'Kiếp nạn' của người trẻ khi bỏ chục triệu đồng để đu concert
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 22:26, 13/12/2023
Dương Phan (27 tuổi, Đà Lạt) chi hơn 12 triệu đồng cho 4 vé xem concert The Wild Dreams Tour của Westlife, diễn ra tại sân vận động Thống Nhất (TP.HCM) vào ngày 21/11.
Nhưng những gì cô nhận lại là nỗi bực tức vì cách làm việc cẩu thả của ban tổ chức. Điển hình là việc thiếu nhất quán trong khâu công bố thông tin, từ ngày mở bán vé đến khi kết thúc sự kiện, khiến khán giả khó theo dõi và cập nhật, đặc biệt những ai ở xa như cô.
Chưa kể đến lối di chuyển vào sân lòng vòng, ghế ngồi bẩn, đọng nước, rác, số ghế lộn xộn và thiết kế quê mùa không xứng với danh tiếng của Westlife.
Ghế ngồi bám bụi bẩn, đầy rác tại SVĐ Thống Nhất, nơi diễn ra concert của Westlife cuối tháng 11. Ảnh: NVCC. |
Dương Phan, người có kinh nghiệm tham dự hơn 10 concert của nghệ sĩ trong nước lẫn quốc tế, nhận xét show diễn của nhóm nhạc đến từ Ireland là "hỗn loạn nhất". Đến nay, dù sự kiện hơn 2 tuần, phần đông người hâm mộ vẫn còn rất bức xúc.
“4 thành viên biểu diễn rất tuyệt vời, nhưng sẽ hoàn hảo hơn nếu đơn vị khác đứng ra tổ chức. Khi thấy có nhiều bất cập, tôi và những người hâm mộ khác đã liên hệ trực tiếp fanpage. Nhưng thay vì trả lời thỏa đáng, họ chọn cách xóa, ẩn bình luận, sau đó đổ trách nhiệm cho bên thứ 3”, cô chia sẻ với Tri thức - Znews.
Không chỉ Dương Phan, nhiều bạn trẻ cũng gặp tình huống trớ trêu khi tham gia các buổi hòa nhạc của thần tượng. Trải nghiệm thất vọng của họ đến từ những yếu tố khác nhau, từ khâu tổ chức kém chuyên nghiệp, khung cảnh hỗn loạn, cho đến bị lừa đảo khi mua vé ở "chợ đen" và người quen.
Coi thường khán giả
Là một trong những khán giả góp mặt tại đêm diễn của Westlife, Lan Nhi (23 tuổi, TP.HCM) cũng có trải nghiệm tệ tương tự. Vì vấn đề sức khỏe, cô chọn hạng ghế ngồi, view ở cao hơn so với khu vực gần sân khấu.
Tuy nhiên, vị trí của Nhi vẫn bị chắn bởi giàn giáo và lều kỹ thuật “án ngữ” trước mặt. Điều đó khiến cô và các khán giả xung quanh khó theo dõi toàn bộ phần biểu diễn của ca sĩ.
Lan Nhi bức xúc vì bị chắn tầm nhìn. Ảnh: Lan Nhi. |
Khi khiếu nại, phản ứng gay gắt với nhân viên trong sân, họ mới giải quyết cho một số dãy ghế bị khuất hẳn tầm nhìn, còn lại thì mặc kệ.
“Thực tế, vì Westlife hát là chủ yếu, trình diễn không nhiều như các nhóm nhạc Kpop, nếu không xử lý được thì cũng ráng ngồi nghe thôi”, Nhi nói.
Trong phần bình luận trên trang fanpage của ban tổ chức, nhiều người bình luận và cho rằng đơn vị này coi thường khán giả từ khâu bán vé đến tổ chức khi sắp xếp hạng vé đứng CAT 7 (600.000 đồng) có tầm nhìn đẹp hơn khu CAT 1 (4 triệu đồng), CAT 3 (2,1 triệu đồng), CAT 4 (1,65 triệu đồng).
Ngoài ra, concert của Westlife dính ồn ào liên quan đến quảng cáo sàn giao dịch ảo, cá độ trên lightstick cổ vũ, banner chương trình.
Trước đó, một số sự kiện mang tầm vóc quốc tế diễn ra tại Việt Nam cũng nhận về không ít bình luận trái chiều từ khán giả.
Giàn giáo chắn tầm nhìn, ghế ngồi bẩn khiến trải nghiệm của khán giả không trọn vẹn ở concert của Westlife. Ảnh: AMO, NVCC. |
Lễ trao giải Asia Artist Awards 2019 (AAA), diễn ra ở Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), bị đánh giá là "thảm họa" sau hàng loạt sự cố gây bức xúc cho người hâm mộ trong nước và quốc tế.
Chẳng hạn, người hâm mộ chen lấn và xô đẩy tới nghẹt thở ở khu vực đứng gần sân khấu. Khâu tổ chức an ninh của ban tổ chức cũng bị chỉ trích vì để người lạ lao lên cắt ngang phần phát biểu nhận giải của nghệ sĩ. Một khu vực ghế ngồi khán giả lại bị che khuất tầm nhìn bởi nhà vệ sinh công cộng.
Tháng 7, concert Born Pink World Tour ở Hà Nội dường như được cải thiện hơn, nhưng vẫn có một số "hạt sạn" gây bức xúc trong cộng đồng người hâm mộ, bao gồm quyền lợi của vé VIP không hợp lý với số tiền đã bỏ ra, chương trình bắt đầu quá trễ so với timeline, hệ thống âm thanh, ánh sáng tệ, hay chỗ ngồi bị chắn tầm nhìn sân khấu.
Dù chưa diễn ra, Open Air #2 X-Mas Festival in Hanoi, dự kiến được tổ chức vào hai ngày 23-24/12, đã hứng "gạch đá" vì giá vé quá cao, dao động 900.000-15.000.000 đồng, cũng như một số vấn đề trong khâu cung cấp thông tin cho fan.
Lễ trao giải Asia Artist Awards 2019 tại Hà Nội bị đánh giá là "thảm họa". |
"Kiếp nạn" bị lừa đảo
Một số người hâm mộ không may bị lừa tiền trong quá trình "đu concert".
Dù khá dày dặn kinh nghiệm đi concert quốc tế, Bảo Ly (22 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn bị lừa đảo 5 triệu đồng khi mua vé The Dream Show 2: In A Dream của nhóm NCT Dream ở Thái Lan.
Bảo Ly đi Hàn Quốc để xem show diễn của NCT Dream. Ảnh: NVCC. |
Bảo Ly bắt đầu mua vé trên hệ thống chính thức từ giữa tháng 2, nhưng không thành công. Do đã lỡ đặt vé máy bay và khách sạn tại Bangkok, cô và một người bạn quyết tâm tìm người sang nhượng vé trên mạng xã hội.
Cô tìm thấy một tài khoản tự xưng là inter-fan (thuật ngữ dùng để chỉ người hâm mộ Kpop không đến từ Hàn Quốc) có nhu cầu bán lại vé. Trong đoạn chat, người này tỏ ra am hiểu và thể hiện tình yêu với nhóm nhạc thần tượng.
Cảm thấy tin cậy, Bảo Ly và bạn lập tức chuyển khoản toàn bộ tiền vé. Ngay sau đó, người kia đã biến mất.
“Chúng tôi quá chủ quan. Một giây phút xúc động và tâm lý mong được gặp thần tượng đã khiến chúng tôi bị mắc lừa”, cô chia sẻ.
Còn Yến Nhi (26 tuổi, TP.HCM) lại "mắc bẫy" từ chính người quen. Năm 2017, cô và nhóm bạn dồn tiền đưa cho người quen để mua vé VIP tham gia concert của G-Dragon ở Malaysia, với mức giá 5 triệu đồng/vé.
Yến Nhi từng bị lừa vé khi chưa có kinh nghiệm đi concert. Ảnh: NVCC. |
“Hồi ấy tôi chưa có kinh nghiệm, chỉ nghe là tự mua vé khó lắm, dễ bị đứng máy. Nhưng đến ngày hẹn giao vé, chúng tôi không thấy bạn đó phản hồi, điện thoại liên tục báo bận. Biết bị lừa, cả nhóm hoảng lên vì sợ mất tiền, hết vé. Cũng may có giữ thông tin cá nhân nên chúng tôi chạy qua nhà tìm. Quá trình lấy lại được tiền cũng khá vất vả”, Nhi kể lại.
Rút kinh nghiệm từ đó, cô luôn kiểm tra kỹ thông tin người giao dịch để phòng trường hợp bất trắc xảy ra.
Yến Nhi chia sẻ mỗi lần đi concert, cô đều chọn hạng vé gần sân khấu nhất để nhìn rõ thần tượng.
“Châm ngôn của fangirl là ‘đi một lần cho đáng’ mà. Tôi có công việc, tài chính ổn định nên không quá lo lắng trong việc chi số tiền lớn để gặp idol”, cô chia sẻ.
Còn với Lan Nhi và Dương Phan, cả hai cho rằng trước khi quyết định bỏ tiền mua vé xem hòa nhạc, mọi người nên dành thời gian để tìm hiểu về đơn vị tổ chức và tránh mua vé sang nhượng sát giờ diễn.
“Ví dụ, cần kiểm tra xem họ có uy tín không, đã từng tổ chức các sự kiện với quy mô tương đương hay chưa để tránh bỏ ra một số tiền lớn rồi ôm cục tức vào người. Nhiều bạn dành dụm, chắt bóp để đầu tư cho việc giải trí nên nó phải xứng đáng”, Dương Phan đúc kết.
Concert quốc tế cũng dính "sạn"
Không chỉ tại Việt Nam và khu vực châu Á, những lễ hội âm nhạc lớn trên thế giới như Coachella, Firefly Music Festival cũng không tránh khỏi việc bị fan than phiền.
Chẳng hạn, trong một bài viết, Mary Carreón, cây bút của Insider, từng thẳng thắn nhận xét: “Coachella không còn như trước”.
Theo Mary, trong vài năm gần đây, Coachella giống như một cuộc đua của giới truyền thông và công cụ tiếp thị phô trương chứ không phải là lễ hội âm nhạc đơn thuần.
Điều khiến cô không hài lòng là cứ đi vài bước thì lại thấy người nổi tiếng trên Instagram khoe "bộ cánh" mà họ được trả tiền để mặc hoặc tràn ngập những chiếc lều của nhãn hàng đang cố gắng giới thiệu sản phẩm.
Coachella giảm sức hấp dẫn với fan trong vài năm gần đây. Ảnh: ABC News. |
Việc lạm dụng văn hóa influencer khiến sự kiện âm nhạc đắt đỏ nhất thế giới bị giảm sức hút.
Còn theo Melissa Curtin (sống tại Mỹ), nhà văn viết về du lịch và ẩm thực, người đã đi Coachella 5 lần, những fan mới đến Coachella lần đầu sẽ thấy nó không khác gì một cơn ác mộng.
Ngoài vấn đề di chuyển và giao thông tắc nghẽn trước lối ra vào, việc xem nhiều ban nhạc, nghệ sĩ trình diễn trải dài khắp các sân khấu của Empire Polo Club (bang California, Mỹ) đòi hỏi khán giả phải có đủ năng lượng, cũng như sức chịu đựng.