'Trả thù lao 2 triệu người ta cũng không muốn làm chứng vì họ sợ lắm'

Nhịp sống - Ngày đăng : 17:30, 13/12/2023

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết mọi người rất sợ ra tòa làm chứng. "Người làm chứng không cần thù lao 200.000 đồng/ngày. Thù lao 2 triệu người ta cũng không muốn nhận", ông nói.

Chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Dự thảo pháp lệnh có 93 điều, 13 chương, quy định về xác định chi phí tố tụng; nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng; việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tố tụng; miễn, giảm tiền tạm ứng, miễn, giảm chi phí tố tụng… Dự thảo pháp lệnh lần này cũng mở rộng, quy định 13 loại chi phí tố tụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với chủ trương sửa đổi, nâng mức chi cao hơn quy định hiện hành.

Tuy nhiên, một số mức thù lao cao hơn khá nhiều như thù lao cho người làm chứng nâng từ 50.000 đồng/ngày lên 200.000 đồng ngày; phụ cấp xét xử của Hội thẩm nâng từ 90.000 đồng/ngày lên 900.000 đồng/ngày....

Trả thù lao 2 triệu người ta cũng không muốn làm chứng vì họ sợ lắm - 1

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/12 (Ảnh: Phạm Thắng).

Người đứng đầu cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải căn cứ sửa đổi các mức chi và tiếp tục cân nhắc, đề xuất mức chi phù hợp.

Giải trình nội dung này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc động viên người liên quan ra làm chứng, bởi "chúng ta cần công lý".

Vậy nhưng thực tế, ông cho biết mọi người rất sợ ra tòa làm chứng, nhất là trong vụ án hình sự.

"Người làm chứng không cần thù lao 200.000 đồng/ngày. Thù lao 2 triệu đồng có khi người ta cũng không muốn nhận chứ đừng nói 200 nghìn đồng. Người ta sợ làm chứng lắm các đồng chí ạ, nguy hiểm kinh khủng", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Với đề xuất nâng mức phụ cấp xét xử của Hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày, theo ông Bình, không phải là "bốc thuốc".

Ông so sánh, mức chi cho luật sư chỉ định là 750.000 đồng/ngày. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm về sinh mạng chính trị nên mức phụ cấp cao hơn luật sư chỉ định. "Bộ Tài chính ủng hộ mức tăng này", theo ông Bình.

Ngoài ra, theo lãnh đạo TAND tối cao, quá trình xây dựng dự thảo pháp lệnh còn một số vấn đề lớn có ý kiến khác nhau. Ví dụ, đối tượng được hưởng phụ cấp xét xử cho Hội thẩm.

Trả thù lao 2 triệu người ta cũng không muốn làm chứng vì họ sợ lắm - 2

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (Ảnh: Phạm Thắng).

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết vấn đề này có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng quy định đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...) được hưởng phụ cấp xét xử cho Hội thẩm khi tham gia xét xử là phù hợp với Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương của Trung ương.

Lý do, Hội thẩm là người đại diện cho nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án. Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử, Hội thẩm là cán bộ, công chức, viên chức, không đại diện cho cơ quan, đơn vị và không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong vị trí việc làm mà họ được giao.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Hội thẩm là người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, không được hưởng phụ cấp xét xử. Việc quy định phụ cấp xét xử cho đối tượng này chưa phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27 về "Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước...".

Lãnh đạo Tòa tối cao cho biết dự thảo Pháp lệnh thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, theo bà Nga, đa số Ủy ban Tư pháp tán thành với phương án TAND Tối cao đã lựa chọn và thể hiện trong dự thảo pháp lệnh.

Tuy nhiên, đây là nội dung quan trọng của dự thảo pháp lệnh, liên quan trực tiếp đến thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, chưa có văn bản triển khai thi hành nên vẫn còn cách hiểu và ý kiến khác nhau nên Ủy ban Tư pháp báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hoài Thu