Anh, EU nối gót Mỹ dừng tăng lãi suất: Kinh tế thế giới sắp 'dễ thở' hơn
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 11:51, 15/12/2023
Ngày 14/12, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tiếp tục không tăng lãi suất. ECB giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% lần thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, BoE giữ lãi suất không đổi lần thứ 3 liên tiếp ở mức 5,25%.
ECB cho biết sẽ duy trì ở mức độ thắt chặt phù hợp, trong thời gian cần thiết. Còn BoE khẳng định chính sách tiền tệ "cần thắt chặt thêm một thời gian nữa".
Trước đó ngày 13/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 liên tiếp giữ lãi suất ở mức cao nhất 22 năm, là 5,25-5,5%. Fed có thể giữ lãi suất cao như hiện tại tới cuối quý I hoặc giữa năm 2024.
Như vậy, cả 3 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều phát tín hiệu lãi suất ở đỉnh và có thể sớm đảo chiều cắt giảm ngay trong năm 2024. Các thành viên Fed cũng dự báo có ít nhất 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024, với giả định mỗi lần giảm 25 điểm cơ bản.
Động thái của ECB, BoE và Fed được đưa ra trong bối cảnh kinh tế ở các khu vực này chậm lại, trong khi lạm phát giảm nhanh. Lạm phát tại khu vực châu Âu giảm từ đỉnh 10% xuống ước khoảng trung bình 5,4% trong năm 2023. Tăng trưởng kinh tế của eurozone được dự báo xuống còn 0,6% trong năm 2023.
Lạm phát tại Anh xuống 4,6% trong tháng 10. Đây là mức thấp nhất hai năm, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BoE. Tình trạng này cũng tương tự tại Mỹ và eurozone.
Trước đó, kể từ khoảng tháng 3-7/2022, Fed, ECB và BoE liên tiếp tăng lãi suất để chống lạm phát. Fed đã có chuỗi 11 lần tăng, BoE 14 lần, ECB 10 lần.
Thế giới bước vào thời kỳ mới
Nếu không có gì thay đổi bất ngờ, 3 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới ECB, BoE và Fed có thể đảo chiều chính sách tiền tệ, bắt đầu giảm lãi suất từ giữa năm 2024.
Khi đó, nền kinh tế thế giới sẽ bước vào thời kỳ mới với lãi suất dễ thở hơn, kinh tế có khả năng tăng trưởng mạnh hơn nhưng lạm phát có thể tăng trở lại. Giá vàng được dự báo tăng, trong khi đồng USD giảm.
Ngay sau khi Fed phát tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm 2024, đồng USD giảm nhanh. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm từ mức 103,7 điểm xuống 102 điểm vào sáng 15/12.
Đồng USD giảm kéo vàng tăng vọt, từ mức quanh 1.980 USD/ounce lên trên 2.032 USD/ounce vào sáng 15/12.
Một đồng USD hạ nhiệt sẽ khiến tỷ giá tại các nước, trong đó có USD/Yen, USD/VND… bớt căng thẳng hơn. Các nước có thêm dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dòng tiền cũng có thể bớt bị rút về Mỹ và trở lại với các nền kinh tế khu vực châu Á.
Gần đây, với những tín hiệu từ chính sách tiền tệ của Fed, tỷ giá USD/VND giảm trở về ngưỡng 24.300-24.400 đồng/USD (giá bán tại Vietcombank), thay vì mức 24.750 đồng/USD hồi đầu tháng 11.
Dù vậy, kinh tế thế giới trong năm 2024 còn đối mặt nhiều rủi ro trong một năm có bầu cử tại nhiều nước như Mỹ và căng thẳng địa chính trị khó lường. Lạm phát cũng có thể quay trở lại khiến các nước gặp khó trong nỗ lực giảm nhanh lãi suất.
Trong một báo cáo vừa công bố hôm 13/1, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dã nâng dự báo kinh tế đối với các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á và Thái Bình Dương. Nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2023, so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 9 ở mức 4,7%.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 ở mức 5,2% và năm 2024 lên mức 6%. Theo ADB, chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động của Việt Nam, được hỗ trợ bởi việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4% cho năm 2024.