Lau người cho vợ mới sinh, chồng nói một câu khiến tôi nghẹn ngào nước mắt
Gia đình - Ngày đăng : 19:00, 14/12/2023
Vợ chồng tôi cưới 3 năm mới sinh em bé vì cơ quan tôi có quy định cán bộ, nhân viên phải có cống hiến ít nhất 2 năm mới được sinh con. Thế là chúng tôi được hưởng 2 năm vợ chồng son, vi vu khắp nơi mỗi khi có dịp, chẳng vướng bận gì cả.
Hết kế hoạch, tôi thả cái là dính bầu luôn. Khổ nỗi, tôi ốm nghén suốt từ lúc mang thai đến khi đẻ nên mệt vô cùng. Cũng may chồng tôi tâm lý, yêu thương vợ nên hành trình mang thai của tôi cũng đỡ vất vả.
Mỗi lần thấy vợ ăn bị nôn, anh lại cần mẫn vào bếp nghĩ những món đỡ mùi nhưng đủ chất để tẩm bổ cho tôi rồi bê lên tận phòng động viên vợ:
“Vợ cố ăn bù vào chỗ đã nôn, không có là con suy dinh dưỡng từ trong bụng thì khổ”.
Thương chồng quá, tôi cũng gắng ăn. Nhờ có anh luôn ở bên chăm nom dù nghén tôi vẫn tăng cân vù vù, con hấp thụ được nên đủ cân đủ lạng.
Về khoản chăn gối, chồng tôi cũng giữ cho vợ lắm. Nghe bác sỹ khuyên mấy tháng cuối, vợ chồng hạn chế sinh hoạt hơn tránh ảnh hưởng đến thai nhi thế là anh tự giác kiêng, mặc dù nhiều lúc tôi biết anh cũng bức bối.
Mòn mỏi chờ rồi cũng đến ngày tôi vào viện sinh. Vì được anh tẩm bổ nhiều quá mà con trộm vía sinh được gần 4kg. Bởi em bé hơi to, lại còn là sinh lần đầu nên tôi bị rạch 1 đường khâu 13 mũi, đau đến tận tim.
Sau khi tôi sinh, mẹ chồng cũng tất tả ở quê ra nhưng chỉ chăm mỗi cháu, còn con dâu thì mặc kệ. Khoản ăn uống chồng tôi nấu nướng ở nhà mang lên viện rồi, bà cũng không phải lo.
Ở viện, mẹ chồng chỉ lo pha sữa cho cháu, rồi giặt mấy cái tã, khi cháu ngủ thì bà cũng nằm ké bên cạnh ngủ ngáy ngon lành. Còn tôi đau vết khâu không đi lại được bà cũng không dìu đi vệ sinh, hay lau người giúp. Mấy hôm không được tắm, người tôi ngứa ngáy, khó chịu vô cùng.
Đến chiều chồng tôi vào, thấy người vợ đầm đìa mồ hôi, anh nhăn nhó hỏi:
“Người vợ mùi quá”.
Tôi đành buồn bực đáp:
“Mấy hôm có tắm đâu chẳng mùi”.
“Thì cũng phải lau người cho mát mẻ, sạch sẽ tí chứ”, anh tiếp lời.
“Em vẫn còn đau chẳng cựa được người đây này”.
Mệt nhưng tôi vẫn cố gắng giải thích với chồng.
“Sao không bảo mẹ lau cho”, anh vừa nói vừa nhìn sang mẹ. Bà thấy vậy giãy nảy lên:
“Tự đi mà lau lấy, mẹ sao làm được khoản đó”.
Mẹ chồng cũng là phụ nữ, cũng trải qua sinh nở mà còn nói thế thì tôi còn biết nói gì hơn. Chồng tôi nghe mẹ nói vậy, anh bực nhưng không nói lại, đành tự lúi húi đi pha nước ấm, tỉ mẩn lau người cho vợ. Anh làm khéo lắm, thay băng sạch cho vợ mà chả xấu hổ hay ngại ngần. Lúc thấy vết thương của tôi còn chưa khô, anh cứ xuýt xoa:
“Đau lắm phải không vợ, hôm nào xuất viện về nhà anh mua cái váy rộng để vợ mặc cho không bị chạm vào vết thương”.
Thấy chồng chăm sóc tôi kỹ càng như thế, ai trong phòng nhìn vào cũng tấm tắc khen tôi may mắn lắm mới lấy được chồng như vậy.
Sau bữa đó, biết mẹ không chăm tốt cho vợ mình nên cứ chiều là chồng tôi tranh thủ vào pha nước lau người cho vợ. Ra viện, mặc dù mẹ đẻ tôi đã lên chăm con gái nhưng anh không nhờ cả 2 bà mà tự tay săn sóc tôi. Anh bảo:
“Các bà cứ thay nhau, luân phiên bế cháu cho vợ con ngủ lấy lại sức là được rồi. Những việc khác con sẽ làm.”
Cũng từ hôm ra viện, anh luôn nhận việc vệ sinh vết thương cho vợ. Đúng như những gì đã nói, anh mua liền lúc mấy chiếc váy rộng thùng thình để vợ mặc. Ngày nào cũng chuẩn bị đồ cho vợ thay, tự tay pha nước cho vợ tắm, vệ sinh vết khâu. Mỗi lần thấy vợ nhăn nhó, anh lại xót ruột vỗ về:
“Cố gắng lên vợ. Nhìn em đau thế này anh cũng buốt ruột. Mình chỉ đẻ 1 đứa thôi, chứ đẻ nhiều khổ vợ lắm”.
Nghe chồng nói, tôi vừa thương chồng vừa buồn cười, anh chưa hề có kinh nghiệm gì nhưng chăm sóc vợ mới đẻ đâu ra đấy. Có điều tôi cũng lo lắng không biết làm sao để vết thương tầng sinh môn mau lành cho tôi đỡ đau, có thể ngồi dậy tự làm các việc cho chồng đỡ vất vả. Các chị có bí quyết nào thì chia sẻ để tôi tham khảo với.
Bí quyết giúp vết khâu tầng sinh môn mau lành
Lau rửa, chăm sóc vết khâu sau sinh
Khi vệ sinh vùng vết khâu, mẹ có thể sử dụng bông, gạc y tế nhúng nước ấm rồi lau theo một chiều duy nhất. Bắt đầu từ âm đạo rồi kéo nhẹ về phía hậu môn. Tuyệt đối không lau đi lau lại nhiều chiều để tránh vi khuẩn từ hậu môn có thể tiếp xúc với vết thương.
Tắm đúng cách
Mẹ không cần quá lo lắng về chuyện vết thương sẽ tiếp xúc với nước. Bác sĩ cho phép mẹ sinh thường hoàn toàn có thể tắm rửa sau khi đã khâu vết rạch. Mặc dù vậy, khi tắm mẹ chỉ cần lau rửa nhanh bằng nước lã.
Không dùng vòi xịt thẳng lâu và mạnh vào vết thương vì lực nước sẽ dễ làm cho vết khâu bị bục chỉ cũng như tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Tắm xong mẹ nên dùng khăn thấm khô xung quanh vùng kín và vết khâu rồi đóng băng vệ sinh sạch sẽ.
Chăm sóc vết thương tầng sinh môn mau lành lại bằng cách đi bộ
Nhiều mẹ nghĩ rằng việc đi lại sẽ ảnh hưởng đến vết thương, nhưng hoàn toàn ngược lại, việc tập đi bộ sau sinh giúp lưu thông máu đến vùng tầng sinh môn, giảm sưng và giúp vết khâu mau lành hơn. Vì vậy nên sau ngày đầu tiên, khi mẹ lấy lại sức và ngồi dậy bình thường được, hãy tập đi lại nhẹ nhàng xung quanh giường bệnh, hoặc tập đi ngoài hành lang khoa hậu sản.
Lúc đầu, việc đi lại có thể gây khó khăn và đau nhưng hãy cố gắng tập luyện bằng cách: đi thẳng người, hai chân dang rộng ra một chút và bước đi tự tin.
Việc đi lại sau khi khâu tầng sinh môn sẽ khiến các mẹ cảm thấy đau đớn và khó khăn. Do đó, chị em nên đi lại nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến vết thương. Cũng không nên nằm quá nhiều, nên đi lại vận động nhẹ để máu lưu thông giúp vết thương bớt sưng hơn. Tập bài tập sàn chậu hơn để giúp máu lưu thông và thúc đẩy lành vết thương.
Theo Báo PNTĐ