CSGT điều khiển xe lao đến áp sát, dùng chân đạp vào người.
"Bị CSGT dùng chân đạp, phương tiện của nam thanh niên mất lái tông vào xe máy của một người khác đang dừng bấm điện thoại sát lề đường", ông Thành kể.
Theo ông Thành, sau vụ việc, cán bộ CSGT đã xin lỗi người đi đường bị vạ lây sau cú đạp vào nam thanh niên. Sau đó, cán bộ này dẫn nam thanh niên vi phạm về chốt cách đó không xa để làm việc.
Bà H. (58 tuổi, bán nước trước Nhà hát Hòa Bình) cho biết, nam thanh niên trong lúc lao xe từ vỉa hè xuống lề đường chạy trốn CSGT suýt tông vào tủ bán nước của bà.
Theo bà H., nam thanh niên không thể tiếp tục chạy trên vỉa hè vì đoạn này có bậc tam cấp vuông, xe leo lên không được. Cũng may người này bị CSGT chặn lại kịp, nếu anh ta chạy thoát với vận tốc cao cũng dễ gây tai nạn cho người khác.
"Anh này cố bỏ chạy bằng mọi cách, còn CSGT cố bắt bằng được. Tôi thấy tình huống này quá nguy hiểm. Không chỉ nguy hiểm cho hai người trong cuộc mà cả những người đi đường xung quanh", bà H. nói.
Đuổi bắt như vậy là sai quy định
Liên quan vụ việc, một cán bộ Công an TP Thủ Đức nhận định hành động cố bắt người vi phạm của cán bộ Đội CSGT Bàn Cờ là không đúng quy định. Theo vị cán bộ, trường hợp này, CSGT truy đuổi xe người vi phạm mà thấy nguy hiểm nên ghi lại thông tin biển số qua camera an ninh.
Thông qua hệ thống dữ liệu, CSGT trích xuất thông tin để nắm thông tin người vi phạm. Nếu nam thanh niên trong vụ việc bị tai nạn hoặc gây tai nạn cho người khác, cán bộ CSGT sẽ chịu trách nhiệm, chưa nói đến việc hành động như vậy là quá phản cảm.
Cán bộ Công an TP Thủ Đức chia sẻ trong ngành công an nhân dân không cho phép cán bộ hành động như vậy. Trường hợp này, nam tài xế được xác định là vi phạm hành chính, chưa có bằng chứng nào chứng minh anh ta phạm tội.
Đối với người vi phạm hành chính có nhiều cách xử lý, có thể truy đuổi hoặc ghi nhận hình ảnh người vi phạm, biển số xe, màu sơn để trích xuất dữ liệu xử lý. CSGT truy đuổi cần có mức độ. Nếu cảm thấy gây nguy hiểm cho người vi phạm hoặc người dân xung quanh, CSGT phải nên dừng ngay để đảm bảo an toàn. CSGT không nên cố truy đuổi như vậy.
"Nếu là tội phạm nguy hiểm hoặc bắt quả tang mới truy đuổi tới cùng. Hành động dùng chân đạp đổ xe người vi phạm để bắt là sai rồi", cán bộ Công an TP Thủ Đức nhận định.
Cùng ngày, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM cho biết, cán bộ trong vụ việc là Đại úy D.H., thuộc Đội CSGT Bàn Cờ. Đại úy D.H. phát hiện nam thanh niên vi phạm nên đuổi theo, áp sát yêu cầu dừng phương tiện. Nam thanh niên đã cho xe chạy lên vỉa hè để tiếp tục bỏ chạy.
Sau khi người này xuống lòng đường, cán bộ CSGT đã dùng chân đạp vào phương tiện để ép ngã phương tiện. Do người vi phạm vẫn trốn tránh nên lạc tay lái rồi tông vào một phương tiện khác.
Qua kiểm tra, nam thanh niên không có dấu hiệu tội phạm hình sự nên tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính với các lỗi: Không đi bên phải theo chiều đi của mình; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Không có giấy phép lái xe, không có đăng ký xe theo quy định.
Liên quan vụ việc, Đại úy D.H. đã bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ.