Giải bài toán công nghệ pin, xe tăng điện sẽ là sát thủ thầm lặng chiến trường
Khoa học - Ngày đăng : 20:46, 13/12/2023
Hiện nay ngành công nghiệp ô tô phải đối mặt với những quy định ngày càng nghiêm ngặt về tiêu chuẩn khí thải và bảo vệ môi trường, hầu hết các hãng xe lớn đều đưa ra tuyên bố sẽ chỉ bán xe điện (EVs) từ sau năm 2030.
Cuối năm 2021, Tổng thống Mỹ Biden ký sắc lệnh cho phép điện khí hóa một số phương tiện vận tải di chuyển trong khu vực đóng quân/doanh trại quân đội.
Theo đó, bắt buộc sử dụng xe điện hạng nhẹ vào năm 2027 và xe điện hạng trung đến hạng nặng vào năm 2035.
Đây được coi là động thái chuẩn bị của các chính trị gia cho việc triển khai xe tăng điện trong tương lai gần.
Giảm nguy hiểm, độ ồn và chi phí bảo dưỡng
Việc vận chuyển nhiên liệu cho phương tiện sử dụng động cơ đốt trong vốn là nhiệm vụ khó khăn, tốn kém và nguy hiểm. Do đó, chuyển sang xe điện có thể sẽ xóa bỏ sự lệ thuộc vào hệ thống cung ứng cồng kềnh, nhiều yếu điểm và làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon.
Tiếp đó, xe điện cũng yên tĩnh hơn nhiều so với xe động cơ đốt trong. Trên thực tế, xe điện dân sự ở Mỹ phải có bộ phận tạo ra tiếng ồn khi di chuyển dưới 30km/h để đảm bảo người đi bộ có thể nghe thấy.
Các phương tiện cơ giới điện có khả năng ẩn mình tốt hơn trên chiến trường đặc biệt là vào ban đêm nhờ vận hành êm ái hơn và cũng có khả năng qua mặt các thiết bị tầm nhiệt khi có mức phát nhiệt thấp.
Ngoài ra, xe điện có thể trở thành nguồn cấp năng lượng di động dự phòng cho các thiết bị tác chiến khác.
Cuối cùng, hệ thống đẩy của xe điện đơn giản hơn rất nhiều so với xe động cơ đốt trong, ít bộ phận chuyển động hơn có nghĩa là ít sự cố có thể xảy ra hơn, giảm tỷ lệ tiêu tốn thời gian bảo trì trong xưởng. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng đảm bảo an toàn của xe quân sự.
Điểm yếu công nghệ pin
Xe điện chưa thể đáp ứng những lộ trình dài. Thêm vào đó là vấn đề trọng tải do những đặc tính vốn có của dòng xe quân sự vốn được đánh giá là nặng nề do buộc phải trang bị các lớp giáp thép dày và các thiết bị vũ trang để tự vệ.
Với các trạm sạc cấp 3 (nhanh nhất hiện nay) vẫn phải mất hàng giờ để sạc đầy pin cho các phương tiện vận tải điện.
Do đó, lộ trình chuyển đổi có thể sẽ được tiến hành qua khâu trung gian là các phương tiện vận tải hybrid trước khi tiến tới các phương tiện điện khí hóa hoàn toàn.
Những công nghệ mới đều có giá thành rất cao khi mới ra đời và chỉ dần trở nên hợp lý sau một thời gian. Theo đánh giá của US News & World Report thì ngay cả khi chi phí pin xe điện đã giảm 80% trong 10 năm qua và hiện đang được trợ giá lên tới 7.500 USD từ chính phủ Mỹ cho mỗi xe bán ra thì giá trung bình một chiếc xe điện vẫn là là 53.469 USD.
Pin là thứ đang khiến giá chào bán của những chiếc xe điện cao hơn nhiều so với xe động cơ đốt trong.
Từ năm 2021, với việc Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển đổi một trong những xe tác chiến bộ binh (ISV) của mình sang chỉ sử dụng năng lượng điện (eISV) đã đặt nền móng cho cho xe điện trên chiến trường.
GM Defense cho biết họ đang phát triển “dòng xe điện chiến thuật hạng nhẹ thế hệ tiếp theo” với hệ truyền động hybrid để thu hẹp khoảng cách hướng tới một tương lai cho các phương tiện cơ giới hoàn toàn bằng điện.
Tiếp theo đó, rất có thể quân đội Mỹ sẽ triển khai công nghệ hybrid với các hệ truyền động sử dụng động cơ điện song song với động cơ đốt trong để tối ưu hóa hiệu quả cũng như cho phép các phương tiện sạc lại bộ pin thông qua phanh tái tạo.
Việc này không chỉ giảm thiểu lượng nhiên liệu cần vận chuyển mà còn có thể cho phép các cơ sở quân sự chạy thử nghiệm hệ thống hạ tầng sạc điện, củng cố cho phương án áp dụng các phương tiện hybrid trong tương lai.
(Theo PopMech)