Trong tủ lạnh có một nút nhỏ mà người dùng nên điều chỉnh vào mùa đông: Giúp tiết kiệm "cơ số" tiền điện
Gia đình - Ngày đăng : 07:28, 15/12/2023
Hiện nay trong hầu hết mọi gia đình, sự xuất hiện của thiết bị mang tên tủ lạnh có thể nói là không thể thiếu. Thiết bị hoạt động liên tục 24/24, vào cả mùa hè và mùa đông, giúp bảo quản và lưu trữ thực phẩm của gia đình được tươi lâu hơn. Song, cũng chính bởi được hoạt động liên tục nên tủ lạnh cũng được xếp vào danh sách một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng nhất trong nhà. Thống kê từ Tổng Công ty Điện Lực Việt Nam (EVN) hồi tháng 5 cho thấy, một chiếc tủ lạnh lớn cho tiêu thụ trung bình từ 50 - 75 KWh điện/tháng, xếp thứ 3 trong các thiết bị gia đình, sau bếp điện và bình nóng lạnh.
Tủ lạnh là thiết bị hoạt động nhiều nhất trong nhà (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, con số trên chỉ là xét trung bình. Trong suốt quá trình sử dụng, có những thói quen của người dùng có thể góp phần giúp tiết kiệm phần nào điện năng mà tủ lạnh tiêu thụ. Đặc biệt là vào mùa đông, việc này chỉ cần thực hiện bằng 1 thao tác đơn giản với 2 ngăn - ngăn đông và ngăn mát của tủ lạnh. Tuy nhiên chưa nhiều người dùng thật sự biết và để ý tới thao tác này. Đó chính là thao tác điều chỉnh nhiệt độ với những nút vặn hoặc bảng điều khiển của tủ lạnh.
Nên điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh vào mùa đông như thế nào?
Các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành điện lạnh cho biết, vào mùa đông, để tiết kiệm điện năng, người dùng có thể cân nhắc điều chỉnh nhiệt độ của tủ lạnh xuống mức làm mát thấp hơn. Cụ thể, ở các dòng tủ lạnh hiện đại hiện nay, mức nhiệt bên trong tủ sẽ được quy định theo mức từ 1-5 hoặc 1-6. Vào mùa hè, mức nhiệt có thể ở mức tối đa hoặc gần tối đa, nhưng vào mùa đông, việc điều chỉnh nhiệt xuống mức 2-3, thậm chí 1 là hoàn toàn có thể.
Bách hóa Xanh, chuỗi hệ thống siêu thị bán lẻ có tiếng giải thích, ở mức 1, nhiệt độ trong tủ lạnh thường sẽ dao động từ 2-5 độ C. Đây là mức nhiệt độ phù hợp để tủ lạnh vừa có thể hoạt động tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ lưu trữ, bảo quản thực phẩm, vừa giúp tủ lạnh tiết kiệm điện năng. Việc này cũng có thể thực hiện tương tự với ngăn đông tủ lạnh.
Người dùng hoàn toàn có thể điều chỉnh nhiệt độ bên trong tủ lạnh để tiết kiệm điện hơn (Ảnh minh họa)
Bên cạnh việc điều chỉnh mức nhiệt độ tủ lạnh vào mùa đông, theo thời tiết, người dùng cũng có thể cân đối thực hiện thao tác này dựa trên lượng thực phẩm đang bảo quản trong tủ. Ví dụ, khi trong tủ không chứa quá nhiều đồ, có thể điều chỉnh về những mức làm lạnh thấp.
Ngược lại, khi tủ đang lưu trữ lượng đồ lớn, việc điều chỉnh lên mức làm lạnh cao là cần thiết. Đặc biệt, nếu ngăn đông tủ lạnh đang lưu trữ nhiều thực phẩm tươi sống như hải sản, tốt nhất nên duy trì mức làm lạnh cao ở ngăn này, khoảng -18 độ C. Mức nhiệt độ này sẽ ngăn chặn tối đa sự phát triển của vi khuẩn, từ đó thực phẩm sẽ được bảo quản lâu hơn, an toàn hơn.
Ảnh minh họa
Một số mẹo khác giúp tủ lạnh tiết kiệm điện
Bên cạnh thay đổi mức nhiệt độ của tủ lạnh vào mùa đông, các chuyên gia cũng hướng dẫn thêm một số lời khuyên về thói quen sử dụng, giúp tủ lạnh tiết kiệm hơn lượng điện năng tiêu thụ.
1. Vị trí đặt tủ lạnh hợp lý
Tủ lạnh thường thoát nhiệt ở mặt sau hoặc 2 mặt cạnh bên. Khi quá trình thoát nhiệt bị ảnh hưởng, chậm hơn so với thông thường cũng sẽ vô tình khiến điện năng tiêu thụ của thiết bị tăng lên. Chính vì vậy, tùy vào vị trí thoát nhiệt của thiết bị, người dùng nên đặt tủ lạnh sao cho không quá sát vị trí ấy với tường hay những vật cản khác.
Cũng không nên đặt tủ lạnh gần những thiết bị điện tử khác như lò vi sóng, bếp điện, lò nướng bởi 2 thiết bị cùng sinh nhiệt gần nhau sẽ khiến không gian nóng lên đáng kể, gây suy giảm tuổi thọ các thiết bị.
Tủ lạnh nên được đặt ở vị trí giúp thiết bị tản nhiệt tốt (Ảnh minh họa)
2. Hạn chế mở cửa tủ lạnh trong thời gian dài
Mở cửa tủ lạnh trong thời gian dài, quá lâu sẽ khiến khí lạnh bên trong thiết bị thất thoát ra ngoài. Đồng nghĩa với việc máy nén sẽ cần hoạt động nhiều hơn để sản sinh ra hơi lạnh, nhằm đảm bảo làm mát thực phẩm bên trong thiết bị, sẽ tốn điện hơn.
Chính vì vậy, người dùng tốt nhất nên hạn chế mở tủ lạnh trong thời gian dài. Sau khi lấy đồ cần thiết hãy đảm bảo đóng cửa tủ một cách chắc chắn, không để hở cửa tủ.
3. Bảo quản thực phẩm trong hộp, bát thủy tinh hoặc sứ
Hiện nay nhiều gia đình thường bảo quản hoa quả, rau củ hay thực phẩm trong tủ lạnh bằng các loại hộp, bát nhựa. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng người dùng có thể cân nhắc sử dụng cả các loại hộp, bát làm từ thủy tinh và sứ bởi đây là những chất liệu có khả năng hấp thụ và duy trì hơi lạnh tốt hơn.
Sắp xếp các hộp này một cách hợp lý, không quá nhiều, chồng chéo trong tủ lạnh giúp hơi lạnh lưu thông đều cũng sẽ giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện điện mà tủ lạnh tiêu thụ.
Ảnh minh họa
4. Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh tủ lạnh
Thói quen tưởng đơn giản nhưng vô cùng cần thiết, giúp tiết kiệm điện năng khi sử dụng tủ lạnh đó là hãy duy trì thói quen kiểm tra, vệ sinh tủ lạnh một cách thường xuyên. Trong đó, việc vệ sinh nên được tiến hành khoảng 1-3 tháng 1 lần với mục đích hạn chế bụi bẩn lâu ngày bám vào các lỗ cung cấp khí lạnh, khiến máy nén phải hoạt động nhiều hơn để cung cấp đủ nhiệt độ cho tủ, tốn nhiều điện năng.
Còn việc kiểm tra nên được người dùng theo dõi sát sao hàng ngày, đặc biệt là khu vực gioăng cao su cửa tủ lạnh. Sau thời gian dài, bộ phận này có thể bị hỏng hóc, hao mòn hoặc tuột ra khỏi vị trí cũ, khiến cửa tủ lạnh đóng không còn chắc chắn, gây thất thoát khí lạnh, lãng phí điện.
Theo Đời sống và Pháp luật