Tiến sỹ ngân hàng bị lừa hơn 470 triệu đồng mà không dám kêu ai
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 16:00, 14/12/2023
Tham dự lễ ra mắt cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” do NXB Kim Đồng tổ chức sáng 14/12, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia - chia sẻ câu chuyện bạn thân ông là một tiến sỹ lừng danh, từng nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng, nhưng mới đây bị lừa mất 470 triệu đồng qua mạng.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay, sau một hồi nghe bạn trình bày và than thở, ông chỉ có thể đưa ra lời khuyên là “hãy im lặng để tránh bị... chê cười.”
“Ngay cả một người thông minh như tiến sỹ ngân hàng nhưng vẫn có thể bị lừa bởi những kiến thức rất sơ đẳng”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói, đồng thời cho rằng việc ra mắt cuốn sách này sẽ giúp xã hội bớt đi những trường hợp đáng tiếc như trên.
Ông Nghĩa cũng chia sẻ, tại châu Âu học sinh được học về quản lý đồng tiền ngay từ bậc tiểu học. Việc này còn giúp học sinh hiểu được giá trị của đồng tiền, từ đó ứng xử với đồng tiền một cách văn minh và thông minh hơn.
Tham dự buổi ra mắt sách còn có Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình. Ông Bình cho rằng, làm được đồng tiền đã khó, giữ được đồng tiền còn khó hơn. Nhưng không phải cứ giữ tiền trong két sắt là an toàn mà phải nằm ở trí khôn, ở sự khéo khôn về tiền.
Theo Chủ tịch FPT, để tiền trong két sắt vẫn có thể mất, thậm chí cái nhà mình ở còn có thể mất khi người ta rơi vào thảm cảnh trắng tay.
“Tất cả các start-up phải dùng tiền của gia đình để khởi sự, cho nên gia đình mà biết giữ tiền bạc thì dân tộc mới phồn vinh”, ông Trương Gia Bình nói.
Trả lời câu hỏi liệu có hình ảnh của một Trương Gia Bình trong cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền”, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ ông từng khởi nghiệp bằng việc buôn bán bàn là, nồi hầm trong thời gian đi học ở nước ngoài.
“Hồi đó phải lo tích cóp chứ về Việt Nam lấy đâu ra tiền. Số tiền kiếm được tôi dành để mua vàng rồi cất trong một cái cặp. Về sau mỗi lần phát lương cho anh em, tôi lại đem 1-2 cái nhẫn ra chợ bán. Nếu không có những đồng tiền đó thì không có FPT”.
Ông Trương Gia Bình nói thêm, thời điểm đó lạm phát lên đến 1.000%, nếu không nhanh tay biến ngay thành vàng thì tài sản sẽ mất hết.
Cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” của tác giả Lê Thị Thúy Sen (Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước), được thể hiện dưới hình thức truyện tranh, do họa sỹ Thăng Fly vẽ minh họa.
Ngay lần đầu tiên xuất bản, sách được in với số lượng lên tới 25.000 bản. Cuốn sách ra đời trong bối cảnh tình trạng tín dụng đen tăng cao, nhiều người dân bị lừa đảo dẫn đến mất tiền qua tài khoản ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng...
Do vậy, dù được thể hiện dưới hình thức truyện tranh nhưng nội dung cuốn sách phù hợp với mọi lứa tuổi.
“Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” xoay quanh kiến thức cơ bản liên quan đến tiền; hiểu biết về đầu tư tài chính; hoặc về ngân hàng với nhiều khái niệm và thông tin hữu ích được giải thích một cách dễ hiểu, phù hợp với nhiều lứa tuổi như: Lạm phát, giảm phát khác nhau thế nào? Tỷ giá và lãi suất liên quan gì đến nhau? Đi nước ngoài được mang bao nhiêu ngoại tệ tiền mặt? Tiền cũ nát đổi ở đâu? Hay những kinh nghiệm trong đầu tư: Phân biệt trái phiếu, cổ phiếu và tiền gửi tiết kiệm; Lưu ý gì khi mua bảo hiểm? Lưu ý gì khi gửi tiết kiệm, vay vốn; Lời khuyên trong các giao dịch ngân hàng trên môi trường điện tử; bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng thế nào để tránh rủi ro?... Đây cũng là cuốn truyện tranh có nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ (với hơn 80 câu), truyền cảm hứng về tình yêu thương, lòng nhân ái, tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động hay những kinh nghiệm quý báu ông cha ta đúc kết; về tiền bạc; về tiết kiệm; về bảo hiểm; về đầu tư,… |