Ngày 14/12 năm xưa: Nostradamus ra đời; Con người đặt chân đến Nam Cực; Chuyến bay đầu tiên;
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 14/12/2023
Ngày sinh của chiêm tinh gia Nostradamus
Ngày 14/12/1503, bác sĩ kiêm chiêm tinh người Pháp Michel de Nostredam, được biết nhiều với tên gọi Tiên tri Nostradamus, ra đời tại Saint-Rémy de Provence.
Ông là tác giả cuốn sách "Những lời tiên tri" (Les Propheties) tập hợp những bài đoản thi kiểu sấm ký, nội dung tiên đoán các biến cố sẽ xảy ra với thế giới từ giữa thế kỷ 16 đến năm 3797, được ông xác định là ngày tận thế.
Những đoản thi của ông được rất nhiều người nghiền ngẫm, suy đoán và liên hệ với những sự kiện đã xảy ra để khẳng định tính chính xác của những ‘sấm truyền’ này.
Nostradamus được nhiều người ngưỡng mộ và sùng bái vì khả năng tiên tri ‘nhìn thấu tương lai’, là người có khả năng ‘thần linh ứng cảm'. Nhưng cũng không ít ý kiến phê phán ông chỉ là tay bịp bợp, kẻ điên khùng hoang tưởng, gã tâm thần dở hơi, hoặc ‘Satan đội lốt người’.
Dù sao, Nostradamus cũng là một ‘nhân vật dân gian’ thú vị.
Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington qua đời
Ngày 14/12/1799 George Washington, Tổng thống ‘tiên khởi’ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1798-1797), qua đời ở tuổi 67.
George Washington là nhân vật vĩ đại trong lịch sử Hòa Kỳ, là chính trị gia, nhà quân sự và nhà lập quốc. Ông đã lãnh đạo lực lượng yêu nước giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh giành độc lập với người Anh, chủ trì thực hiện Hội nghị Lập hiến năm 1787, thành lập Hiến pháp Hoa Kỳ và Chính phủ liên bang.
Vật lý cơ học lượng tử ra đời
Ngày 14/12/1900, nhà vật lý vĩ đại người Đức Max Planck trình bày một nguồn gốc lý thuyết của định luật bức xạ tại một cuộc họp của Hiệp hội Vật lý Đức -DPG. Ông cự tuyệt mọi quan niệm thống kê thuần tuý về định luật hai nhiệt động lực học.
Ngày nay, giả định có tính mâu thuẫn với vật lý cổ điển của Planck được xem là điểm khởi phát của ngành vật lý lượng tử và là thành tựu khoa học lớn nhất của Max Planck. Ông đã khai sinh ra ‘định luật Planck’.
Max Planck được xem là một trong những nhà vật lý quan trọng nhất của thế kỷ 20, giành giải Nobel Vật lý năm 1918.
Chuyến bay đầu tiên của con người
Ngày 14/12/1903, anh em nhà Wright (Orville Wright và Wilbur Wright) thử bay chiếc Wright Flyer lần đầu tiên tại Kitty Hawk, Bắc Carolina.
Wright Flyer là máy bay do hai anh em tự thiết kế và lắp ráp, có sải cánh khoảng 12 mét và nặng khoảng hơn 300 kg, với động cơ xăng 12 mã lực. Ngày nay, chiếc máy bay này được trưng bày trong Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia ở Washington với mã số A19610048000.
Tuy chiếc máy bay chưa thể tự cất cánh mà phải nhờ một thiết bị phóng bằng vật nặng cho thả rơi và khi cất cánh, hạ cánh phải lựa theo chiều gió, nhưng sự kiện này đã gây ra được tiếng vang dư luận rất lớn. Anh em nhà Wright đã biến giấc mơ bay của loài người thành sự thật. Chuyến bay của Wright Flyer đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên mới của ngành hàng không.
-Con người chinh phục Nam Cực
Ngày 14/12/1911, một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử thám hiểm vùng cực là nhà thám hiểm người Na Uy Roald Amundsen cùng 4 đồng đội đã đặt chân đến Nam Cực. Roald trở thành người đầu tiên trên thế giới chinh phục vùng đất lạnh giá này.
Để ăn mừng, cả nhóm quyết định dựng lều ngay tại chỗ và cắm cọc với lá cờ Na Uy.
Vào thời điểm đó, Nam Cực là lục địa cuối cùng chưa được khám phá và được nhiều nước như Anh, Nhật Bản, Đức, Thụy Điển và Na Uy quan tâm. Các nước âm thầm cạnh tranh và đều gửi các toán thám hiểm đến đây, với tham vọng có được cơ hội giành lãnh thổ và cả thương mại.
Hăng hái nhất là Anh khi cử Robert Falcon Scott lãnh đạo một nhóm thám hiểm đến Nam Cực. Sau năm tuần gian khổ nhóm đến đích và thất vọng tột cùng khi nhìn thấy lá cờ Na Uy của Roald đã cắm hơn 1 tháng trước. Nhóm của Roald sau đó trở về căn cứ an toàn và nghe tin Scott cùng bốn người bạn đồng hành đã chết vì bão tuyết và kiệt sức trên hành trình trở về.
-Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ra đời
Ngày 14/12/1960, Tổ chức OECD ra đời mục đích là để tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi.
OECD là diễn đàn dành cho các thành viên, hiện là chính phủ của 38 nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cũng như 70 nước không phải là thành viên, cùng nhau bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề chung khác. Hiện OECD có 38 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao.
Việt Nam đã có những hợp tác chặt chẽ, thực chất và hiệu quả với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); đồng thời là thành viên tích cực của Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP) của OECD.
-Ký kết thỏa thuận Dayton
Ngày 14/12/1995, thỏa thuận Dayton được ký kết tại Paris bởi lãnh đạo của nhiều chính phủ khác nhau nhằm chấm dứt xung đột ở Nam Tư cũ bao gồm Tổng thống Slobodan Milosevic (Nam Tư), Alija Izetbegović (Bosnia & Herzegovina), Franjo Tuđman (Croatia) và Bill Clinton (Mỹ).
Nội chiến Nam Tư kéo dài tứ 1991-2001 dẫn đến sự tan rã của nhà nước Nam Tư cũ khi các nước cộng hòa cấu thành đã tuyên bố độc lập. Đã có hơn 140.000 người chết vì trong cuộc chiến này và hàng triệu gia đình ly tán khắp châu Âu.
-Toni-Ann Singh trở thành Hoa hậu thế giới 2019
Miss World 2019 tại London thuộc về Toni-Ann Singh người Jamaica. Đây là lần đầu tiên có 5 cuộc thi sắc đẹp đều thuộc về thí sinh da màu. Singh, 23 tuổi, sống tại Morant, Jamaica, tốt nghiệp Đại học Florida State với tấm bằng tâm lý học và nghiên cứu về phụ nữ. Cô dự định sớm đăng ký học trường Y.
Trước đó, Zozibini Tunzi giành Hoa hậu hoàn vũ 2019, Miss USA 2019 Cheslie Kryst, Miss Teen USA 2019 Kaliegh Garris, Miss America 2019 Nia Franklin. Lần đầu tiên tại nước Mỹ, một quốc gia từng là "điểm nóng" về phân biệt chủng tộc, 3 giải thưởng hàng đầu về sắc đẹp đã thuộc về các thí sinh da màu.