Xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú: Danh hiệu song hành với danh dự, trách nhiệm
Dòng chảy - Ngày đăng : 09:45, 14/12/2023
NSƯT Hồ Ngọc Trinh (từ trái qua), NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Hồng Hạnh được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân trong lần thứ 10. |
Phần thưởng cao quý
Mỗi đợt công bố danh sách trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) đều khó tránh khỏi những thắc mắc, tranh luận. Tuy nhiên đây chỉ là số ít trường hợp trong hàng trăm nghệ sĩ được xét tặng đạt sự đồng thuận cao.
Dịp này, NSƯT Quang Tèo nói rằng anh trượt danh hiệu vì thiếu một phiếu bầu, NSƯT Đỗ Kỷ có đơn kiện cáo nên hồ sơ bị từ chối, ca sĩ Phạm Phương Thảo gây bất ngờ khi được phong NSND ở tuổi 41… Đây là những thông tin được nhiều người bàn tán quanh chuyện xét tặng. Một số nghệ sĩ có tên tuổi như NSƯT Thanh Tú, NSƯT Thành Lộc lại bày tỏ quan điểm không đồng tình với cơ chế bấy lâu nay được giới nghệ thuật gọi là “xin - cho” danh hiệu.
NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định, ông nghe được thông tin bàn tán về một số nghệ sĩ được cho là tuổi đời, tuổi nghề còn “non” nhưng vẫn được phong tặng danh hiệu cao quý. NSND Giang Mạnh Hà lý giải, dù một số nghệ sĩ chưa gây tiếng vang, ít được biết tên biết mặt nhưng vẫn đảm bảo quy định và tiêu chuẩn xét tặng, hội đồng vẫn công nhận.
“Ít được biết đến không phải lỗi của nghệ sĩ mà do thể lệ. Các hội diễn, cuộc thi nghệ thuật được tổ chức với mật độ dày trong năm, tạo điều kiện để nghệ sĩ trẻ tham gia. Trong vài năm, họ không khó đạt tới vài huy chương để tích lũy vào hồ sơ. Thực tế, đây có thể coi là trường hợp đốt cháy giai đoạn, song nghệ sĩ vẫn được xét tặng danh hiệu theo đúng quy định”, NSND Giang Mạnh Hà lý giải.
NSƯT Lê Chức được phong NSND dịp này cũng nói vui rằng, 10 nghìn người có thể không biết sân khấu Việt Nam có một nghệ sĩ là Lê Chức, nhưng hỏi 100 nghìn người về giọng đọc huyền thoại của ông, chắc sẽ nhiều người nhận ra. Nói vậy để thấy, sự phản ứng của công chúng đôi khi xuất phát từ cảm tính, yêu ghét cá nhân. Một số người thích xem cải lương sẽ không để tâm đến lĩnh vực truyền hình, khán giả thích xem kịch có thể không mấy quan tâm đến nghệ sĩ múa…
Về chuyện xin - cho danh hiệu, NSND Giang Mạnh Hà cho rằng, văn nghệ sĩ thường coi trọng danh dự, không muốn bị tổn thương, không muốn xin xỏ qua hồ sơ. Nhưng hiểu như vậy chưa thực sự đầy đủ, thỏa đáng. “Mẫu hồ sơ quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) hướng dẫn nghệ sĩ ghi rõ họ tên, năm sinh, địa chỉ, đơn vị công tác, số năm cống hiến, các giải thưởng nếu có… Hồ sơ đơn giản, không có chữ xin cho, không phải đơn xin kê khai thành tích. Điều đó cho thấy sự tôn trọng đối với nghệ sĩ”, NSND Giang Mạnh Hà nói.
Bởi thế, ông cho rằng, nghệ sĩ cũng nên thấu hiểu cho công tác tổ chức. Hồ sơ là căn cứ để hội đồng xét tặng nắm bắt, đánh giá, gửi thông báo cho nghệ sĩ về kết quả. Một số nghệ sĩ chỉ mong cống hiến cho thỏa khát vọng, đam mê, phục vụ công chúng hết khả năng. Cũng có những người không muốn, không thích danh hiệu. Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng phản ứng nặng nề với công tác xét tặng.
Theo quyết định số 1516/QĐ-TTg, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 là Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh đó còn có ba phó chủ tịch và 10 ủy viên. Hội đồng đã xem xét, trình danh sách lên Thủ tướng trình Chủ tịch nước ra quyết định. Dự kiến lễ trao danh hiệu diễn ra đầu năm 2024.
Danh hiệu song hành trách nhiệm
NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ, các nghệ sĩ chỉ có huy chương khi tham gia các hội diễn, liên hoan sân khấu nhưng không phải hội diễn nào cũng nhận được sự quan tâm của khán giả. Vì vậy, ông đề xuất mang các vở diễn đoạt giải đi phục vụ nhân dân. “Như vậy, danh hiệu NSND mới đúng với tên gọi và các tên tuổi nghệ sĩ đó mới thực sự đến với nhân dân”, NSND Lê Tiến Thọ nhận định.
NSND Giang Mạnh Hà cũng cho rằng, tác phẩm, công trình nghệ thuật phải được giới thiệu rộng rãi mới có sức lan tỏa, tạo hiệu quả xã hội, phục vụ nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân trong việc xét tặng danh hiệu cũng bị cho là mang tính hình thức, không thu hút phần đông khán giả tham dự. NSND Lê Tiến Thọ kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, công chúng tích cực tham gia đóng góp ý kiến.
Võ Minh Lâm - tài năng cải lương, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 - là một trong số nghệ sĩ trẻ được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. |
“Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự tham gia, điều chỉnh quy định của các cơ quan quản lý nhà nước. Mọi tiêu chí phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Không thể chỉ có mỗi tiêu chí về số lượng huy chương vàng, cần phải có thêm những quy định về sự đóng góp, phục vụ nhân dân”, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.
Danh hiệu NSƯT, NSND đều là những phần thưởng cao quý của Nhà nước, được quy định trong Luật thi đua - khen thưởng do Quốc hội quyết định, bắt buộc phải thực hiện theo thủ tục, quy trình.
NSƯT Lê Chức nêu thực trạng một số nghệ sĩ có danh hiệu nhưng vướng vào lao lý, đổ đốn, cờ bạc, nợ nần, gây ảnh hưởng đến danh hiệu. Vì vậy, ông nhấn mạnh, nghệ sĩ cần nêu cao trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm công dân. Với riêng NSƯT Lê Chức, danh hiệu vừa là điều kiện chuẩn hóa bản thân trong nghề nghiệp, vừa tạo ra những trách nhiệm mới. Danh hiệu cũng là sự kiểm nghiệm ở mức độ cao dành cho nghệ sĩ.
Khi nhận tin sắp được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, NSƯT Trịnh Kim khẳng định, danh hiệu là động lực để phấn đấu, tự tin cống hiến cho nghệ thuật. “Đó cũng là sự nhắc nhở để nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc, bảo vệ danh hiệu cao quý”, nữ nghệ sĩ chia sẻ với Tiền Phong.
NSND Minh Vương từng bày tỏ về trách nhiệm của nghệ sĩ khi đạt danh hiệu cao quý. Ông mong mỏi, nghệ sĩ có danh hiệu nói riêng và nghệ sĩ nói chung giữ tình yêu nghề và làm công việc của mình luôn tốt đẹp để được khán giả mến mộ. “Lớp nghệ sĩ trẻ ngày nay đã theo nghề phải giữ nghề, luôn trau dồi, học hỏi theo sự hướng dẫn từ những người đi trước”, NSND Minh Vương nói.