Trước Chứng khoán LPBank, Bầu Thụy từng là sếp công ty chứng khoán nào?
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 16:11, 14/12/2023
LPBS về tay Bầu Thụy như thế nào?
Chứng khoán Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBankS - LPBS) chính thức có tân chủ tịch HĐQT kể từ ngày 10/12 là ông Lê Minh Tâm.
Ông Lê Minh Tâm tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành QTKD tại Học viện Công nghệ Massachusetts và Thạc sỹ Luật tại Trường Luật Fletcher, Đại học Tufts, Massachusetts (Mỹ).
Ông có 30 kinh nghiệm làm quản lý cấp cao tại các công ty chứng khoán, ngân hàng trong và nước ngoài. Hiện ông đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank).
Bên cạnh việc bầu ra chủ tịch mới, cổ đông của LPBS cũng nhất trí tăng vốn điều lệ công ty từ 250 tỷ đồng lên mức 3.880 tỷ đồng nhằm đưa doanh nghiệp vào top các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, LPBS chỉ có 26 nhân viên, trong đó 15 người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Việc tăng vốn “khủng” và củng cố bộ máy nhân sự cấp cao dày dạn kinh nghiệm cho thấy tham vọng của LPBS trong thời gian tới.
Những thay đổi này cũng cho thấy tham vọng của ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thuỵ), Chủ tịch HĐQT LPBank trong việc mở rộng chuỗi giá trị của ngân hàng này, đặc biệt là việc phát triển mạnh mẽ các dịch vụ ngân hàng đầu tư (investment banking) và các dịch vụ quản lý tài sản, mở rộng mạng lưới để phục vụ hệ thống khách hàng của LPBank.
Chứng khoán LPBank, tiền thân là CTCP Chứng khoán Viettranimex của đại gia Nguyễn Văn Thanh, được thành lập từ năm 2009 (đây là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khoảng sản và nông nghiệp).
Sau khi được Ngân hàng TMCP Liên Việt (tiền thân của LPBank) do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT mua lại, Chứng khoán Viettranimex đổi tên thành CTCP Chứng khoán Liên Việt.
Tháng 9/2023 công ty chính thức đổi tên thành CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) sau khi LPBank đổi tên thương mại.
LPBS hiện có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, trong đó 3 cổ đông lớn sở hữu từ 5% vốn điều lệ, gồm: Ngân hàng LPBank sở hữu 5,5% (tương đương vốn đầu tư 13,750 tỷ đồng); bà Nguyễn Thị Bích Hồng (cựu chủ tịch HĐQT) cũng sở hữu 5,5% vốn điều lệ; một cổ đông cá nhân khác là ông Nguyễn Bá Khoát (Phó TGĐ Tập đoàn Viettranimex) sở hữu 5% (tương đương 12,5 tỷ đồng vốn đầu tư). 84% vốn điều lệ còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông khác (tương đương giá trị đầu tư 210 tỷ đồng).
Với việc là Chủ tịch HĐQT LPBank và là cổ đông sở hữu 2,41% lượng cổ phần tại nhà băng này, Bầu Thụy đang gián tiếp sở hữu cổ phần tại LPBS.
Mua lại doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Cái duyên của Bầu Thụy với chứng khoán không chỉ đến sau khi ông đặt chân vào LPBank. Trước đó, năm 2011, vị doanh nhân sinh năm 1976 này từng là chủ tịch HĐQT một công ty chứng khoán.
Đó là khi Tập đoàn Xuân Thành (tiền thân Thaigroup) của gia đình Bầu Thụy mua lại CTCP Chứng khoán Vincom (VIX) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào tháng 3/2011.
Tại ĐHĐCĐ diễn ra tháng 4/2011, Chứng khoán Vincom được đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành, Ông Nguyễn Đức Thụy cũng chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT của công ty.
Khi đó, vị đại gia trẻ tuổi người Ninh Bình mới được biết đến là một ông bầu đam mê bóng đá (ông bầu của đội bóng Xuân Thành Hà Tĩnh, sau đó là Sài Gòn Xuân Thành) đồng thời là một "tay chơi" siêu xe khét tiếng với bộ sưu tập gồm một chiếc Roll Royce Phantom rồng, hai chiếc Roll Royce Ghost và các loại Mercedes S-Class, BMW 7-Series, Range Rover, Lexus Ls600hl, Lx570, X5 4.8,...
Tất nhiên, Xuân Thành thời điểm đó đã là tập đoàn đa ngành trong các lĩnh vực bảo hiểm, vận tải, xi măng, năng lượng,... hoạt động ở nhiều tỉnh thành.
Năm đầu tiên về tay Xuân Thành, chỉ trong 7 tháng cuối năm 2011, VIX đã lãi hơn 6 tỷ đồng, trong khi hàng loạt đại gia chứng khoán khác bấy giờ đều thua lỗ.
Hai quý đầu năm 2012, VIX đạt gần 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, doanh thu tự doanh chiếm 46% tổng doanh thu; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn gấp 3 lần đầu năm, đạt gần 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, biến cố “Bầu Kiên” diễn ra năm đó khiến cho TTCK chao đảo, các CTCK trong đó có VIX bị ảnh hưởng, lợi nhuận sau thuế năm 2012 của VIX âm 51 tỷ đồng.
Rất nhanh chóng, tháng 3/2013, chỉ 2 năm sau khi thâu tóm VIX, Bầu Thụy “cắt lỗ” thành công với tuyên bố bán sạch 24,45 triệu cổ phiếu VIX nắm giữ, chiếm 81,5% vốn điều lệ công ty. Số tiền ông thu về từ việc thoái vốn khỏi VIX là khoảng 200 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý III/2023 của LPBS cho thấy, công ty đạt 11,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong ba quý đầu năm (cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận trước thuế âm 5 tỷ đồng). Tại thời điểm 30/9 công ty này có 171 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng kỳ hạn trên 3 tháng (đầu năm 2023 chỉ 44 tỷ đồng). LPBS cũng đang có các khoản đầu tư dài hạn vào các mã cổ phiếu MSB, TCB, DIG, POT với giá trị hợp lý được xác định là 35 tỷ đồng. LPBS mới đây được nhắc đến là một trong 3 nhà đầu tư tổ chức tham gia mua mua 50 triệu cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai trong bối cảnh ngân hàng LPBank vừa ký kết hợp tác toàn diện với Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức. Đây là sự kiện khởi đầu mối quan hệ chiến lược của hai bên sau khi LPBank và HAG ký thoả thuận trở thành đối tác chiến lược toàn diện. |